CNBC: Dù Mỹ nhắm vào Huawei, Trung Quốc cũng sẽ không dễ dàng "buông tay" để Apple sang Việt Nam

Thứ ba, 26/05/2020, 13:10
Báo cáo của Nikkei cho thấy tai nghe AirPods đã được sản xuất hàng loạt tại Việt Nam từ đầu tháng 3. Trung Quốc có thể không muốn mạo hiểm đẩy nhanh động thái này, theo CNBC.

Apple khó có thể đối mặt với phản ứng dữ dội của Chính phủ Trung Quốc về quy tắc mới nhắm vào Huawei của Mỹ, các chuyên gia nói với CNBC.

Apple trước giờ vẫn có mối quan hệ tốt với Trung Quốc thông qua các đối tác sản xuất, sử dụng hàng trăm ngàn công nhân tại đây. Những yếu tố này lâu nay đã khiến Trung Quốc không gây khó dễ cho Apple.

Chính phủ Hoa Kỳ hôm 15/5 đã công bố quy định mới nhằm ngăn chặn bán thêm vật liệu bán dẫn cho Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Điều đó sẽ đánh một đòn mạnh vào TSMC (Đài Loan), nhà cung cấp chip chính của Huawei và nó có thể ảnh hưởng lớn trực tiếp đến Huawei, các chuyên gia nói với CNBC.

Đáp lại, Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp đối phó, theo Global Times. Trang này cho biết các biện pháp có thể bao gồm việc đưa một số công ty vào danh sách thực thể. Global Times cũng trích nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng trả đũa bằng cách nhắm tới Apple, Cisco Systems hay Qualcomm và có thể hoãn hợp đồng mua máy bay với Boeing.

Apple và Cisco từ chối bình luận. Qualcomm đã không có bình luận ngay lập tức khi được CNBC liên hệ.

"100% là Apple có đóng góp cả trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, Chính quyền Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi nhắm vào Apple", ông Shah nói.

"Apple cũng đã xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà chức trách ở Bắc Kinh", theo Paul Triolo, Eurasia Group. "Chúng tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ nhắm vào Apple. Có thể có một số nỗ lực tẩy chay thương hiệu Hoa Kỳ, nhưng không phải với các công ty có hàm lượng công nghệ cao và có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương và Bắc Kinh như Apple".

Apple là một trong số ít các công ty công nghệ Hoa Kỳ đã tìm thấy thành công ở Trung Quốc trong vài năm qua, với doanh số từ khu vực Trung Quốc Đại lục chiếm khoảng 16% doanh số trong quý 3/2019. Apple có 42 cửa hàng và nhiều đối tác phân phối sản phẩm của mình tại Trung Quốc. Trên hết, Apple cho biết năm ngoái rằng họ có 2,5 triệu nhà phát triển phần mềm trên nền tảng của mình. Kể từ khi App Store ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2010, các nhà phát triển đã kiếm được hơn 200 tỷ CNY (28,1 tỷ USD).

Nhưng Trung Quốc không chỉ quan trọng về mặt doanh thu. Đây cũng là nơi mà hầu hết iPhone được lắp ráp bởi đối tác sản xuất Foxconn và quốc gia này là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple. Foxconn sử dụng hàng trăm ngàn lao động ở Trung Quốc.

Trong khi chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, các công ty công nghệ Mỹ như Apple đang nhìn vào các quốc gia khác như Việt Nam và Ấn Độ. Năm ngoái, Apple được cho là đang muốn bắt đầu thử nghiệm sản xuất AirPods tại Việt Nam và yêu cầu các nhà cung cấp xem xét chuyển 15% đến 30% sản lượng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Báo cáo của Nikkei cho thấy tai nghe AirPods đã được sản xuất hàng loạt tại Việt Nam từ đầu tháng 3. Trung Quốc có thể không muốn mạo hiểm đẩy nhanh động thái này.

"Trung Quốc đã phải đối mặt với những cơn gió ngược khi các công ty như Apple tìm cách đa dạng hóa cơ sở sản xuất của họ", ông Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research nói với CNBC. Vì vậy, vấn đề có thể nghiêm trọng gấp đôi nếu Trung Quốc nhắm vào Apple ở Trung Quốc và gián tiếp là Foxconn, nó sẽ đẩy việc sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc nhanh hơn.

Theo Tổ Quốc

Các tin cũ hơn