"Chứng khoán chưa khởi sắc khi vĩ mô chưa ổn"

Thứ hai, 02/07/2012, 09:02
Vòng quay tiền đang giảm, nếu các năm trước là hơn 2 lần thì năm ngoái và hiện tại chỉ khoảng 0,8- 0,9 lần. Tiền không chảy mạnh được ra nền kinh tế. Gián tiếp, chứng khoán cũng bị ảnh hưởng.
 
Phân tích về thị trường chứng khoán và các yếu tố tác động trong thời điểm hiện tại, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), cho rằng từ nay đến cuối năm thị trường chứng khoán khó tăng mạnh, do nền tảng kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định.
 
Thưa ông, nếu nhìn vào kinh tế vĩ mô có thể thấy nhiều yếu tố thuận lợi như lạm phát trong tháng 5, tháng 6 đều thấp, lãi suất huy động cũng đã giảm 5 điểm phần trăm so với đầu năm nay…, nhưng chứng khoán lại lình xình trong gần 2 tháng qua, lý do là vì đâu?
 
Tôi cho rằng các dấu hiệu của kinh tế vĩ mô thực sự chưa tích cực như bề mặt của nó.
 
 
Ông Trịnh Hoài Giang.

Xin nói cụ thể là với lạm phát, dự báo từ đầu năm là lạm phát năm nay sẽ không cao, lạm phát sẽ tăng khoảng 6-7% đến cuối năm. Việc này trong hiện tại thì cho thấy giá cả ổn định, nhưng chưa biết khả năng tăng trở lại sẽ ra sao. Vì lạm phát giảm do một số yếu tố khách quan như giá xăng dầu thế giới giảm, và dự báo kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ suy giảm.

Đối với kinh tế Việt Nam, tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 4,3%, việc này cũng khiến giá cả ổn định, nhưng lại vẽ ra một bức tranh không khởi sắc khi các yếu tố khác như sản xuất, thất nghiệp... đang còn nhiều vấn đề giải quyết.

 
Như vậy, dù cho lãi suất giảm nhưng tổng cầu, sức mua của nền kinh tế không khả quan, trong bối cảnh tín dụng không tăng, thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quí 3, 4 sẽ tiếp tục xấu. Chính những điều này cho thấy chứng khoán không có lực đỡ nên sẽ khó tăng cho đến hết quí 4 vì khi doanh nghiệp khó khăn thì nhà đầu tư không hồ hởi mua vào.
 
Thêm vào đó, hiện tại, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là bán ra, trong khi năm ngoái mua vào nhiều. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Họ cho rằng thị trường mà không có vốn nước ngoài tham gia sẽ không hấp dẫn.
Như vậy, thị trường chứng khoán không tăng được trong 2 tháng qua là không có gì lạ.
 
Còn về dòng tiền, lãi suất giảm mạnh, một số ngân hàng cho hay tiền gửi tiết kiệm từ dân cư cũng có xu hướng đi xuống, trong bối cảnh đó, tiền có chảy vào kênh chứng khoán không, hay đi vào những kênh khác?
 
Vòng quay tiền đang giảm, nếu các năm trước là hơn 2 lần thì năm ngoái và hiện tại chỉ khoảng 0,8- 0,9 lần, khiến cho dòng tiền không chảy mạnh được ra nền kinh tế. Gián tiếp, chứng khoán cũng bị ảnh hưởng.
 
Nhưng tiền vẫn không biết chắc đã chuyển sang kênh nào cụ thể.

Vì theo tôi, nhà đầu tư hiện nay có nhiều cách, cũng có vàng nhưng thế chấp vàng vay tiền để đầu tư, hay thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền bỏ vào bất động sản… điều này để thấy tiền có thể nhanh chóng hoán đổi kênh đầu tư và khó tách bạch rằng tiền đang ở đâu. Nhà đầu tư chỉ quan tâm kênh nào tạo ra lợi nhuận, ví dụ như nếu chứng khoán có khả năng tăng thì nhà đấu tư vẫn có thể dùng sổ tiết kiệm để thế chấp, bỏ tiền vay vào đầu tư chứng khoán. Tiền không vào chứng khoán vì họ chưa tin tưởng vào khả năng đi lên của thị trường.

 
Một vấn đề nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm là tỷ giá, trong thời gian qua tỷ giá biến động không đáng kể, nhưng dường như không có vốn đầu tư mới chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam (ngoại trừ các thương vụ M&A lớn), lý do là vì đâu? Tại HSC, tình hình mở mới tài khoản, bỏ tiền đầu tư của đối tượng này ra sao? Sắp tới, liệu thị trường chứng khoán có hút được dòng vốn này?
 
Tỷ giá ổn định tạm thời do Ngân hàng Nhà nước đã tăng dự trữ ngoại hối nhiều, và tôi cho rằng tỷ giá có thể ổn định cho đến quí 1 năm sau. Giá vàng cũng không còn biến động quá mạnh, và theo tôi chỉ xoay quanh 1.600 đô la Mỹ/ounce. Tại Việt Nam vàng cũng sẽ được kiểm soát chặt theo Nghị định 24 về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, điều này cũng góp phần bình ổn tỷ giá của Việt Nam. Nhập siêu trong năm nay cũng khó tăng, điều này sẽ giúp cho tỷ giá chỉ tăng 1- 1,2% trong năm nay.
 
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì họ không nhìn chỉ khoảng 6 tháng như vậy, họ nhìn xa hơn, và với cơ cấu kinh tế Việt Nam, họ chưa có niềm tin vào sự bền vững, khả năng lạm phát quay lại vào năm sau là có, nên việc tỷ giá ổn định chỉ là “đỡ lo”, chưa đủ để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm giải ngân thêm vốn. Như tại HSC, tới thời điểm này chưa có nhà đầu tư nước ngoài mới nào vào mở tài khoản, hay nhà đầu tư cũ bỏ thêm tiền vào tài khoản.
 
Kết quả kinh doanh quí 2 sắp công bố. Liệu những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ như gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng, lãi suất giảm, có cải thiện được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong quí 2? Kết quả này sẽ tác động ra sao đến thị trường chứng khoán?
 
Tôi kỳ vọng gói hỗ trợ trên sẽ giúp kích thích tổng cầu và giúp cho tình hình của doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, nhưng đó là chuyện của đầu năm sau, không phải trong năm nay. Còn kết quả kinh doanh quí 2 sẽ không có gì là sáng sủa khi doanh nghiệp đã chịu quá lâu gánh nặng lãi suất cao, hàng tồn kho lớn.
 
Theo tôi, từ giờ đến cuối năm, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không khả quan, nợ xấu sẽ gây cản trở cho tín dụng đến với doanh nghiệp. Đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được vấn đề trên. Và thị trường bất động sản chưa có chuyển biến trong 6 tháng tới.

Tôi cho rằng GDP chỉ tăng 4,5- 5% trong năm nay thì khả năng tăng mạnh của thị trường chứng khoán là khó. Bên cạnh đó nếu thị trường châu Âu vẫn khó khăn như hiện tại thì vốn vào Việt Nam cũng sẽ thấp, vốn trái phiếu cũng khó vì từ nay đến cuối năm lãi suất xuống. Tôi cho rằng khó có cơ sở để nhận định là chứng khoán sẽ lên 20-30% như nhiều chuyên gia dự báo.

 
Vấn đề mấu chốt mà nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là cải thiện hệ thống thanh toán, nếu làm được việc này, thanh khoản của thị trường sẽ được hỗ trợ tốt hơn. Bên cạnh đó là việc kiên quyết xử lý nặng những trường hợp công bố thông tin sai, trễ hạn.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn