“Giải mã Trầm Bê”

Thứ ba, 21/08/2012, 10:01
Là một nhân vật vô cùng kỹ tính và hiếm khi phát biểu trước báo chí, có lẽ ông Trầm Bê gây nhiều sự tò mò khi chỉ nghe tiếng mà không biết ông xuất phát từ đâu.

Cái tên Trầm Bê thực sự chỉ được nghe nhắc nhiều qua sự kiện nổi đình nổi đám trong năm 2011: Các ngân hàng thâu tóm Sacombank.

Ông Trầm Bê từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn và hiện là thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), Chủ tịch Bệnh viện Triều An. Ngoài ra, ông còn cùng với 3 người con tham gia Hội đồng Quản trị của một số doanh nghiệp như Ngân hàng Phương Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Công ty Chứng khoán Phương Nam và gần đây nhất là Ngân hàng Sacombank.
 

Ông Trầm Bê

Không phải ngẫu nhiên ông Trầm Bê lại đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác nhau mà đó là những bước đi đầy toan tính. Những bước đi này thể hiện sự am hiểu của ông đối với chu kỳ kinh tế và một tầm nhìn chiến lược đầy tham vọng nhằm tạo ra thế kiềng 3 chân vững mạnh: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và tài chính.

Bất động sản: Đón đầu trào lưu
 
Giống như cách làm giàu của bầu Đức - đi lên từ việc khai thác tài nguyên gỗ, ông cũng bắt đầu sự nghiệp của mình như vậy với cương vị là Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991-1994) và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty này (1995-2001).

Sau 10 năm tích lũy tài chính cũng như kinh nghiệm từ sản xuất kinh doanh và chế biến lâm sản, ông đã nhảy vào thị trường bất động sản bằng việc đầu tư vào BCCI với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị (1999). Vào thời kỳ này, việc đầu tư bất động sản khá dễ dàng, quỹ đất còn nhiều cộng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đang ở mức cao.

Nhờ đó, BCCI đã không ngừng ăn nên làm ra. Ngay cả giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, trong khi nhiều công ty bất động sản rơi vào bế tắc, doanh nghiệp này đã có kết quả kinh doanh khá khả quan, với mức tăng trưởng doanh thu 66% và lợi nhuận 36% trong năm tài chính 2009-2010.

Sau khi đầu tư vào BCCI, cơ sở hạ tầng là đích đến đầu tiên mà ông Trầm Bê nhắm tới với việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Triều An. Bởi lẽ, việc xây dựng bệnh viện lúc này sẽ nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước và đặc biệt là thị trường này vẫn còn bỏ ngỏ.

Ra đời vào năm 2001 trong chủ trương xã hội hóa y tế, Triều An là bệnh viện tư nhân đa khoa chuyên sâu đầu tiên và cũng là lớn nhất Việt Nam. Ông Trầm Bê đã cùng với Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hải Nam và ông Lâm Trung Lương (hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Triều An) góp vốn để xây dựng bệnh viện này.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Triều An đã cấp cứu 12.000 trường hợp, khám bệnh cho 700.000 lượt người, điều trị nội trú cho 950.000 bệnh nhân, phẫu thuật cho 34.000 ca. Với số lượng bệnh nhân trong nước lớn như vậy, cộng với việc mỗi năm tiếp nhận các bệnh nhân từ nước ngoài, nguồn thu từ bệnh viện là rất lớn. Đây là điều kiện để ông Trầm Bê tiến thêm một bước sang lĩnh vực nông nghiệp.
 
Nông nghiệp: Độc quyền 7 năm

Có lẽ ông Trầm Bê thực sự nhạy cảm với những thị trường còn bỏ ngỏ, nên hầu như ông luôn tạo ra được thế độc quyền ban đầu khi tham gia vào bất cứ ngành nghề nào. Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (2002-2004) đã chiếm lĩnh 100% thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam.

Mãi cho đến năm 2009, thế độc quyền này mới mất đi khi có nhà máy chiếu xạ thanh long thứ hai do Công ty Cổ phần An Phú đầu tư.

“Chỉ có duy nhất một đơn vị thực hiện khâu chiếu xạ là Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn ở quận Bình Tân, TP.HCM. Vì thế, mặc dù giá chiếu xạ thanh long do công ty này đưa ra cao gấp 4 lần so với giá chiếu xạ thanh long tại Thái Lan, nhưng các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận”. Đó là nhận xét của ông Nguyễn Thuận, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh long Hàm Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, về Công ty Sơn Sơn của ông Trầm Bê vào cuối năm 2008, khi công ty này vẫn còn độc quyền về chiếu xạ thanh long.

Cũng trong năm này, ông Trầm Bê đã phải lên tiếng giãi bày khi bị cho là kinh doanh độc quyền. “Tôi theo đuổi việc lắp ráp, nhập khẩu máy chiếu xạ này từ 6 năm trước. Trải qua biết bao nhiêu thủ tục phức tạp, bao nhiêu biến cố và chi phí thì không thể nào tính được, công ty mới được cấp giấy phép chiếu xạ như hiện nay. Tôi khẳng định mình không độc quyền, vì quy định của Nhà nước không cho doanh nghiệp nào độc quyền. Bất cứ doanh nghiệp nào đủ điều kiện đều có thể đầu tư”, ông nói.

Thực vậy, Sơn Sơn đã hưởng thế độc quyền trong 7 năm vì không một doanh nghiệp nào có đủ điều kiện về công nghệ cũng như tài chính để đầu tư nhà máy chiếu xạ, vốn rất tốn kém trong khi quy trình vô cùng phức tạp.

Năm 2002, ông Trầm Bê đã mua thiết bị chiếu xạ theo tiêu chuẩn Pasteur và dùng kỹ thuật chiếu xạ của Mỹ với giá tới 20 triệu USD. Trong khi đó, việc nhập khẩu rất khó khăn. Đã vậy, khi máy về tới Việt Nam, nhà sản xuất bị phá sản nên họ không chuyển giao kỹ thuật vận hành như đã ký trong hợp đồng. Ông đã buộc phải thuê 5 chuyên gia người Mỹ trong vài tháng với chi phí 150.000 USD/tháng để lập chương trình vận hành, huấn luyện công nhân Việt Nam.

Những gian nan trên con đường đầu tư nhà máy chiếu xạ một mặt cho thấy quyết tâm đeo đuổi mục tiêu đến cùng của ông Trầm Bê, mặt khác cũng cho thấy được năng lực tài chính của ông nhờ vào quá trình tích lũy khi đầu tư vào bất động sản và bệnh viện.

Sau khi tạo được thế độc quyền, ông chỉ việc ngồi hưởng lợi. Sản lượng xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận từ năm 2005-2009 trung bình trên 23.000 tấn mỗi năm. Đó là chưa kể thanh long từ các tỉnh khác cũng phải đến chiếu xạ tại công ty của ông.

Khi cơ sở hạ tầng và nông nghiệp đã đủ vững mạnh, ông lại đi tiếp những bước đầy toan tính để tạo thành thế 3 chân kiên cố. Để có thể an tâm bước tiếp, ông đã lần lượt đưa các con của mình là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa vào nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư. Chẳng hạn như ông đưa con trai trưởng Trầm Trọng Ngân lên giữ vị trí Tổng Giám đốc của Công ty Sơn Sơn.
 
Việc giao trọng trách cho những người thân tín nhất đã giúp ông yên tâm bước vào phần quan trọng nhất trong cuộc chinh phạt - lĩnh vực tài chính.
 
Tài chính: Thôn tính “ông” dẫn đầu
 
Có lẽ như việc ông Trầm Bê đầu tư vào bất cứ ngành nào cũng đều theo chu kỳ phát triển của kinh tế. Thứ nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm đầu phát triển kinh tế của Việt Nam, mà y tế là một phần không thể thiếu. Thứ hai là đầu tư vào nông nghiệp, ngành trọng điểm của Việt Nam. Và cuối cùng là ngân hàng, một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và mang theo quyền lực của tài chính.

Ông Trầm Bê đã tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam vào năm 2004. Trong giai đoạn này, ngành ngân hàng Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và đạt đỉnh điểm vào năm 2007. Cụ thể, tăng trưởng huy động vốn đạt 36,5% và tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 34% so với năm 2006.

Chính sự phát triển mạnh của nền kinh tế đã đẩy cao nhu cầu vốn của doanh nghiệp và ngành ngân hàng cũng bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng. Các ngân hàng đã có một năm kinh doanh thành công và tất nhiên không ngoại trừ Phương Nam. Ngân hàng này đã đạt doanh thu trên 1.000 tỉ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỉ đồng trong năm 2007.

Từ vị trí là thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê tiếp tục đưa con gái của mình là bà Trầm Thuyết Kiều vào giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc. Đồng thời, ông gia tăng tỉ lệ sở hữu của mình và các con tại ngân hàng này lên mức 17,5% (tính đến tháng 9.2011). Trong đó, ông Trầm Bê nắm giữ 8,36%, bà Kiều 7,36% và ông Ngân 1,86%.

Sau khi hoạt động của ngân hàng mẹ đã đi vào ổn định, Ngân hàng Phương Nam đã cho ra đời 2 đứa con là Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS).

Vẫn với cách làm tương tự, sau khi NJC được thành lập vào năm 2007, trên cương vị là Phó Chủ tịch, năm 2008 ông Trầm Bê đưa bà Kiều (sở hữu 11% cổ phần NJC) lên nắm giữ chức Phó Giám đốc.

Đến năm 2011, sau 3 năm thành lập PNS, con trai út 24 tuổi Trầm Khải Hòa tiếp tục nhận chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty này. PNS được xếp vào hạng các công ty chứng khoán nhỏ, hoạt động kinh doanh theo trào lưu nhưng có chiến lược kinh doanh hợp lý, quản trị rủi ro khá tốt.

Đặc biệt, trong năm nay, khi lần đầu tiên lọt vào top 10 thị phần môi giới tại sàn HoSE, PNS đã giữ ngay vị trí thứ tư ở quý II với thị phần 6,2%, vượt qua cả các ông lớn chứng khoán như Kim Eng Việt Nam, VNDirect, Chứng khoán FPT. Hiện nay, ông Ngân và ông Hòa đã nâng tỉ lệ sở hữu tại PNS lên 6,09%.

Mặc dù, các công ty trong lĩnh vực tài chính có sự tham gia đầu tư của ông Trầm Bê đang hoạt động khá ổn định, nhưng tất cả đều không đứng trong nhóm dẫn đầu thị trường. Chẳng hạn, Ngân hàng Phương Nam chỉ được xếp vào nhóm 2 (nhóm ngân hàng được tăng trưởng tín dụng tối đa 15%/năm) cùng với các ngân hàng như Nam Á, Đại Á, Phương Đông trong đợt công bố gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Còn NJC chỉ đạt lợi nhuận 21 tỉ đồng trong năm 2011, tăng trưởng âm 26% so với năm 2010. Nếu so mức lợi nhuận này với công ty dẫn đầu thị trường là Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) thì NJC còn kém đến 12 lần.
 
Trong khi đó, PNS là một công ty chứng khoán nhỏ, chỉ đặt mục tiêu thị phần môi giới trong năm 2012 đạt 0,7% toàn thị trường. Đây là một mục tiêu khiêm tốn so với đơn vị dẫn đầu thị trường trong năm 2011 là Công ty Chứng khoán Sài Gòn với 16,9%.

Do đó, để đứng trong nhóm dẫn đầu thị trường tài chính, ông Trầm Bê đã nuôi tham vọng thâu tóm Sacombank để củng cố chân thứ ba thêm vững chắc.

Sacombank là ngân hàng thuộc nhóm 1 (được tăng trưởng tín dụng tối đa 17%). Trong báo cáo của Vietcombank về thị trường ngân hàng vào cuối năm 2010, Sacombank có vốn điều lệ lớn thứ 7 trên tổng số 101 ngân hàng trên cả nước và hệ thống mạng lưới giao dịch chỉ đứng sau 4 ngân hàng thương mại quốc doanh.

Rõ ràng, nếu chờ Ngân hàng Phương Nam phát triển lên như Sacombank, có lẽ ông Trầm Bê phải mất ít nhất từ 10-15 năm. Do đó, động lực để thúc đẩy ông sở hữu cổ phần của ngân hàng này càng lớn.

Một thuận lợi là lượng cổ phiếu mà các nhân sự chủ chốt của Sacombank nắm giữ khá mỏng. Vì thế, việc muốn thay đổi cơ cấu cổ đông tại ngân hàng này cũng không phải là chuyện quá khó.

Năm 2010, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, nắm giữ trên 4%; ông Đặng Hồng Anh, con trai của ông Thành, 3,5%; bà Huỳnh Quế Hà, Phó Chủ tịch Sacombank, 1,38%. Nghĩa là ông Trầm Bê hoàn toàn có thể tham gia Hội đồng Quản trị Sacombank nếu ông có khả năng mua gom cổ phiếu của ngân hàng này.

Và điều gì đến cũng phải đến, vào đầu tháng 2.2012 Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết đã có ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% cổ phần biểu quyết, bao gồm cả ông Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank.

Gần như toàn bộ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Sacombank đã thay đổi, trong đó có sự góp mặt của ông Trầm Bê, với chức vụ mới là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank sau khi ông rời khỏi ghế Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Nam.

Vẫn với cách làm cũ, ông không quên trám vào chỗ trống đó là con trai mình, Trầm Trọng Ngân, lên giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Phương Nam. Thêm vào đó, Trầm Khải Hòa cũng là thành viên Hội đồng Quản trị của Sacombank bắt đầu từ tháng 5.2012.

Ông Trầm Bê lại tiếp tục thành công với tầm nhìn sâu rộng và một tham vọng lớn. Ông đầu tư vào những lĩnh vực chủ chốt, nắm quyền sau đó giao quyền lực cho những người thân tín. Có lẽ Trầm Bê là một trong số ít doanh nhân chưa gặp phải những thất bại nặng nề trong suốt sự nghiệp của mình. Liệu những bước đi tiếp theo của ông là gì?
 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn