“Siêu đề án” Quỹ tiết kiệm nhà ở vẫn lơ lửng

Thứ bảy, 30/06/2012, 19:35
Trong điều kiện thu nhập của công chức hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu, việc “tự nguyện” tham gia Quỹ tiết kiệm nhà ở là quá xa vời.
“Siêu đề án” lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để giải quyết bài toán khó khăn cho người dân được Bộ Xây dựng khởi động từ cách đây hơn 3 năm và nhận được không ít phản hồi từ dư luận. Hàng chục đề xuất, hàng trăm ý tưởng, hàng nghìn ý kiến đóng góp được đưa ra nhưng các bên liên quan dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Mới đây nhất, để cụ thể hóa “phát kiến” này, Bộ Xây dựng đã kiến nghị thành lập hai mô hình tiết kiệm nhà ở cho người thu nhập thấp và cá nhân, hộ gia đình khác có nhu cầu mua nhà ở thương mại. Bộ cũng đề xuất giao UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM thành lập hai mô hình trên. Dự kiến, quỹ sẽ vận hành từ đầu năm 2013.
 


Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ giải quyết bài toán khó khăn về vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp
 
Mừng ít, lo nhiều
 
Theo kiến nghị của Bộ Xây dựng, mô hình thứ nhất là Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp trong nước vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Cá nhân, hộ gia đình tham gia phải đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức tối thiểu trong thời gian 5 năm. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng hai lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm, với mức lãi suất cho vay trong khoảng 6,5-8,5%.
 
Mô hình thứ hai là hai thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở để cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại, trong đó chủ yếu tập trung cho đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên vay. Hình thức tham gia quỹ là tự nguyện, không bắt buộc.
 
Ngay sau khi thông điệp này được phát đi đã nhận được nhiều ý kiến từ phía người dân và giới chuyên gia. Là người theo dõi “phát kiến” này ngay từ đầu, anh Nguyễn Thành Đô, kỹ sư xây dựng (Công ty Tincom Thăng Long) tỏ ra khá hào hứng.

Hơn ai hết, anh Đô khao khát được ở trong ngôi nhà mơ ước giữa thủ đô đắt đỏ bậc nhất khu vực và thế giới. Anh cho biết: “Cả đời làm quần quật, có lẽ tôi chẳng bao giờ dám mơ sẽ đủ tiền mua nhà cho dù nhịn ăn, nhịn mặc. Ý tưởng đóng góp 30% vào Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được mua nhà xã hội rất đáng được hoan nghênh, bởi nó đáp ứng nguyện vọng của rất nhiều người dân có mức “lương công nhân” như tôi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, điều tôi băn khoăn nhất là Bộ Xây dựng “nói một làm 10 hay nói 10 mà chỉ làm được có một”. Vấn đề đáng lo ngại là quản lí và kiểm soát nguồn quỹ này, làm thế nào để chống tham nhũng, làm sao để được sinh lời”.
 
Cũng theo cách tính toán của kỹ sư Nguyễn Thành Đô, “tiền đẻ tiền, vốn đẻ vốn, lãi đẻ lãi”, sau 5 - 10 năm dù không đủ tiền mua nhà, nhưng chắc chắn cũng giúp người dân có thêm niềm tin về “ước mơ trong đời”.

Thêm vào đó, uy tín của nguồn quỹ nâng cao sẽ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia. Họ không cần nhà, họ cần lợi nhuận. Lợi nhuận hấp dẫn, họ sẽ đầu tư, đầu tư nhiều hơn, khả năng cạnh tranh cao, lợi nhuận ắt còn cao hơn.

“Tính toán là thế, chỉ tiếc là chưa có khung phạt riêng cho từng cá nhân tham gia quản lý cũng như hình phạt đủ nặng để răn đe tham nhũng. Theo tôi, “ngôi nhà ước mơ” đã là cái căn, cái gốc trong suy nghĩ người Việt “an cư lạc nghiệp” thì hình phạt cũng phải là “cái ngọn”, kỹ sư Đô nói thêm.
 
Chị Phạm Thị Ánh Bích, hiện đang công tác tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) lại có một nỗi lo khác. “Việc chúng tôi không có nhu cầu mua nhà sau này và xin rút tiền lại là một chuyện không tưởng với cơ chế nhiêu khê vẫn còn tồn tại như hiện nay.

Đó là chưa kể năm nay tôi có dự định mua nhà nhưng hai năm sau tôi lại không có dự định mua nhà, vậy có được rút lại tiền hay không?. Với việc đóng góp như thế, liệu có đủ “góp gió thành bão”?. Tôi không biết đến khi nào mới mua nổi nhà, đấy là chưa kể giá nhà đất ngày càng tăng một cách chóng mặt?. Bao nhiêu dự án nhà giá thấp cho người có thu nhập thấp, chẳng hiểu đến nay đã có bao nhiêu người thực sự mua được nhà?. Tôi nghĩ, ý tưởng hay nhưng khó khả thi. Đây chắc là ý tưởng nhằm cứu nguy cho dự án nhà cho người thu nhập thấp sắp bị phá sản hiện nay”.
 
“Tự nguyện” sẽ chẳng ai mặn mà
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, do hình thức tham gia quỹ là tự nguyện, không bắt buộc, nên sẽ chẳng mấy ai thực sự “mặn mà”. Hơn nữa, trong điều kiện thu nhập của công chức hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu, việc “tự nguyện” tham gia Quỹ là quá xa vời.

Họ đã phải oằn lưng gánh đủ các loại phí, liệu có “đủ sức” để tiếp tục tham gia vào cuộc chơi này hay không?. Một chuyên gia kinh tế từng thừa nhận: “Nếu tỷ lệ người tự nguyện tham gia quá nhỏ, Quỹ sẽ không thể hình thành chứ chưa nói đến việc phát huy hết tác dụng như mục tiêu đề ra ban đầu”.
 
Ông Nguyễn Văn Đực (phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, PGĐ Cty TNHH Địa ốc Đất Lành) tính toán: Với mức giá thấp nhất của căn hộ hiện nay là xấp xỉ 1 tỉ đồng, để đóng khoảng 30% giá trị tiền mua căn hộ, trong vòng 5 năm người tham gia sẽ phải đóng khoảng 300 triệu đồng, tính ra mỗi tháng sẽ phải đóng khoảng 5 triệu đồng.

Thực tế, tổng thu nhập của công chức hiện nay chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, chưa trừ chi phí sinh hoạt. Rõ ràng, đóng khoảng 5 triệu đồng/tháng là rất khó khả thi.

“Muốn có nhà phải là người có thu nhập khá chứ không phải thu nhập thấp được, tức là mỗi tháng người tham gia đóng 5 triệu đồng thì thu nhập ít nhất phải là 10 triệu đồng. Lao động có thu nhập thấp sẽ phải chấp nhận ở nhà thuê, khi mà 95% mức lương đổ dồn vào ăn mặc đi lại và thuê nhà”, ông Đực nói.
 
Vị phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng, việc chia quỹ tiết kiệm nhà ở thành hai mô hình áp dụng cho những nhóm đối tượng khác nhau khiến hình thức trở nên rườm rà. Thay vì chia thành hai mô hình như Bộ Xây dựng đề xuất, nên thành lập một quỹ chung với tên gọi Quỹ Tiết kiệm nhà ở, với nhiều gói áp dụng cho từng đối tượng khác nhau.

Điều này sẽ tránh việc nhầm lẫn và gây khó hiểu cho người tham gia. Theo đó, người có thu nhập thấp nếu có nhu cầu có thể vay khoảng vài trăm triệu đồng, vừa sức để mua nhà, người có thu nhập khá hơn có thể dự kiến vay tới con số tiền tỉ. Và mỗi đối tượng khác nhau sẽ áp dụng những gói cho vay khác nhau với những quy định chung của quỹ.
 
Cũng theo phân tích của đại diện một số doanh nghiệp, nếu có những căn hộ với giá khoảng 500 triệu đồng thì trong vòng 5 năm, người tham gia phải đóng số tiền khoảng trên 160 triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng, người dân sẽ phải móc hầu bao đóng góp một khoản tiền khoảng trên 2,5 triệu đồng.

Với mức này, một số đối tượng có thu nhập từ 5 tới 7 triệu đồng mỗi tháng mới có thể có cơ hội sở hữu nhà ở. Như vậy, đề án quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ khả thi hơn nếu có điều kiện kèm theo là Bộ Xây dựng cho phép và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ với giá bán chỉ vài trăm triệu đồng.
 
Tự đề xuất, tự quản lý quỹ... dễ sinh tiêu cực
 
Chuyên gia kinh tế TS.Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại về nguy cơ nảy sinh tiêu cực trong quá trình vận hành. TS.Lan đánh giá cao ý tưởng của Bộ Xây dựng song bà lo ngại về tính khả thi. Tính minh bạch trong quản trị của Việt Nam chưa cao, vấn đề tham nhũng rất khó tránh khỏi.

Nếu quản lý lỏng lẻo sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực. “Không phải ai cũng tin tưởng vào tính hiệu quả của Quỹ. Để đảm bảo Quỹ được quản lý và vận hành đúng mục đích, tránh tiêu cực tham nhũng thì cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ”, bà Lan nói.
 
Cũng theo TS.Lan, cơ quan nào sẽ “cầm cân nảy mực”, làm vai trò quản lý quỹ cùng là một vấn đề quan trọng. Việc Bộ Xây dựng tự đề xuất rồi tự quản lý Quỹ e rằng không ổn, bởi lẽ, đây là nghiệp vụ huy động tiết kiệm và cho vay tài chính, như vậy sẽ trái tay.

Chưa kể, Bộ chủ trì rồi quản lý Quỹ cũng dễ phát sinh tiêu cực. Do đó, Bộ Xây dựng chỉ nên tập trung quản lý về mặt chuyên môn, đưa ra đề xuất sử dụng nguồn vốn của Quỹ, còn vấn đề tài chính nên giao cho một ngân hàng thì tốt hơn.

 

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn