Ngân hàng: Có nên nhảy vào hố?

Thứ sáu, 13/04/2012, 16:50
Sớm hơn thông lệ, sớm hơn cả lời hứa của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trước đó rằng, trần lãi suất trung bình sẽ hạ được khoảng 1% mỗi quý, ngay từ đầu quý 2/2012, trần lãi suất huy động và hàng loạt các mức lãi suất điều hành khác của hệ thống ngân hàng đã được hạ.


Rất nhiều căn cứ đã được đưa ra. Nào là lạm phát ba tháng đầu năm ở dưới ngưỡng 1% và thực sự đã đi qua được những giai điểm khó khăn theo chu kỳ thường niên (CPI thường cao trong các tháng cuối năm và đầu năm).

Nào là đã có những tín hiệu sáng sủa hơn với nền kinh tế khi mà điểm đáy của cuộc khủng hoảng đã lùi lại phía sau. Nào là áp lực thanh khoản không còn là một gánh nặng với hệ thống ngân hàng nữa. Nào là, không chỉ tín dụng với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mà mảng tín dụng tiêu dùng, tín dụng bất động sản cần có những cú hích, v.v và v.v.

Rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp bất động sản nói chung và giới đầu cơ nhà đất nói riêng đã nhen nhóm tia hy vọng sống còn trở lại sau một thời gian dài chìm ngập trong nợ nần và khủng hoảng. Hàng loạt ngân hàng trong nước đã công bố những ngân khoản cho vay trị giá nhiều nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. Trong số đó, nhiều lãnh đạo ngân hàng nhắc đến bất động sản như một sự tiếp cận nhằm kéo thị trường này ra khỏi băng giá.
 
Thậm chí, có những chủ nhà băng cho rằng, việc vực dậy thị trường bất động sản là một tác động kép đến sự phát triển của các thị trường khác như vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép…) hay thị trường lao động, việc làm (nhân công, máy móc…). Đâu đó, đang có một thông điệp rõ ràng hơn với bất động sản, khi mà lâu nay với giới tín dụng, dường như đây là lãnh địa của sự… “nhạy cảm”?!

Sự nới lỏng tín dụng với tiêu dùng và bất động sản đã được “bật đèn xanh” chăng? Câu trả lời sẽ được thấy trong thời gian tới, khi mà dư địa tín dụng của các nhà băng sẽ được sử dụng như thế nào cho các khoản vay dạng này. Chỉ có điều, vẫn rất nhiều quan ngại quanh một thị trường vốn đầy rẫy những hiểm họa và lo toan này khi cả một thời gian dài trước đây, hầu hết các doanh nghiệp, doanh nhân hay cá nhân trong xã hội đều ít nhiều có dính dáng và duyên nợ với mảng thị trường này.
 
Người ta đua nhau liên doanh, liên kết xây nhà, bán đất. Người ta đua nhau biến bất động sản thành nghề chính thay vì đầu tư cho sản xuất, kinh doanh với lợi nhuận ít hơn nhiều. Thế nên, khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, một cuộc khủng hoảng kép mang tên “đất” trong thời gian dài đã nhấn chìm nền kinh tế xuống đáy sâu là vậy?

Trong khi thị trường vẫn bế tắc vì giá quá cao và những nhà đầu tư chưa thể rút chân ra bởi những toan tính thiệt hơn, bởi những thói quen hưởng lợi nhuận kếch sù cố hữu thì việc bơm tiền vào thị trường này sẽ là một mối nguy hại khó lường. Đã từng điền tên mình vào danh sách “nạn nhân”, liệu ngân hàng có nên tiếp tục nhảy vào một cái hố chông gai do chính mình đào sẵn?


Theo GiadinhNet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn