Thưa ông, mảnh đất Bình Dương là nơi ông trưởng thành và thành công trong kinh doanh cũng từ đó. Ông có thể nói rõ hơn lý do vì sao ông lại từ chối lời mời của tỉnh đến giải quyết vướng mắc khó khăn. Trong khi đó là điều mà một doanh nghiệp đang bức xúc, cần sự lên tiếng của tỉnh, mong muốn có lời mời như thế này?
- Phải nói Bình Dương mãi mãi là trái tim, như là máu thịt của tôi. Khi tôi tố cáo ông Lê Thanh Cung là tôi mong muốn những cái “lệ” được xóa bỏ ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung để môi trường đầu tư thật sự lành mạnh, mãi mãi là một hình ảnh tuyệt đẹp trong tôi khi nghĩ về Bình Dương.
Bản thân tôi làm doanh nghiệp hơn 30 năm có năng lực tài chính và hiểu biết về pháp luật mà còn bị thua cái “lệ” thì thử hỏi doanh nghiệp nào chịu nổi, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn.
Ông Huỳnh Uy Dũng và vợ |
Quan điểm của tôi không phải là mục đích cá nhân vì tôi đã chịu đựng suốt nhiều năm, nhưng nghĩ đến các doanh nghiệp khác phá sản đi đến tù tội, kinh tế thì băng hoại bởi do đâu; Do cái “lệ”, nó cũng là mầm móng để đóng góp cho nền kinh tế và doanh nghiệp phá sản, đứng trên bờ vực thẳm.
Tôi muốn nói tiếng nói chung, nỗi đau đớn chung của tất cả những doanh nghiệp có tâm có tầm, làm việc hết sức mình mà vẫn phá sản, vẫn không thể sinh tồn bởi cái “lệ” mà như một cái luật riêng để các doanh nghiệp phải biết xử lý, anh nào mạnh biết điều thì còn khả năng sống sót, anh nào vay mượn ngân hàng quá nhiều thêm cái “lệ” thì chắc chắn là phải chết.
Riêng bản thân tôi, Huỳnh Uy Dũng, đã làm hết tất cả tuổi thanh xuân để còn có một Đại Nam Văn Hiến cống hiến cho đời.
Và tài sản của tôi đã di chúc cho con trai để làm việc thiện; tôi chẳng có gì để còn và để mất, nên tôi muốn nói thật, sống thật với những gì mà bản thân tôi đã chịu sự sắp đặt của một số người có quyền của tỉnh nhà từ nhiều năm nay, may là tôi còn sống sót sau nhiều mưu đồ tàn sát để thôn tính tài sản của tôi.
Ông có nghĩ rằng, liệu cái “lệ” này có thể nói ra được không nếu như một DN không đủ lực về tài chính mà lại đang hoạt động ở địa phương?
Cá nhân tôi làm đơn tố cáo để một lần nữa cho thấy họ đã dùng cái “lệ” thay cho luật. “Lệ” này được ban hành trên cả luật của Quốc hội. Có mấy doanh nghiệp dám nói thật tiếng nói xé lòng của mình; Bởi khi họ muốn cất lời hay muốn thực hiện, thì sự việc được kéo dài chờ xử lý, thì ngân hàng ra tay thâu tóm tài sản nếu không có tiền trả lãi.
Khi tranh chấp hay tố cáo khởi kiện mà đợi chờ được xem xét thì doanh nghiệp sẽ bị chết trước, khi chưa biết thắng bại thuộc về ai. Đó là tiếng lòng đau đớn nhất mà doanh nghiệp phải gánh chịu.
Nên không ai dám tố cáo cái “lệ” vì thế nó như một quy luật được hình thành của một quan chức có quyền trong lĩnh vực đất đai, bất động sản; thì ôi thôi đủ thứ trò không cần nói ra ai cũng biết.
Một lần nữa, tôi, Huỳnh Uy Dũng, xin thay mặt các doanh nghiệp đã bị “phá sản” chưa “phá sản” và sắp bị phá sản bởi cái “lệ” có “hệ thống ngầm” xin gửi đến những bức xúc, những đau khổ, những oan nghiệt mà doanh nghiệp đã chịu đựng nhiều năm.
Cầu xin các cấp có thẩm quyền vào cuộc để xem xét và tìm ra những con người đại diện pháp luật dùng “lệ” để giết chết tức tưởi hàng vạn doanh nghiệp, để thấy luật pháp luôn nghiêm minh; và có biện pháp “chế tài” cái “lệ” để bảo vệ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, để họ còn làm đẹp và cống hiến cho sự phát triển của nước nhà.
Theo Dòng Đời