"Không nên coi doanh nghiệp Nhà nước là gánh nặng"

Thứ hai, 02/07/2012, 15:29
Thừa nhận gần một phần ba tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nợ trên vốn chủ sở hữu quá 3 lần nhưng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vấn đề này "không quá lo ngại".
Tham gia chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận được câu hỏi: doanh nghiệp Nhà nước có phải là gánh nặng ngân sách và nền kinh tế không khi 30 đơn vị trong số 85 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có nợ trên vốn chủ sở hữu quá 3 lần.
 
Theo ông cần thận trọng khi đánh giá khối doanh nghiệp này, bởi thực tế họ có bề dày lịch sử phát triển, từng đóng vai trò rường cột của nền kinh tế qua các thời kỳ, từ thời kỳ tập trung bao cấp.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm chủ yếu cơ sở vật chất kỹ thuật và vận hành, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu nhất, góp phần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như điện, xăng dầu, xi măng…
 
Nghị định của Chính phủ quy định tỷ lệ nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá 3 lần. Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước là 1,36 lần, chưa bằng một nửa so với với quy định.

Cụ thể, tổng số nợ của doanh nghiệp Nhà nước là 1.008.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 790.000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều trường hợp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao do phục vụ yêu cầu sản xuất.
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Không nên đánh giá tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là gánh nặng của ngân sách và nền kinh tế". Ảnh: Hoàng Hà.

Dẫn ra trường hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị đang phải đi vay rất nhiều để xây dựng, phát triển nguồn, các nhà máy điện và khi các công trình đi vào hoạt động, EVN có thể thu hồi và trả nợ.

"Vấn đề là vay nhưng có thể trả được nợ. Chúng ta không nên đánh giá tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là gánh nặng của ngân sách và nền kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến năm 2010, chỉ có 20% số doanh nghiệp Nhà nước lỗ và hòa vốn còn lại 80% có lãi. Số tiền lãi nộp cho ngân sách hàng năm đều tăng.
 
Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng, việc sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực mà Nhà nước giao các tập đoàn, tổng công ty chưa thật sự cao, chưa tương xứng và như mong đợi, nhất là gần đây có một số đơn vị để xảy ra sai phạm, gây thất thoát, lãng phí.
 
“Cần xem xét, xử lý nghiêm minh các sai phạm nhưng cũng không nên phủ nhận toàn bộ công sức của doanh nghiệp Nhà nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
 
Trong các vụ việc sai phạm tại Vinashin, Vinalines, các cơ quan thanh tra, điều tra đều có kết luận rõ ràng là sai phạm do cá nhân cố ý làm trái. Dó đó, theo Bộ trưởng lỗi xảy ra sai phạm, bên cạnh trách nhiệm của hệ thống tổ chức quản lý như bộ, ngành, còn do người quản lý trực tiếp, người được giao thay mặt nhà nước quản lý vốn tại doanh nghiệp.
 
Về giải pháp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, cốt lõi nhất là có chế tài mạnh mẽ hơn, buộc các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin và kiểm toán bắt buộc hàng năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định 132/2005/NĐ-CP để làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước trình Chính phủ xem xét vào đầu tháng 7.
 
Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, nhiều vị đại biểu cho rằng, các ông lớn như PMU18, Vinashin và Vinalines mang danh tổng công ty, tập đoàn Nhà nước nhưng đã làm thất thoát lãng phí, nợ đọng hàng chục nghìn tỷ đồng.

Gần đây nhất là Vinalines, chỉ trong vòng 2 năm 2009 – 2010, số lỗ lên tới hơn 1.686 tỷ đồng. Một số đại biểu cho rằng, thực trạng các tập đoàn kinh tế Nhà nước giống như những "quả đấm thép" đang tan chảy do được quá cưng chiều.


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn