Ngân hàng Eximbank vừa đưa ra chương trình cho vay tiền đồng tham chiếu theo tỷ giá USD/VND từ nay đến hết năm 2012.
Theo đó, khi thanh toán nợ gốc lãi vay, người vay trả theo tỷ giá tối đa không vượt quá 3% so với tỷ giá tại thời điểm giải ngân, vượt trên mức này Eximbank trả. Như vậy, tỷ giá ổn định, người vay chỉ trả 7%/năm, còn trường hợp tỷ giá biến động xấu nhất, họ trả cao nhất 13%/năm.
Eximbank cho biết, lượng giải ngân đạt 1.200 tỉ đồng trong một tuần và trong ba ngày kế tiếp đã tăng gấp đôi, tổng cộng gần 2.700 tỉ đồng cho 234 khách hàng, gồm 35 cá nhân và 199 doanh nghiệp.
có khoảng 42% doanh nghiệp không vay vốn để sản xuất kinh doanh trong khi có gần 58% số doanh nghiệp đang vay vốn để sản xuất kinh doanh
Trong đó, vay kỳ hạn một tháng là 606 tỉ đồng, chiếm 22,84%; hai tháng là 43 tỉ đồng, chiếm 1,65%; kỳ hạn 3 – 5 tháng chiếm 9,86%. Doanh nghiệp vay nhiều nhất ở kỳ hạn sáu tháng với 1.743 tỉ đồng, chiếm 65,65%.
Theo ông Tô Nghị, phó tổng giám đốc Eximbank, chương trình cho vay đối với những phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhằm để người vay không lo nhiều về biến động tỷ giá. Việc khoản vay gắn liền với tỷ giá, là bởi, nếu cho vay bằng ngoại tệ, thì theo quy định chỉ một số nhóm đối tượng nằm trong diện được vay. Còn khi chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng, nhiều đối tượng khác nhau có thể vay ở mức lãi suất USD.
Nhiều ngân hàng đã chào mời lãi suất 12 – 13%/năm. Đầu tuần này, VIB vừa giảm lãi suất từ 14,2% xuống còn 9,9%/năm trong ba tháng đầu cho người vay mua, xây, sửa nhà. ACB cũng vừa đưa ra chương trình cho vay tín chấp cho người vay thân thiết với hạn mức vay lên đến 500 triệu đồng.
Nhìn chung các chương trình lãi suất thấp của ngân hàng phần lớn gói gọn trong quy mô vài ngàn tỉ đồng, hầu hết nhắm đến cho vay bất động sản nếu là cá nhân; còn doanh nghiệp thì phải có đầu ra, làm ăn tốt, và có tài sản thế chấp tốt. Vì sao phải có tài sản thế chấp tốt?
Một nhân viên tín dụng ngân hàng cho biết, từ đầu năm đến nay nhân viên này từ chối nhiều doanh nghiệp vay thế chấp tài sản bằng hàng tồn kho, kế đến là nhà xưởng, kho bãi. Bởi, nợ xấu của ngân hàng đang nằm nhiều ở hàng tồn kho, nguyên vật liệu; và hạn chế thế chấp bằng nhà xưởng vì rủi ro từ chính sách đất đai.
Chính vì vậy, để chọn được doanh nghiệp có đầu ra tốt, phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản thế chấp tốt và… chịu vay, nhân viên này chỉ tìm được một vài khách hàng trong sáu tháng nay.
Ông Lê Vũ Kỳ, thành viên HĐQT ngân hàng ACB cho biết, cho vay đến nay rất khó khăn, và rất khó để tìm được người đủ tiêu chuẩn vay. “Những năm trước ngân hàng chỉ cần phát triển tín dụng ở khách hàng hiện hữu là tăng trưởng tín dụng tương đối. Nhưng năm nay đa số khách hàng cũ hầu như không vay mới để mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ có một số ít vay lượng nhỏ”, ông Kỳ nói.
Chờ lãi suất 10 – 15%
Theo kết quả tổng điều tra doanh nghiệp đợt 1 do tổng cục Thống kê tiến hành từ ngày 1.4 đến 16.5.2012, lãi suất vay vốn quá cao là yếu tố cản trở lớn nhất trong số 11 yếu tố thuộc môi trường kinh doanh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo tổng cục Thống kê, để hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thoát khỏi khó khăn hiện nay, các giải pháp ưu tiên mà Chính phủ cần sớm triển khai trong thời gian tới theo thứ tự là: ổn định lãi suất vay vốn hợp lý, hỗ trợ lãi suất vay vốn; ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định giá điện; cải thiện cơ sở hạ tầng; tập trung nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ phát triển và đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường pháp lý và hiệu quả giải quyết tranh chấp.
Cũng theo kết quả tổng điều tra trên, có khoảng 42% doanh nghiệp không vay vốn để sản xuất kinh doanh trong khi có gần 58% số doanh nghiệp đang vay vốn để sản xuất kinh doanh.
Lý do không vay vốn để sản xuất kinh doanh, có trên 46% doanh nghiệp cho rằng không có nhu cầu vay, gần 40% doanh nghiệp cho rằng vì lãi suất quá cao, 28,5% doanh nghiệp cho rằng thủ tục vay phức tạp, mất nhiều thời gian và gần 19% doanh nghiệp cho rằng không có đủ tài sản để thế chấp.
Tại thời điểm điều tra, có gần 71% doanh nghiệp cho biết đang vay vốn với lãi suất trên 17%/năm, trong đó số doanh nghiệp vay vốn với lãi suất trên 17 – 18%/năm chiếm 18,4%; trên 18 – 19%/năm chiếm 19%; trên 19 – 20%/năm chiếm 17,6% và trên 20% là 15,9%. Các doanh nghiệp cho biết, họ mong muốn được vay vốn ở mức từ 10 – 15%/năm.