CEO Techcombank: Lập công ty xử lý nợ xấu chi phí sẽ rất cao

Chủ nhật, 01/07/2012, 12:20
Ông Simon Morris cho rằng, giống như một nhà máy không vận hành tốt, những ngân hàng không thể đạt tiêu chuẩn thì hãy cho phép họ thất bại, phải đóng cửa.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm tại các ngân hàng ở nhiều quốc gia, tân Tổng giám đốc người Anh của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ông Simon Morris cho rằng, việc lập công ty quản lý tài sản quốc gia để xử lý nợ xấu sẽ có nhiều khó khăn vì chi phí cao.
 
Ông nói, điều quan trọng hơn việc thành lập công ty trên là làm thế nào để các ngân hàng cải thiện chất lượng khoản nợ. Bởi các công ty quản lý tài sản mua nợ xấu chỉ là chữa trị triệu chứng mà thôi. Việc chữa trị tận gốc vấn đề này là thách thức rất lớn cho mỗi ngân hàng và cơ quan quản lý.

Ông Simon Morris: Các công ty quản lý tài sản mua nợ xấu chỉ là chữa trị triệu chứng.
Vậy ông có ngạc nhiên về con số nợ xấu, hồi đầu năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố 3,8% mà nay đột ngột tăng lên 10%?
 
Người ta đang đặt ra câu hỏi về sự che giấu thông tin về nợ dưới chuẩn (NPL). Một trong những điểm nguy hiểm là người ta chỉ nói về con số nợ xấu trung bình toàn ngành. Rõ ràng có những ngân hàng chỉ số NPL quá cao và có những ngân hàng thấp hơn. Nếu đề cập đến con số trung bình mà thôi thì chưa đưa đến đúng trọng tâm vấn đề.
 
Song Ngân hàng Nhà nước biết rõ các ngân hàng đang có nợ xấu bao nhiêu và tôi biết họ sẽ có những động thái tương đương với những chỉ số đó. Vì thế chúng ta không cần quá ngạc nhiên trước những tình huống này.
 
Nếu không thành lập công ty giải cứu nợ xấu, có cách nào tốt hơn?
 
Nếu ta có một nhà máy, nó vận hành không tốt thì phải đóng cửa, tại sao có sự khác biệt với ngành ngân hàng? Rõ ràng cần phải tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các ngân hàng để từ đó khách hàng sẽ nhận được dịch vụ, sản phẩm tốt hơn vì xét cho cùng ngân hàng phải tạo ra lợi ích tài chính cho khách hàng, ủng hộ khách hàng phát triển kinh doanh.

Vì thế những ngân hàng không thể đạt tiêu chuẩn thì hãy cho phép họ thất bại, phải đóng cửa. Nếu không thì làm sao có thể khuyến khích các ngân hàng khác luôn cải thiện chất lượng của mình?

 
Về phía khách hàng, họ cần có thói quen nhìn vào hiệu quả hoạt động của một ngân hàng trước khi đưa ra quyết định sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nó.
 
Tuy thế, tôi cũng nhận thấy các nhà làm chính sách luôn đứng trước những tình huống tiến thoái lưỡng nan với những mâu thuẫn khó lòng giải quyết ngay. Nhìn ra thế giới, một số nước đã đưa ra giải pháp thông qua các gói giải cứu ngân hàng chẳng hạn. Nhưng dù sao, tôi tin rằng Việt Nam vẫn đang trải qua những giai đoạn phát triển bình thường. Nền kinh tế có lúc phát triển chậm lại một chút và tăng tốc ở giai đoạn kế tiếp. Điều quan trọng là vốn nước ngoài vẫn đang rót vào, các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
 
Theo ông, sau khi hoàn tất việc sắp xếp lại các tổ chức tín dụng có thể có một hệ thống ngân hàng lành mạnh không?
 
Thời gian gần đây, NHNN đã tập trung giải quyết một số vấn đề trọng điểm mang đến những kết quả khá khả quan. So với thời điểm trước đây 12 tháng, chúng ta thấy các chính sách về tín dụng, kìm chế lạm phát, ổn định tỷ giá đã phát huy được hiệu quả: lãi suất đã đi xuống, tỷ giá rất ổn định….
 
Với những chuyển biến tích cực của thị trường, người dân bắt đầu có niềm tin trở lại. Đơn cử như số lượng hồ sơ xin vay vốn mua nhà đang gia tăng tại Techcombank. Có hợp đồng mua nhà mới sẽ bắt đầu có công ăn việc làm cho công ty xây dựng và nhà sản xuất. Thị trường có dấu hiệu ấm áp hơn.
 
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn. Hiện tăng trưởng của chúng ta hơi thấp nên đây vẫn là một trong những công việc rất khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước.
 
Bên cạnh đó, không phải sắp xếp lại ngân hàng xong là xong, là mọi sự đã quá hoàn hảo. Nếu ta khỏi bệnh, đạt trạng thái sức khỏe bình thường thì chúng ta vẫn luôn cần chế độ riêng để duy trì tình trạng khỏe mạnh. Đó là lộ trình bất tận. Bạn không bao giờ cán đích.
 
Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn