Thời cơ cho "sóng đầu tư" của Việt Nam sang Myanmar

Thứ hai, 26/03/2012, 15:30
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Myanmar Theinsein đã thành công tốt đẹp, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển cả bề rộng và bề sâu.


 

Nếu tính từ năm 1947, khi Việt Nam có văn phòng đại diện ở Thủ đô Rangoon (tên gọi của Yangon khi đó), hai bên đã có quan hệ 65 năm. Hai nước đã qua nhiều ngày tháng thăng trầm nhưng quan hệ hai nước luôn được vung đắp, phát triển.

Quá khứ có nhiều nét tương tự

Việt Nam và Myanmar đều nằm trên bán đảo Trung - Ấn, Việt Nam nằm ở phía Đông bán đảo còn Myanmar nằm ở phía Tây bán đảo. Việt Nam qua Biển Đông nối liền với Thái Bình Dương còn Myanmar qua vịnh Bengal và biển Adaman thông ra Ấn Độ Dương. Diện tích Myanmar gấp đôi Việt Nam (hơn 600.000 km2) nhưng số dân chỉ hơn ½ Việt Nam (hơn 50 triệu người). Riêng về dân tộc Việt Nam có 54 dân tộc trong khi đó Myanmar có 135 dân tộc. Vấn đề dân tộc là vấn đề lớn trước đây, hiện nay và cả sau này của Myanmar.

 

Tượng phật ở Cố đô Mandalay


Myanmar tự hào vì có Bozok Aung Shan (tướng Aung Shan), người đã bị ám sát ngày 20/7/1947 cùng một số bộ trưởng. Ông cùng 30 thanh niên từ Nhật trở về để đưa nền độc lập lại cho đất nước với việc ra đời của Liên bang Myanmar ngày 4/1/1948. Nhiều người dân Myanmar biết đến Việt Nam, biết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có nhà sử học đã viết một cuốn sách bằng tiếng Myanmar về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở Đông Bắc Myanmar có bang Shan rộng lớn. Bang này chiếm 1/6 diện tích Myanmar. Người ở bang Shan, người Thái ở Thái Lan, người Thái ở Tây Bắc Việt Nam …hiểu ngôn ngữ của nhau. Chính ở bang này, có những địa điểm mà đoàn cán bộ của Việt nam đã đến thăm hơn 10 năm trước. Họ là những thanh niên Việt Nam những năm cuối của thập kỷ 40, thế kỷ XX được lệnh từ trên, từ Sơn La, Lai Châu của Việt Nam qua Lào, qua sông Mê Kông, đặt cơ sở được phép của chính quyền bạn, tìm mua vũ khí rồi chuyển về cho chiến trường Tây Bắc Việt Nam.

Trong sách giáo khoa của nhiều học viện, nhà trường, quân đội Myanmar có nhiều tài liệu, nhiều bài giảng về chiến tranh nhân dân ở Việt Nam.

Bạn rất lưu ý đến kinh nghiệm tác chiến phòng không đến xây dựng và phát triển các đơn vị sử dụng trang bị hiện đại như MiG – 29, tàu hộ tống.

Tiềm năng quan hệ 2 nước

Năm 2014 Myanmar sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Asean. Trong chuyến thăm của Tổng thống Thein Sein ở Việt Nam vừa qua, hai nước nhất trí nâng kim ngạch xuất khẩu 2 bên từ 167 triệu USD năm 2011 lên 500 triệu USD trước năm 2015. Trên cả hai lĩnh vực chính trị và kinh tế, dự địa hợp tác rất rộng, trải ra nhiều lĩnh vực.

 

Các điệu múa Myanmar


Như vậy, 2 nước có nhiều cơ hội trao đổi trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc. Người ta còn nhớ rằng, năm 1961, U Than khi ấy là đại diện thường trực của Miến Điện (tên gọi Myanmar khi đó) tại Liên hợp quốc, đã trở thành Tổng thư ký tổ chức này trong 10 năm. Ông là người đầu tiên không xuất thân từ phương Tây đã lãnh đạo tổ chức này liền 2 nhiệm kỳ. Hợp tác khu vực và tiểu vùng giữa 2 nước có nhiều điều kiện thuận lợi. Trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào nội bộ của nhau, hai bên chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích. Các ngành, bộ của Việt Nam: Kế hoạch – Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Thông tin và Truyền thông …Các tập đoàn kinh tế đã lần lượt đến đất bạn. Chính phủ Myanmar nêu rõ 5 lĩnh vực muốn hợp tác với ta: trồng trọt, thủy – hải sản, lâm nghiệp, khai thác dầu – khoáng sản, sản xuất hàng tiêu dùng.

Về thương mại, năm 2011, Việt Nam đứng thứ 13 trong các nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu đến Myanmar, là: Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Astralia, Đài Loan, ẢrậpXeut, các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Về nhập khẩu, Việt Nam là nhà nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar đứng thứ 12, sau Thái Lan, Hồng Công, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Bangladesh, Bờ biển ngà, Kuwait. Với kinh tế hai nước đều đang phát triển, kim ngạch ngoại thương chắn chắn tăng lên mạnh mẽ. Qua nhiều lần triển lãm, hàng hóa Việt Nam phù hợp với nhu cầu, sức mua của bạn.

Về đầu tư, Myanmar đang kêu gọi đầu tư thực sự để tận dụng nguồn vốn bên ngoài, mở đường cho sự phát triển của đất nước. Chu trình cấp phép đầu tư đã được tinh giản (bỏ Ủy ban thương mại và thành lập Đội dịch vụ tư vấn, cấp phép đầu tư một cửa).Ủy ban đầu tư Myanmar (MIC) mới được tái lập đã bắt đầu hoạt động năng động, hiệu quả minh bạch và trong sạch. Hàng tuần đội dịch vụ một cửa đều có tổ chức họp, trả lời trực tiếp các ý kiến của nhà đầu tư  trong và ngoài nước cũng như tiếp nhận hồ sơ đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư. Những thông báo mới về sử dụng và cho thuê đất (khu vực tư nhân được cấp phép) cho các dự án đầu tư có vốn nước ngoài và chuyển khoản ngoại tệ, hoán đổi ngoại tệ tự do đã tạo nhiều thuận lợi cho nước ngoài đầu tư. Với Việt Nam, một số dự án được thực hiện theo chủ trương trong tuyên bố chung tháng 4/2010 của lãnh đạo 2 nước được xem xét ưu tiên có thời hạn và điều kiện.

Năm 2010 chứng kiến “làn sóng đầu tư” từ Việt nam sang Myanmar, nhiều hợp đồng và biên bản ghi nhớ (MOU) được ký với số vốn cam kết khoảng 600 triệu USD. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm. Vốn thực tế Việt Nam mới đứng thứ 22 trong các nước và vùng lãnh thổ vào Myanmar. Điều này dễ hiểu vì mới qua hơn 1 năm đầu tư. Chắc chắn thời gian tới, quan hệ nhiều mặt giữa hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ.


Theo vinacorp

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn