"Hai đứa con" hư của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn

Thứ bảy, 21/07/2018, 10:26
Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn là doanh nghiệp có hệ thống công ty con đông đảo trong lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên “những đứa con” này lại gắn liền với sai phạm.

Trong số những công ty con của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV (doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP.HCM), nổi lên 2 công ty được đặt trong tầm ngắm thanh tra. Cụ thể là Công ty Cổ phần Địa ốc 10 (RES 10) và Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà – Intresco, với những sai phạm trong thời gian gần đây được mổ xẻ và yêu cầu xử lý.

Điểm chung của hai công ty này là nắm quỹ đất lớn nhưng năng lực thực hiện rất hạn chế, khiến dự án treo hàng chục năm trời.

RES 10 làm trái quy định của Thủ tướng

Công ty cổ phần Địa ốc 10 tiền thân là Công ty Xây dựng và Dịch vụ nhà đất Quận 10, trực thuộc UBND quận 10, thành lập năm 1988. Đến năm 2004, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Quận 10 đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 10 tỷ đồng. Đến năm 2005, công ty đổi tên thành Công ty Cổ Phần Địa ốc 10, là thành viên của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV.

Gần đây, trong số những dự án bất động sản mà Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị UBND TP.HCM xử lý nghiêm và báo cáo kết quả trước ngày 1/8, có dự án khu dân cư Hồ Học Lãm của Địa ốc 10 làm chủ đầu tư. Sai phạm của dự án này liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc bị chuyển sang cơ quan điều tra.

Không chỉ dự án khu dân cư Hồ Học Lãm được nhắc đến gần đây, dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (quận 9) của doanh nghiệp này cũng được yêu cầu xử lý sai phạm. Trong quá trình được giao đất thực hiện dự án, doanh nghiệp này đã làm trái quy định của Thủ tướng.

Cụ thể, cuối tháng 6/2018, từ kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án Khu dân cư (KDC) Bắc Rạch Chiếc tại quận 9 của Thanh tra TP.HCM, UBND TP.HCM đã chỉ đạo chuyển hồ sơ sang công an, làm rõ sai phạm của cá nhân liên quan tại Địa ốc 10.

Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng năm 2001, dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc do Công ty Xây dựng và dịch vụ nhà đất quận 10 (thời điểm này chưa đổi tên) đầu tư hạ tầng kỹ thuật trục đường chính. Sau khi hoàn thành hạ tầng sẽ bàn giao lại cho thành phố, để giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Tuy nhiên, trước khi dự án được giao đất, RES 10 đã ký hợp đồng cho Công ty phát triển Hàng Hải và Công ty TNHH thương mại Him Lam được tham gia làm nhà đầu tư thứ cấp. Hành vi này bị Chủ tịch UBND TP.HCM cho là có dấu hiệu làm trái quy định của Nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, năm 2016, thành phố giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn phối hợp với RES 10 tập trung nguồn lực để bồi thường, tái định cư với phần đất làm trục đường chính (đường Đông - Tây, đoạn đầu nối với Xa lộ Hà Nội và đoạn cuối nối Khu dân cư Phước Bình; đoạn cuối của tuyến đường ven sông kết nối ra đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9).

Tuyến đường chính phải hoàn thành trong quý I/2017.

Công ty mẹ cũng làm trái

Tuy nhiên, nhiều cán bộ tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn lại ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Saca và Chi nhánh vận tải phía Nam (Công ty Vận tải ôtô 6, Cục Đường bộ), với nội dung giao đất cho đơn vị thực hiện dự án.

Hành vi này cũng được xác định "có dấu hiệu làm trái quy định của Nhà nước".

Cơ quan Thanh tra xác định, việc ký hợp đồng kinh tế với các đơn vị đăng ký tham gia dự án có nội dung cho phép “được quyền tổ chức kinh doanh”, dẫn đến các đơn vị này cho rằng được quyền phân lô và thực hiện huy động vốn cho các cá nhân, thực chất là bán nền đất.

Kết quả thanh tra cho thấy, Công ty RES 10 không công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đóng góp của các đơn vị tham gia thực hiện hạ tầng kỹ thuật trục chính. Do đó, đã hơn 10 năm triển khai nhưng hạ tầng kỹ thuật trục chính hiện chưa hoàn thành.

Đã hơn 10 năm triển khai nhưng hạ tầng kỹ thuật trục chính của khu dân cư Bắc Rạch Chiếc vẫn chưa hoàn thành.

Tại dự án quy mô này, trong quá trình hợp tác kinh doanh trên diện tích đất hơn 17.100 m2, Thanh tra TP.HCM xác định có dấu hiệu sai phạm của các cá nhân Công ty RES 10, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) và các đơn vị có liên quan.

Cụ thể, RES 10 liên doanh với Công ty TNHH Phát triển DeaDong (Hàn Quốc) hợp tác kinh doanh đối với phần đất trên, nhưng thực tế còn 1.243 m2 đất RES 10 chưa bồi thường xong vẫn được Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 3 và tháng 5/2009.

Thanh tra TP.HCM còn đề nghị làm rõ việc sử dụng 3 triệu USD mà RES 10 nhận từ Công ty TNHH Phát triển DeaDong năm 2010, đến nay đã hết thời hạn nhưng dự án chung cư vẫn chưa triển khai.

Intresco ngâm dự án 15 năm

Người anh em của Res 10 là Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà – Intresco (tiền thân là công ty con của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, đã được cổ phần hóa), lại khiến khách hàng điêu đứng hàng chục năm trời với dự án khu dân cư 6A (xã Bình Hưng, huyện, Bình Chánh).

Nhiều khách hàng ngậm đắng gần 15 năm qua khi dự án Intresco làm chủ đầu tư vẫn nằm trên giấy. Hàng trăm khách hàng mua đất tại đây đã nhiều lần liên lạc với chủ đầu tư để giải quyết nhưng không thành, phải gõ cửa cơ quan chức năng để cầu cứu.

Các hộ dân cho biết lý do mua đất là tin tưởng vào dự án đủ pháp lý, và chủ đầu tư là Intresco (doanh nghiệp Nhà nước)

Khách hàng mòn mỏi chờ nhà từ chủ đầu tư Intresco.

Từ năm 1994, Khu đô thị mới Nam TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt với 22 phân khu chức năng trên tổng diện tích 2.600 ha, riêng khu chức năng số 6 quy mô 188 ha là khu công viên khoa học phía Đông. Trong Khu chức năng số 6, năm 2002, Ban Quản lý khu Nam phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 làm Khu công nghệ thương mại và dân cư Intresco (gọi là khu 6A) với quy mô hơn 48,5 ha.

Từ năm 2003, Intresco huy động vốn của cán bộ công nhân viên đang làm việc để xây nhà, với giá trị góp vốn lần 1 là 150 triệu đồng (chỉ tiêu 1 người/nền). Phía Intresco sẽ giao nền trong 36 tháng. Tuy nhiên, do kéo dài nên cán bộ công nhân viên của Intresco bán lại cho nhiều người bên ngoài. Theo phản ánh của khách hàng, từ năm 2003 – 2005, Công ty Intresco đã thu hơn 71 tỷ đồng từ 239 nền của khách hàng.

Tuy nhiên, sau đó BQL khu Nam lại điều chuyển 25ha đất khu 6A kể trên cho Công ty Vạn Thịnh Phát, bao gồm hợp đồng góp vốn của 47 khách đã ký trước đó với Intresco. Ngày 31/11/2006, Intresco và Vạn Thịnh Phát ký hợp đồng chuyển chủ đầu tư đối với 47 khách hàng kể trên.

Ông Vũ Văn Châu, Giám đốc Đầu tư Công ty Intresco, thừa nhận dự án này tắc là do đang vướng khâu giải phóng mặt bằng.

Ngày 9/3/2017, UBND TP.HCM đã có Công văn số 1187/UBND-ĐT, giao UBND huyện Bình Chánh phối hợp Ban quản lý Khu Nam và Công ty Intresco, khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường đối với phần đất chưa bồi thường của dự án, hạn chót trong tháng 12/2017. Quá thời hạn nêu trên phải chịu hình thức xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2018, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn