Tiến trình cổ phần hoá kéo dài 13 năm chưa kết thúc
Mặc dù mới đây, hợp đồng mua 95% cổ phần Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) của MobiFone đã bị chấm dứt và nhóm cổ đông hoàn trả lại đầy đủ số tiền MobiFone đã thanh toán cộng với tiền lãi và các chi phí có liên quan, tuy nhiên, vụ việc chưa chấm dứt tại đó.
Tiến trình cổ phần hoá MobiFone bị ảnh hưởng tiêu cực do việc thực hiện đầu tư mua cổ phần AVG |
Một kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa mới công bố cho biết, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone trong thương vụ này đã dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng.
“Việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa MobiFone”, theo Thanh tra Chính phủ.
Việc cổ phần hoá MobiFone thực tế đã được khởi động từ năm 2005 khi doanh nghiệp này vẫn còn trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tờ Đầu tư cho biết, thời điểm đó, Bộ Tài chính đã chi 20 tỷ đồng cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp này.
Được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng”, MobiFone đã nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn viễn thông nước ngoài, bày tỏ ý định muốn trở thành cổ đông chiến lược như Singtel (Singapore), Telenor (Na Uy), Comvik (Thụy Điển) và Telstra (Australia)… Bản thân VNPT cũng muốn sở hữu 20% cổ phần của MobiFone.
Dù vậy, cho đến nay, kế hoạch cổ phần hoá MobiFone vẫn chưa hoàn thành. “Tôi không rõ vì nguyên nhân gì mà MobiFone không thể cổ phần hoá nổi. Suốt 13 năm qua họ trốn cổ phần hoá, tốn bao nhiêu tiền tư vấn” – ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) bày tỏ băn khoăn với phóng viên Dân Trí.
Một thương vụ bất lợi không đời nào được cổ đông đồng ý
Năm 2008, Credit Suisse được chọn làm tổ chức tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone và đưa ra mức định giá khoảng 2 tỷ USD với mạng di động này vào đầu năm 2009. Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hoá bị dở dang, trì hoãn đến năm 2011 thì nhà mạng này phải tách ra khỏi VNPT theo quy định tại Nghị định 25/2011/NĐ-CP
Tháng 6/2014, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) ước tính giá trị MobiFone khoảng 3,4 tỷ USD và thậm chí có thể tăng lên hơn 4 tỷ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu vào năm 2016 - 2017.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, “nếu MobiFone cổ phần hoá và niêm yết trên sàn chứng khoán từ 2008 thì sẽ không bao giờ có chuyện lùm xùm mua AVG như vừa qua. Một thương vụ không có lợi thì không đời nào cổ đông họ đồng ý”.
Theo ông, không chỉ MobiFone mà các doanh nghiệp Nhà nước khác nói chung, nếu không cổ phần hoá và thực hiện niêm yết thì Nhà nước sẽ thiệt hại. “Tôi có thể khẳng định, việc các DNNN trốn niêm yết sẽ khiến Nhà nước thiệt hại hàng tỷ đôla”, vị này quả quyết.
Phó Chủ tich VAFI đề nghị, “Nhà nước cần có lệnh cấm việc đầu tư, mua bán sáp nhập tại các doanh nghiệp Nhà nước, chỉ trừ các trường hợp thực sự cấp thiết, nhưng phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ”. Bởi, theo ông Hải, “khác với các doanh nghiệp tư nhân, tài sản các doanh nghiệp Nhà nước là mồ hôi, nước mắt nhân dân mà ra”.
“Không minh bạch thông tin chính là điều kiện, môi trường cho các nhóm lợi ích. Một thương vụ bất lợi cho Nhà nước nhưng đóng dấu Mật rồi hạn chế công khai khiến thông tin bị bóp méo là không chấp nhận được”, vị chuyên gia tài chính nêu quan điểm.
Theo kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hồi năm ngoái, ngay trong năm 2018 này, MobiFone phải hoàn thành cổ phần hoá. Và khi thị trường chứng khoán đang hồi phục mạnh mẽ, VN-Index sắp chinh phục đỉnh mới, nhà đầu tư hy vọng sẽ không phải chờ đợi lâu hơn nữa để có thể mua được cổ phiếu MobiFone.
Theo Dân Trí