Khoảng lặng chứng khoán

Thứ bảy, 30/06/2012, 10:30
Sau khi lập đỉnh vào đầu tháng 5, chứng khoán bắt đầu những phiên điều chỉnh và đi ngang cho đến nay. Mặc dầu VN-Index vẫn còn cách khá xa ngưỡng 400 điểm và giá nhiều cổ phiếu vẫn còn cao hơn 50-70% so với đáy tháng 12 năm ngoái, nhưng thị trường đang chứng kiến thanh khoản trở về mức èo uột (dưới 1.000 tỉ đồng/phiên cả hai sàn) và sự đứng ngoài quan sát của của cả nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân.
Vùng trũng cũ đã đầy
 
Mục tiêu lớn nhất của nhà đầu tư khi bỏ tiền vào một thị trường chứng khoán cận biên như Việt Nam là tăng trưởng. Nói nôm na là sự bứt phá của giá cổ phiếu. Vì mức rủi ro của thị trường cận biên cao, đặc biệt lại thiếu minh bạch, nên hầu hết các khoản đầu tư có tính trung hạn cũng tỏ ra linh hoạt và có thể chuyển đổi thành ngắn hạn bất cứ lúc nào thuận lợi.
 
Nhìn lại từ đầu năm, chứng khoán đã thể hiện rõ đặc tính nói trên. Trong thành phần nhà đầu tư, số người mới đặt chân vào thị trường không nhiều. Phần lớn là những nhà đầu tư đã có thời gian dài bám trụ thị trường. Họ có thể đã thua lỗ và còn mặc kẹt với những khoản đầu tư giá cao trước đó. Khi VN-Index chuyển dịch lên phía trên, đáy tạm thời ở lại phía sau, họ mua cổ phiếu bình quân giá, đợi thời điểm hòa vốn, hoặc lỗ ít hơn hoặc có lời chút nào đó, để “rút chân” ra.
 
Thời điểm đó là đầu tháng 5.


Doanh nghiệp vẫn đang trả giá cho chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát đã qua.
Vì sao đến tháng 5 thị trường không tăng trưởng tiếp?

Thứ nhất là do tính chu kỳ. Câu ngạn ngữ “bán cổ phiếu vào tháng 5 và đi nghỉ” vẫn chi phối tâm lý nhà đầu tư.

Thứ hai 4 tháng tăng liên tục là thời gian đủ dài để tất toán một chu kỳ đầu tư đối với mục tiêu ngắn hạn. Nhất là trong khoảng thời gian ấy, kinh tế vĩ mô có những thay đổi đáng kể.

Thứ ba 35% là mức tăng bình quân của VN-Index, nhưng không ít cổ phiếu đã tăng 100% cùng thời gian, quá hợp lý để chốt lời hay cắt lỗ cho cả nhà đầu tư mới và cũ. Khi đã rút ra trong bối cảnh như vậy, dòng tiền không vận động ngay để quay lại thị trường. Nó cần khoảng tĩnh lặng nghỉ ngơi cho đến khi vùng trũng mới trên bản đồ vốn xuất hiện.

 
Khoảng giao thời
 
Trong tháng 1 và 2-2012 tâm điểm của thị trường là lạm phát và lãi suất. Lạm phát được hóa giải, lãi suất tụt nhanh, đi kèm một cách hợp lý là thanh khoản cao đầy tính thuyết phục của các phiên giao dịch. Tuy nhiên bị ám ảnh bởi bốn năm suy thoái dần đều trước đó, tốc độ tăng trưởng nhanh của cổ phiếu trong một vài tháng khiến nhà đầu tư cảnh giác. Mặt khác, sự thả phanh đột ngột của lãi suất theo hướng giảm, sự thay đổi từ dương ở mức cao sang âm của chỉ số CPI không thể làm yên lòng những “tay chơi” kinh nghiệm trên thị trường. Có cái gì đó chưa thật ổn, có cái gì đó chưa thật nhịp nhàng lẩn khuất đâu đây!
 
Nhà đầu tư ngoại thể hiện thái độ trước. Chuỗi ngày mua ròng kéo dài hàng tháng chấm dứt. Bỏ qua yếu tố chốt tổng giá trị tài sản ròng (NAV) nhằm làm đẹp sổ sách nửa đầu năm, và vẫn có những phiên nước ngoài mua ròng lẻ tẻ, về tổng thể thời kỳ khối ngoại chủ động giải ngân để đẩy VN-Index đã không còn cho hiện tại.

Một châu Âu bất ổn về kinh tế đã kéo thị trường chứng khoán các nước phát triển về mức hấp dẫn ngang ngửa các thị trường mới nổi. Nói gì thì nói, chứng khoán Âu-Mỹ vẫn hơn đứt chứng khoán cận biên về độ minh bạch. Cho nên lúc này một mức độ lợi nhuận vừa phải và chắc ăn thu hút hơn tăng trưởng cao, rủi ro cao. Hãy tham khảo ý kiến các nhà đầu tư ngoại ở nước ngoài về sự chọn lựa chứng khoán hiện tại. Chứng khoán Việt Nam ít được đề cập trong các cân nhắc đầu tư của họ.

 
Với khối nội, khoảng giao thời đang bao trùm. Lãi suất giảm, lạm phát âm, rồi sao nữa? Quá khứ cho thấy trong vòng 7 năm qua, từ năm 2005, có bốn lần CPI âm, nhưng chỉ duy nhất một lần chứng khoán tăng trưởng cùng lúc. Đó là năm 2006, thời điểm Việt Nam chuẩn bị và sau đó gia nhập WTO, thời điểm các quỹ nước ngoài chuyên đầu tư vào chứng khoán Việt Nam được thành lập, thời điểm ngoạn mục nhất của VN-Index trên chặng đường chinh phục mốc 1.170 điểm vào tháng 3-2007. Còn lại, chứng khoán luôn bị “lãng quên” khi chỉ số giá cả dưới 0%.
 
Lần này nghiêm trọng hơn cả CPI âm là tăng trưởng GDP thấp nhất trong vòng ba năm, dự báo 4,5% cho hai quí đầu năm. Nền kinh tế không lo thiếu điện là một chỉ báo bất thường, cho nên không khó hình dung khi lượng than tồn kho lên tới 8,5 triệu tấn.

Trong báo cáo trình trước đại hội cổ đông mấy tháng trước, hội đồng quản trị Công ty cà phê Biên Hòa nhận định “năm 2011 là năm khó khăn nhất của kinh tế kể từ năm 1990”. Nhưng bây giờ, còn có những tiếng nói ít lạc quan hơn và không thể không suy ngẫm như năm “2012 giữ được GDP 5-5,% là tốt rồi”; hay “năm nay không lỗ đã là thắng lợi!”.

 
Áp nhận định này vào triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết càng thấy rõ hơn. Số doanh nghiệp thua lỗ năm ngoái và quí 1 năm nay, đã đành, thôi thì không nói nữa. Chiếm tỷ trọng lớn trong số 700 công ty niêm yết (kể cả UpCom), là những đơn vị lợi nhuận từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, 1-2 tỉ đồng, tức là ở lằn ranh giới mong manh của từ hòa vốn đến lỗ. Một số doanh nghiệp vẫn còn khả năng chia cổ tức năm 2011 cao nhờ lợi nhuận quí 1-2 năm ngoái, nhưng lợi nhuận quí 1 -2 năm nay lại không hứa hẹn mức cổ tức lặp lại.
 
Doanh nghiệp vẫn đang trả giá cho chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát đã qua. Độ ngấm của các biện pháp giảm tổng cầu chưa kết thúc trong khi độ lan tỏa của giải pháp tăng tổng cầu chưa nhanh như mọng đợi. Sự thận trọng trong khoảng giao thời của chứng khoán có lẽ là cần thiết và không thừa!
 
Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích