Sau khi WeFit tuyên bố phá sản, trên mạng xã hội lập tức xuất hiện nhiều hội nhóm tập trung các đối tác và khách hàng của WeFit đòi lại quyền lợi của mình, khi chỉ nhận được lời xin lỗi từ thương hiệu này. Tính riêng đến cuối ngày 11/5, đã có gần 300 người đăng ký vào danh sách thiệt hại do WeFit gây ra, tổng số tiền thiệt hại lên tới hơn 2,1 tỷ đồng. Danh sách này dự đoán sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.
Chủ thẻ tên Nguyễn Hà Liên cho biết: "Tôi vừa mua thẻ tập 18 tháng cuối năm 2019 với giá hơn 10 triệu đồng, chưa tập được bao nhiêu vì trùng dịp Tết và dịch COVID-19 nên gần như thẻ của tôi còn nguyên buổi tập. Vừa hết cách ly mới đi tập lại được 2 buổi thì nhận được thông báo từ phía WeFit phá sản, đến nay tôi cũng không biết phải làm thế nào để quyền lợi của mình được đảm bảo".
L.A, một khách hàng của WeFit chia sẻ trên hội nhóm: "Sáng nay mình nhận được tin dữ từ WeFit, thú thật là từ trước Tết đến giờ mình chưa đi lại buổi Wewow nào vì bận, mà cũng đinh ninh để sau đi cũng được vì hạn của mình còn tận 5 năm nữa. Trong thư WeFit viết là đang làm việc để tìm ra phương án cho các buổi tập còn lại mà thật sự là rất hoang mang không biết đến bao giờ mới được giải quyết".
Là một trong những Spa bị nợ khá nhiều tiền từ WeJoy, chị Minh Trang - chủ tiệm Uni Beauty cho biết: "Lúc công ty gặp khó khăn, các bạn bên WeJoy qua nói chuyện và xin thanh toán chậm, nên em tiếp tục hợp tác. Ai ngờ đến giờ bên đó xin phá sản, khoản tiền nợ gần 200 triệu đồng bên đó nợ vẫn chưa có phương án thanh toán".
"Mình cũng làm spa bị WeJoy nợ tiền, nghĩ người lao động vất vả phục vụ khách mà bị xù tiền thế này thật xót xa quá. Dự án vẽ vời rất hay nhưng người thiệt hại nhất là những người đang phục vụ khách hàng, mất sức, đổ mồ hôi làm một mặt hay một boby với giá 200 - 300.000 đồng cả tiếng đồng hồ", Minh Phương, chủ một tiệm spa là đối tác của dịch vụ WeJoy nói.
Trong khi đó, anh Đức Nguyễn một khách hàng đang sở hữu dịch vụ WeFit gần đây không tìm được phòng tập nào còn liên kết trên ứng dụng đã yêu cầu WeFit bảo lưu thẻ tập từ ngày 9/5 và vẫn được bên WeFit xác nhận. Trong khi đó, chiều ngày 10/5, phía dịch vụ này vẫn thông báo với anh Đức là hệ thống đã mở lại bình thường. Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao trong tháng 4, WeFit sắp phá sản mà vẫn đổ tiền chạy quảng cáo thu hút thêm khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng của mình?
Sáng 11/5, Công ty công nghệ Onaclover – chủ sở hữu của ứng dụng WeFit sau được đổi tên thành WeWow - gửi email thông báo cho khách hàng về việc phá sản. Tuy từ lâu, công ty này đã dính "lùm xùm" nợ tiền nhà cung cấp xong thông tin phá sản vẫn gây nhiều bất ngờ cho dư luận. Bởi đây có lúc đã được coi là startup nhiều hứa hẹn.
Trong thông báo được phát đi, WeWow cho biết, sau những khủng hoảng gặp phải từ đầu năm, mặc dù đã rất nỗ lực để cải tổ, đơn vị này lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
"Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn. Do đó, chúng tôi không thể duy trì hoạt động kinh doanh và sản phẩm của mình, WeWow buộc phải dừng hoạt động tất cả sản phẩm (WeFit/WeFit Point/WeFit Pago/WeJoy) từ 8h ngày 11/5”, WeWow thông tin và cho biết đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần công nghệ Onaclover tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội theo các quy định của pháp luật.
Đối với các gói sản phẩm mà khách hàng đã đăng ký trước đó, phía WeWow khẳng định đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ 3 để có được phương án giúp khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ.
WeFit thực sự lâm vào khủng hoảng vào cuối năm 2019 khi rộ lên thông tin nhiều phòng tập, spa tố công ty này nợ đọng hàng trăm triệu đồng không thanh toán và cắt liên kết với ứng dụng khiến khách hàng đã bỏ tiền mua dịch vụ của WeFit không sử dụng được.
Theo VTC