"Ông Tổng" Kềm Nghĩa: Mua du thuyền từ Mỹ để... ngao du

Thứ bảy, 30/06/2012, 14:30
Biết tin Tổng giám đốc Công ty Kềm Nghĩa Nguyễn Minh Tuấn mua liền một lúc mấy chiếc du thuyền từ Mỹ chỉ để ngao du, người tán dương thì ít, kẻ dèm pha thì nhiều.
 
Bạn bè thân quen thì chia vui vì ông chủ Kềm Nghĩa đã có điều kiện thực hiện ước mơ sông nước thủa thiếu thời. Những người khó tính thì chép miệng bảo chơi trội, của một đống tiền mua về chỉ để khẳng định đẳng cấp, thà mang quyên góp từ thiện còn ý nghĩa hơn.
 
Nhưng chuyện nào ra chuyện đó. Từng nếm trải tuổi thơ cơ cực, rồi lăn lộn khởi nghiệp từ một tiệm mài kềm ở vỉa hè, góc phố, hơn ai hết ông Tuấn hiểu rõ trách nhiệm sẻ chia với những người khó khăn hơn mình. Và hoạt động từ thiện lâu nay đã trở thành văn hóa của công ty cũng như đưa vào chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh hằng năm. Doanh thu mỗi năm đạt gần 300 tỷ đồng, Kềm Nghĩa dành ra 1 tỷ đồng để chăm lo đời sống những người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, hay những mảnh đời cần sự trợ giúp từ cộng đồng.
 

Ông Nguyễn Minh Tuấn trong lễ nhận giải Sao Vàng Đất Việt 2010.

Với riêng mình, ông không dám phung phí những gì đã làm ra. Chỉ có một ước mơ đeo đẳng từ thời còn là cậu bé nghèo đứng ngắm những con thuyền lênh đênh trên sông nước. Đó là được sở hữu một chiếc thuyền riêng, cùng vài người bạn thân ngao du, thả mình vào thiên nhiên khoáng đạt.

Khi cùng anh em đàn hát trên boong, hứng gió lộng trên sông, cũng là lúc ông thấy có thể trút bỏ mọi muộn phiền, chỉ thấy cuộc sống đáng để phấn đấu và nỗ lực.

 
Nếu không phải là du thuyền, mà cần chọn một nơi để tìm lại sự thư thái trong tâm hồn, ông sẵn sàng mang lều trại lên rừng nghêu ngao đàn hát chứ không muốn trói mình trong những ngôi nhà cao tầng tiện nghi nhưng gò bó, thiếu hơi thở của thiên nhiên trời đất. "Tính tôi là vậy. Lãng tử, phong trần. Thích cái gì đó thật bao la, khoáng đạt", ông Tuấn tâm sự.
 
Chả thế mà mỗi lần đi công tác nước ngoài, cứ nghe ai nói tới du thuyền, dù đang mệt đến mấy, buồn ngủ đến mấy, ông cũng tỉnh ngay và lao đi xem cho bằng được. Thậm chí bỏ bê cả vợ để tới các bến đỗ, xem, ngắm, tham khảo ý kiến các công ty môi giới và tư vấn.
 
Có lần đi công tác Los Angeles (Mỹ), hay tin một nơi bán đúng loại thuyền mình thích mà giá chỉ bằng một nửa mức rao bán trên mạng, ông lọ mọ dậy từ 5h sáng, mất hơn 4h xe chạy trên đường vắng tanh để tới Las Vegas chỉ để lên thuyền tham quan đúng 15 phút. Rồi sau đó, ông lại mất hơn 4 tiếng đồng hồ để trở về Los Angeles.

Kỳ công vậy cũng thỏa đáng, bởi ông cũng đã hoàn tất thủ tục đàm phán, chuyển nhượng để có thể sở hữu chiếc tàu ưng ý. Bà xã lúc đầu còn bực bội vì ông cứ ham du thuyền quá, nhưng giờ đã thông cảm và chấp nhận. Thậm chí bà nhà từng bị say sóng, nhưng rồi cũng phải quen khi cùng chồng lênh đênh sông nước.

 
Cách đây cả gần chục năm, ông Tuấn từng mua một chiếc tàu cá nhỏ, chở được 5-6 người. Rảnh rang thì rủ bạn bè ngao du sông nước, trên tàu lúc nào cũng để sẵn một cây đàn. Hồi đó, chiếc tàu chỉ có giá vài chục triệu đồng. Đến chiếc thứ hai, khá hơn một chút, khoảng hơn 100 triệu đồng, và ông cũng thường xuyên mời anh em bạn bè thân đi cùng. Với chiếc thứ ba, mua lại của một người bạn Nhật, ông tự phong là "tiền thân" của những chiếc du thuyền bởi nó khá đẹp và... dài hơn những chiếc cũ.
 
Những ngày cuối tháng 10/2010, ba chiếc thuyền do ông đặt mua từ Mỹ sẽ về tới TP HCM. Trong đó, một chiếc lớn ông mua hộ người bạn là chủ nhà băng. Hai thuyền còn lại, một chiếc dài chừng 10 m, mạn thấp, ông dành để đi trên sông. Chiếc kia dài hơn một chút, trên boong có phòng nhỏ đủ các thiết bị sinh hoạt cần thiết, ông dành cho những chuyến đi biển dài ngày.
 
Kế hoạch là vậy, nhưng ông biết sẽ khó lòng sử dụng thường xuyên. Công việc bận bịu, không dễ dàng bố trí thời gian đi đâu đó vài ngày. Lại còn phụ thuộc vào vài người bạn, biết đâu lúc mình rảnh họ lại bận rộn không tham gia cùng.
 
"Tôi mua du thuyền không để kinh doanh, cũng chẳng phải khẳng định đẳng cấp gì cả. Đơn giản là được thỏa nỗi đam mê", ông Tuấn nói. Đây sẽ là lần đầu tiên ông sở hữu một chiếc du thuyền đúng nghĩa, sau bao năm chơi ca nô phao rồi tàu nhỏ.
 
Ông cũng chẳng ngại ngần "khoe" rằng cả 3 chiếc thuyền kia đều là loại đã qua sử dụng, và giá cả phải chăng. "Mình đam mê thật, nhưng điều kiện tài chính chưa cho phép, thì mua tàu đã qua sử dụng. Mà tàu cũ của người ta bên đó, vẫn còn mới và tốt với mình", ông thật thà.
 
Giá mua qua đại lý bên Mỹ mỗi chiếc dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đôla. Tính cả các loại thuế, ba chiếc về đến Việt Nam ngót nghét 1 triệu USD, chưa bằng một góc của những con tàu vài trăm triệu đôla của các tỷ phú thế giới. Nhưng ông vẫn vui, vì nó là của mình, và giúp mình thỏa nỗi đam mê sau những vật lộn trên thương trường.
 
Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích