Thị trường bán lẻ Việt Nam lên hay xuống hạng?

Thứ bảy, 30/06/2012, 09:17
Việt Nam hiện xếp thứ 55 trong danh sách các quốc gia có thị trường bán lẻ tiềm năng, tăng 4 bậc so với năm 2011, theo thông tin công bố ngày 28.6 tại TP.HCM của tập đoàn kinh doanh dịch vụ bất động sản toàn cầu CB Richard Ellis Group (CBRE).

>> Thị trường bán lẻ rớt hạng thê thảm vì doanh nghiệp tự “dìm” nhau?
>> VN “mất hút” trên bảng xếp hạng thị trường bán lẻ hấp dẫn
>> Thị trường bán lẻ: Sân chơi còn rộng chỗ
>> "Thị trường bán lẻ VN sinh lời hàng đầu thế giới"

Trong bảng xếp hạng của CBRE, Việt Nam cùng đứng hàng thứ 3 với Ukraine (sau Kazakhstan và Nga) về số lượng nhà bán lẻ mới gia nhập thị trường năm 2011, với tổng số 9 thương hiệu.
 
Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu từ Công ty tư vấn AT Kearney (Mỹ), Việt Nam đã lọt khỏi danh sách 30 nước có triển vọng tăng trưởng của ngành bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
 
Đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam bị rớt hạng, từ vị trí quán quân năm 2008 xuống thứ 6 (năm 2009), thứ 14 (năm 2010) thứ 23 (năm 2011) và ra ngoài top 30 (năm 2012). 
 
 
Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng mở rộng mạng lưới bán lẻ tại Việt Nam

Dù lên hay xuống hạng, có một thực tế là thị trường bán lẻ Việt Nam đang là thách thức đối với các nhà bán lẻ quốc tế, bởi tình hình kinh tế không ổn định, đặc biệt là từ các chỉ số tăng trưởng GDP và lạm phát sau khủng hoảng kinh tế.
 
Những vấn đề khác còn tồn đọng đối với thị trường bán lẻ tại Việt Nam, theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam, đó là mô hình bán lẻ hiện đại chỉ phát triển tại TP.HCM và Hà Nội, trong khi ở các thành phố khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ vẫn còn hạn chế.
 
Hệ thống phân phối, vận chuyển kém phát triển, trong khi giá thuê mặt bằng bán lẻ cao cũng là những mặt tồn đọng của thị trường bán lẻ Việt Nam. 
 
Tuy vậy, nhu cầu sử dụng hàng chất lượng cao ngày càng cao đã tạo cơ hội cho nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới gia nhập thị trường bán lẻ tại Việt Nam, như: Mango, Axara, G2000, Esprit, NineWest, Fcuk, Gap, NafNaf…
Nhiều nhà bán lẻ quốc tế đã tham gia và thành công tại thị trường Việt Nam như Big C (17 siêu thị), Metro (17 đại siêu thị), Lotte (2 siêu thị) và Giant với siêu thị đầu tiên tại Crescent Mall (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) vào cuối năm 2011.
 
Hai nhà bán lẻ khác là FairPrice và Aoen cũng đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
 
Các nhà bán lẻ trong nước cũng mở rộng nhanh chóng mạng lưới, trong đó phải kể đến Saigon Co.op với hơn 55 siêu thị và nhiều cửa hàng tiện dụng Co.op Food.
 
Mặt bằng kinh doanh bán lẻ cũng tăng mạnh từ 100.000 m2 diện tích sàn vào năm 2005 lên 485.000 m2 năm 2011 (không bao gồm siêu thị, đại siêu thị và cửa hàng tiện dụng). Tuy nhiên, theo CBRE, diện tích mặt bằng bán lẻ tăng nhưng không đi đôi với chất lượng.
 
Tại TP.HCM, theo CBRE, nguồn cung mới trong quý 2/2012 có thêm 2.000 m2 từ việc mở rộng mặt bằng kinh doanh tại 2 trung tâm thương mại hiện hữu là Diamond Plaza (thêm tầng 5, trước kia sử dụng làm văn phòng) và Parkson Saigontourist (mặt tiền đường Lê Thánh Tôn, vị trí trước đây là phòng trưng bày xe ô tô).
 
CBRE dự kiến đến hết năm nay, thị trường bán lẻ tại TP.HCM sẽ có thêm nguồn cung mới với 63.680 m2 diện tích sàn.
 
TP.HCM xếp hạng thứ 146 trong danh sách các thành phố có thị trường bán lẻ tiềm năng, tăng 12 bậc so với năm 2011, theo CBRE.
 
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích