Hơn 53.000 DN tư ngừng hoạt động, chờ giải thể

Thứ bảy, 30/06/2012, 08:06
Chỉ riêng trong tháng 6 đã có 4.100 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động, nâng con số phải giải thể, ngừng hoạt động trong sáu tháng đầu năm nay lên hơn 26.300 doanh nghiệp.
Đây là số liệu được Tổng cục Thống kê (TCTK) nêu ra tại buổi công bố số liệu kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2012, diễn ra ở Hà Nội ngày 29-6.
 
Không chịu nổi lãi vay
 
Số liệu công bố của TCTK cho biết ngoài số doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, hiện có tới trên 92.700 doanh nghiệp thuộc diện “không thể xác minh được”. Theo ông Nguyễn Bích Lâm - tổng cục phó TCTK, các doanh nghiệp này thực chất là hoạt động trá hình, chủ yếu thành lập để buôn bán hóa đơn, không thực hiện nghĩa vụ thuế...
 
Khu vực ngoài nhà nước có số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động đông nhất, lên tới trên 23.000 và có tới trên 30.000 doanh nghiệp chờ giải thể. Ông Lâm cho rằng đây chính là đối tượng dễ tổn thương trong giai đoạn khó khăn hiện nay và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. TCTK cũng cho biết tính đến 1-1-2012, tỉ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tại một số tỉnh thành lên tới 10-20%, như Hải Dương (15,8%), Cần Thơ (19%), Sóc Trăng (19,4%)...

Công ty may Song Hòa từng lâm vào khó khăn khi đơn hàng trong quý 1 giảm 44%, chủ DN phải vay tiền ngân hàng nuôi công nhân. Đến nay công ty đã dần khôi phục khi có đơn hàng đến tháng 9 - Ảnh: Đình Dân

Ông Nguyễn Bích Lâm dẫn kết quả khảo sát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp cho biết có tới gần 70% doanh nghiệp khẳng định nguyên nhân chính khiến họ phải giải thể là do kinh doanh thua lỗ, 28% do thiếu vốn, gần 15% do không tiêu thụ được sản phẩm, gần 12% do khó khăn về địa điểm sản xuất kinh doanh...
 
Trong tổng số doanh nghiệp đang phải vay vốn ngân hàng, có tới trên 33% doanh nghiệp khẳng định đang phải vay với lãi suất bình quân lên tới trên 19%/năm, trong khi gần 90% trong số họ khẳng định chỉ có thể chấp nhận được mức lãi suất bình quân năm không quá 15%.
 
Chưa giảm phát, nhưng...
 
Trao đổi tại buổi họp, ông Nguyễn Đức Thắng - vụ trưởng Vụ Giá TCTK - cho rằng đến thời điểm này đã đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, dự báo CPI cả năm chỉ tăng 6-7%. Theo ông Thắng, những tháng tới yếu tố giảm giá có ưu thế hơn, do nhu cầu giảm kéo giá giảm.
 
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng CPI giảm như vừa qua chưa phải giảm phát, nhưng cũng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách nên tránh để lặp lại kiểu chu kỳ cứ hai năm lạm phát rất cao, một năm giảm.
 
Ông Đỗ Thức - tổng cục trưởng TCTK - cho rằng kinh tế VN chưa đến mức rơi vào trì trệ, giảm phát, vì giảm phát phải nhiều tháng, nhiều kỳ. Nhưng “yếu tố tiêu cực là cầu giảm, mà cầu giảm tương lai sản xuất khó khăn” - ông Thức nói, và cho rằng các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ là “liều lượng sao cho phù hợp hơn”.
 
Theo ông Đỗ Thức, năm 2012 cũng có những điểm giống năm 2009, nhưng cho rằng không nên mong có gói kích cầu kiểu 2009. “Nếu kích thì GDP có thể tăng nhưng cứ ba năm lại rơi vào lạm phát cao một lần như vậy thì rất mệt” - ông Thức nói.
 
6 yếu tố cản trở kinh doanh
 
Theo kết quả khảo sát, có sáu yếu tố lớn nhất đang cản trở kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, lãi suất quá cao đứng vị trí dẫn đầu (27% doanh nghiệp), kế đến là lạm phát cao và biến động thất thường (19,5%), khó khăn trong tiếp cận vốn (17,4%), chi phí vận tải cao (9,7%), điện cung cấp không ổn định (7%) và 7% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng chính sách điều hành kinh tế đã cản trở kinh doanh.
 
Trên 8% doanh nghiệp FDI ngừng kinh doanh, chờ giải thể
 
Trong số 11.329 doanh nghiệp FDI đã đăng ký, có 232 doanh nghiệp (chiếm 2%) tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 696 doanh nghiệp (chiếm 6,3%) chờ giải thể do sản xuất kinh doanh không hiệu quả hoặc chuyển đổi thị trường đầu tư. Trong lĩnh vực này có tới gần 1.000 doanh nghiệp không xác minh được, trong đó gần 800 doanh nghiệp ở TP.HCM.
 
Nguồn: báo cáo Tổng cục Thống kê


Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn