"Không để dân bán nông sản giá thấp"

Thứ bảy, 30/06/2012, 14:38
Giá cá tra, giá lúa giảm 30%, giá tôm hùm giảm 60%, thịt heo hơi cũng giảm 50%... Làm thế nào chặn đứng tình trạng rớt giá này?
Bên lề hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm nay của ngành nông nghiệp ngày 29-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết:
 

Bộ trưởng Cao Đức Phát - Ảnh: ĐỨC BÌNH
 
Giá nông sản xuống rất mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của bà con nông dân, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất trong thời gian tới. Vì thế các cơ quan liên quan, các bộ, các địa phương đang nỗ lực cùng doanh nghiệp và bà con nông dân tìm cách vượt qua hoàn cảnh khó khăn này.
 
Mỗi loại nông sản có những giải pháp riêng, nhưng đối với tất cả loại cây, con thì giải pháp đều nằm ở hai nhóm. Thứ nhất là nỗ lực hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản. Đồng thời phải thông tin cho bà con về thị trường, từ đó có điều chỉnh về sản xuất. Thứ hai là tập trung chuyển đổi, thay vì dùng những giống lúa năng suất cao nhưng chất lượng thấp sang giống chất lượng cao hơn, dễ tiêu thụ hơn dù năng suất có thấp.
 
Theo bộ trưởng, các mặt hàng nông sản thời gian qua liên tục rớt giá do đâu?
 
Các mặt hàng nông sản của chúng ta đều để xuất khẩu nên giá cả phụ thuộc rất lớn vào thị trường quốc tế, giá quốc tế hạ thì trong nước giá cũng hạ. Trong khi đó sản xuất của chúng ta tiếp tục gia tăng. Một nguyên nhân khác là các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong thu mua, chế biến, tiêu thụ, tồn kho...
 
Giá rớt có phải do khâu quy hoạch đến chế biến của ta có vấn đề? Chúng ta không hướng đến sản xuất, chế biến một cách bền vững mà chỉ xuất thô?
 
Đúng là có điều đó. Còn nhiều dư địa khác nữa, nhưng trong điều kiện hiện nay, kể cả mặt hàng thô, mặt hàng đã qua chế biến thì giá đều hạ cả.
 
Việc rớt giá liên tục ở nhiều mặt hàng nông sản có phải do chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường?
 
Hầu hết các loại nông sản của ta xuất qua nhiều thị trường. Nhưng vẫn có những mặt hàng tươi sống chúng ta xuất sang thị trường gần, nên ở mức độ nào đó ta phải phụ thuộc vào thị trường đó. Tôi đồng ý là chúng ta phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở nhiều thị trường để nông sản của ta đến được nhiều nước. Bộ NN&PTNT cũng như các doanh nghiệp, các địa phương đang tập trung đi theo hướng này.
 
Bộ đã có những giải pháp cụ thể gì để giúp nông dân vượt qua cơn khó khăn này?
 
Bộ đã chính thức có những đề xuất lên Chính phủ để Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, các giải pháp đều có những gói hỗ trợ về tín dụng để doanh nghiệp thu mua nông sản của dân trong trường hợp cần thiết để người dân không phải bán giá thấp.
 
Bộ NN&PTNT sẽ nhanh chóng có văn bản chính thức trình Thủ tướng về đề xuất cứu con cá tra. Giải pháp là cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, xử lý gia hạn nợ cho các doanh nghiệp. Thúc đẩy xuất khẩu, các địa phương tăng cường kiểm soát về chất lượng. Đồng thời xem xét có những hỗ trợ đến người nuôi...
 
Vậy có thể chấm dứt được tình trạng “được mùa thì mất giá” không, thưa ông?
 
Thị trường biến động không hẳn phụ thuộc vào ý chí chủ quan mà có nguyên nhân khách quan. Nhất là chúng ta tham gia rất sâu thị trường quốc tế. Vì thế nhiệm vụ chính của chúng ta là làm cho hàng hóa ngày càng có sức cạnh tranh cao, luôn có chỗ đứng trên thị trường, bất chấp những bất lợi của thị trường.
 
Thất thoát sau thu hoạch lúa khoảng 4.500 tỉ đồng/năm
 
Tại hội thảo về công nghệ và thiết bị sấy lúa do Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tổ chức tại Tiền Giang ngày 29-6, ông Nguyễn Ngọc Nam, phó tổng giám đốc Vinafood 2, cho biết các thống kê cho thấy tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL hằng năm lên tới gần 14%.

Trong đó riêng khâu phơi sấy lúa chiếm khoảng 4,2%. Nếu tính tổng sản lượng lúa của ĐBSCL là 20 triệu tấn/năm, thì thiệt hại trong khâu phơi sấy vào khoảng 4.500 tỉ đồng (giá lúa 5.000 đồng/kg).
 
Do đó, việc đầu tư thiết bị sấy lúa đạt tiêu chuẩn và phủ đều ở địa phương sẽ giúp nông dân và doanh nghiệp không bị mất một khoản tiền lớn oan uổng. Theo khuyến cáo của Vinafood 2, các doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống sấy lúa hiện đại để chủ động trong việc chế biến gạo xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng; đồng thời giúp nông dân giải quyết lượng lúa tươi sau khi thu hoạch, nhất là trong mùa mưa bão.
 
Giá thực phẩm bán lẻ chỉ giảm nhẹ
 
Mặc dù giá nhiều loại nông sản, thủy sản ở đầu nguồn giảm mạnh, thế nhưng theo ghi nhận trên địa bàn TP.HCM, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn giữ ở mức cao hoặc chỉ giảm nhẹ so với đầu tuần.
 
Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), giá cá nục dao động ở mức 32.000-35.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg, tôm đất giá từ 100.000 đồng/kg xuống mức 85.000 đồng/kg, cá nóc giảm 5.000 đồng xuống mức 37.000 đồng/kg...
 
Tương tự, các mặt hàng thịt gà, vịt cũng giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể gà ta làm sẵn giảm từ 170.000 đồng xuống còn 160.000 đồng/kg, thịt vịt xiêm ở mức 50.000 đồng/kg... Riêng giá thịt heo bán lẻ có dấu hiệu tăng nhẹ. Tại chợ Tân Định (Q.1), thịt ba rọi đạt mức 100.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng, sườn non tăng lên mức 115.000 đồng/kg, chân giò ở mức 75.000 đồng/kg.
 
Các tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cho biết giá heo tăng, tiếp tục đẩy sức mua xuống rất thấp. Đại diện Công ty Vissan cho biết mặc dù sức mua giảm nhưng chi phí nguyên liệu nhích lên, khiến giá heo tại các chợ có dấu hiệu tăng nhẹ vài ngày gần đây.

 
Theo Tuổi Trẻ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích