Phó chủ nhiệm UBVHGD QH Lê Như Tiến: Tôi không sợ hãi...

Thứ hai, 11/06/2012, 12:56
“Vinashin, Vinalines là những bài học đắt giá, biểu hiện của tham nhũng càng tinh vi phức tạp, chúng ta càng phải có những Bao Công quả cảm, công minh, chính đại”.
 
Phát biểu làm “nóng” nghị trường nêu trên của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng) đã trở thành tâm điểm trên trang nhất của hàng loạt tờ báo.
 
Trò chuyện với PV, ông Tiến khẳng định không bao giờ sợ hãi vì khi nói những điều đó, ông tin là được đông đảo cử tri ủng hộ, bảo vệ. Ông Tiến mở điện thoại của mình ra cho phóng viên nhìn thấy và nói:
 
- Ngày 7-6, sau phát biểu của mình, đến nửa đêm tôi vẫn còn nhận được điện thoại và có gần 400 tin nhắn từ cả số quen và số lạ gửi vào để hoan nghênh tôi đã đưa được tiếng nói của người dân lên diễn đàn Quốc hội.
 
Xúc động nhất là tin nhắn của những cử tri từ Quảng Trị - nơi tôi ứng cử, bà con nhắn gửi là “cần lắm những phát biểu như vậy”. Cũng có người nhắn tin hỏi: “Ông phát biểu như thế không sợ họ trả thù à?”. Tôi trả lời: “Tôi không bao giờ sợ hãi vì tôi tin mình được đông đảo cử tri ủng hộ, bảo vệ”.

Quản lý đất đai không tốt là có tội...
 
Phải biết lắng nghe dân để tự sửa mình
 
“Chúng ta phải biết lắng nghe người dân để tự sửa mình, để xây dựng thể chế sao cho công khai, minh bạch hơn, góp phần ngăn chặn những “con đường tiểu ngạch” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nói.
Đây không phải lần đầu tiên ông cất tiếng nói trên nghị trường để đấu tranh với quốc nạn tham nhũng?
 
- Suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII trước đây, tôi đã nhiều lần đăng đàn về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Đây là hai trong số những nguồn lực quan trọng nhất của đất nước và cũng chính là nơi dễ phát sinh tham nhũng.
 
Pháp luật về đất đai của chúng ta chưa hoàn thiện, trong khi lại trao quyền định đoạt gần như tuyệt đối cho lãnh đạo cơ quan hành chính các cấp, nhất là ở địa phương, từ việc cấp đất, chuyển quyền sử dụng đất đến thu hồi đất...
 
Thậm chí, cấp xã nhiều khi cũng xác nhận những giấy viết tay cho người dân không đúng chức năng, nhiệm vụ. Không phải tự nhiên mà 70% khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai. Tài nguyên đất đai, khoáng sản là hữu hạn, nếu không quản lý tốt thì chúng ta có tội với nông dân và có lỗi với hậu thế.
 
Điều đáng nói là tham nhũng không chỉ phát sinh trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản mà có mặt khắp nơi với nhiều mặt nạ, vỏ bọc khác nhau, trong đó có cả công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Nghị quyết của Đảng đã nói thẳng về nạn chạy chức chạy quyền, nhưng hiếm có vụ việc nào được phanh phui trước dư luận.
 
Nhiều người nói rằng vào vị trí này, vào vị trí kia phải hết bao nhiêu tiền, với tình hình như vậy đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa mới có thể bắt tận tay, day tận trán.
 
Ông Lê Như Tiến

Từ đâu ông đưa ra nhận định tham nhũng không đi theo con đường chính ngạch mà thường len lỏi theo các con đường tiểu ngạch, qua người thân trong gia đình, qua tặng thẻ tín dụng hàng chục nghìn đôla, mời du lịch nước ngoài, thậm chí còn mừng cả căn hộ, ôtô khi lên chức?
 
- Trước hết là từ phản ảnh của cử tri, từ dư luận, từ báo chí và bản thân tôi cũng được nghe trực tiếp. Có lần, một đại biểu đã nói vấn đề chạy chức chạy quyền trên diễn đàn Quốc hội, lúc bấy giờ một vị bộ trưởng trả lời là nếu đại biểu có chứng cứ thì hãy cung cấp cho cơ quan chức năng. Nhưng nếu cứ hỏi rằng “chứng cứ đâu?” thì chẳng khác nào đánh đố đại biểu, vì đại biểu phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, còn trách nhiệm điều tra, truy tố, xét xử thuộc về các cơ quan bảo vệ pháp luật.
 
Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta phải biết lắng nghe người dân để tự sửa mình, để xây dựng thể chế sao cho công khai, minh bạch hơn, góp phần ngăn chặn những “con đường tiểu ngạch”.
 
Đã có ai đi đường tiểu ngạch đến với ông để nhờ vả?
 
- Cũng có một vài lần. Những chuyện như vậy xuất hiện từ thời bao cấp. Trước kia tôi công tác ở Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Có người quen mang phong bì đến nhà và đặt vấn đề: “Anh giúp cháu đi xuất khẩu lao động, nguyện vọng của gia đình chúng tôi là cho cháu đi Đức”.
 
Tôi không biết trong phong bì có bao nhiêu vì không nhận và giải thích rõ ràng: “Sắp tới có chủ trương xuất khẩu lao động ở bốn nước Liên Xô (cũ), Tiệp Khắc (cũ), Bulgaria, Đức. Mời các bác đến Cục Hợp tác quốc tế, ở đó có đầy đủ thông tin về quy trình, thủ tục để được tham gia xuất khẩu lao động”.
 
Mặc dù đã giải thích như vậy nhưng họ vẫn cứ tha thiết “bác nói cho vài lời thì việc mới thông”, buộc tôi phải rất kiên quyết từ chối. Khoảng ba tháng sau, họ đến nhà tôi cảm ơn vì hóa ra khi tìm hiểu thông tin chính thức ở Cục Hợp tác quốc tế thì thấy con em mình đủ tiêu chuẩn và đã được đi xuất khẩu lao động ở Đức.
 
Lâu nay, tôi công tác ở Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, một số người cũng đến nhờ tôi xin cho con em họ vào trường nọ, trường kia. Họ nói: “Bây giờ vào tiểu học căng thẳng lắm, nhờ bác giúp cho cháu được vào trường tốt”. Tôi trả lời luôn “không giúp được”, đồng thời cũng phải dành thời gian tư vấn cho họ nên quan tâm đến sức học thật sự của con em mình...

Tôi từng rơi nước mắt...
 
Dường như trong xã hội đã hình thành “văn hóa phong bì”, người ta quan niệm có thể “chạy” được nhiều thứ miễn là có tiền?
 
- Tôi thấy đúng là như vậy. Lẽ ra phải lên án nạn phong bì một cách mạnh mẽ thì nó đi vào xã hội và trở thành bình thường. Như mọi người hay nói là “việc nó phải như thế”. Không chỉ chạy chức chạy quyền mà còn chạy trường chạy lớp, chạy suất đi học nước ngoài...
 
Nếu việc gì cũng phải “bôi trơn” thì thử hỏi người nghèo, người yếu thế trong xã hội làm sao “chạy” được. Tôi từng rơi nước mắt khi chứng kiến trường hợp người mẹ nghèo ở quê ra thăm con nằm viện, bà kêu lên: “Không có tiền nên con tôi vẫn nằm ở hành lang kia kìa”.
 
Có phải đó cũng là một trong những lý do ông đã nói trước Quốc hội là phải có những Bao Công, một hình tượng mà dân nghèo luôn chờ đợi?
 
- Tôi rất mê Bao Công, không chỉ vì ông này là người quả cảm, công minh, chính đại, trong sáng, vô tư, dám cởi bỏ cả mũ ô sa, lấy cả tính mạng và chức tước của mình để tuyên chiến với tham nhũng.
 
Đây là một mô hình chống tiêu cực, tham nhũng rất đáng cho chúng ta nghiên cứu nghiêm túc. Trước hết, Bao Công làm được vì vua giao cho ông thượng phương bảo kiếm, nghĩa là giao trọng trách đồng thời với giao quyền tiền trảm hậu tấu. Hơn nữa, đây lại là một mô hình rất tinh gọn, không cần nhiều ban bệ, đội quân của Bao Công tất cả chỉ có sáu người mà vẫn phá được hàng loạt vụ án lớn.
 
Thiết nghĩ cùng với việc triển khai chủ trương thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và lập lại Ban Nội chính trung ương, chúng ta cần “nhìn xưa để thấy nay” trong việc chọn đúng người có “bàn tay sắt và bàn tay sạch” để giao nhiệm vụ, đồng thời với việc thiết lập mô hình tinh gọn và trao quyền thật sự.
 
Hiện dư luận đang đặc biệt quan tâm đến các “quả đấm thép” của nền kinh tế, đó là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Như ông nói là một số “quả đấm thép” đang tan chảy, sau Vinashin nay đến Vinalines, cử tri đang thấp thỏm chờ xem tiếp theo còn xuất hiện các Vina... nào nữa?
 
- Tôi đồng tình với quan điểm của nhiều vị đại biểu Quốc hội là cần sớm tổng kết toàn diện việc thí điểm tập đoàn, qua đó đánh giá đúng cả những mặt tích cực và cả hạn chế để xã hội có cách nhìn khách quan. Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nắm trong tay vốn chủ sở hữu của Nhà nước lên tới 700.000 tỉ đồng, đây là tiền nhà nước và cũng là mồ hôi, xương máu của nhân dân, cần có cơ chế kiểm soát đặc biệt hơn đối với nguồn lực này.
 
Không chỉ cần thiết đặt các tập đoàn dưới sự giám sát đặc biệt của Quốc hội mà tôi nghĩ rằng các cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng cũng phải chủ động nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước hơn nữa. Đặc biệt là làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm, thất thoát tại một số tập đoàn. Không chỉ có trách nhiệm hình sự của lãnh đạo doanh nghiệp khi doanh nghiệp đổ vỡ, mà còn trách nhiệm của cơ quan chủ quản, trách nhiệm chính trị của các nhà quản lý có liên quan.
 

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn