Tôi có mặt tại Zone 9 lúc 14h chiều ngày 16/11, đúng ba ngày trước vụ cháy tại một quán bar đang thi công khiến 6 người thiệt mạng. Sự lộn xộn của Zone 9 khiến tôi phải suy nghĩ khá nhiều về nó.
Đất hoang thành “đất vàng”
Một góc Zone 9 về đêm. Cho dù hạ tầng của Zone 9, gồm các tòa nhà cũ đã xuống cấp khá nhiều, có thể thấy rằng về kết cấu xây dựng chung vẫn còn khá ổn, thậm chí còn tốt hơn nhiều khu tập thể đang được sử dụng khác tại Hà Nội. |
V. đón tiếp tôi khá hồ hởi. Trên diện tích hơn 300 m2 nằm trên tầng 5 của một trong các tòa nhà tại Zone 9, một không gian có tên gọi 789 giàu tính sắp đặt đã được đầu tư một cách khá công phu. Giữa những mảng tường và nền gạch cũ kỹ, những chiếc sofa phong cách Âu, hoa anh đào giả và những tấm rèm được treo đầy ý đồ, không gian đó hứa hẹn những tấm hình đẹp.
Không ngạc nhiên khi những bạn trẻ sẵn sàng trả vài trăm ngàn đồng cho một giờ tại đó chỉ để được chụp hình. Trong khi đó, mỗi tháng V phải trả cho đơn vị chủ quản Zone 9 khoản tiền 120 ngàn đồng/m2 sàn, chưa kể tiền đầu tư làm lại từ cái cầu thang đến cái toilet.
Các nhãn thời trang cũng coi 789 như một không gian lý tưởng cho việc thực hiện các bộ hình giới thiệu sản phẩm. Chứng kiến buổi chụp hình của nhãn thời trang May cho các khách hàng thân thiết, cảm nhận sự hài lòng của các bạn trẻ trước những tấm hình đẹp, tôi tự mình trả lời được về sự tồn tại của 789 nói riêng và Zone 9 nói chung. Trong khi H., chủ của nhãn hàng May, nói không gian Zone 9 là sự cộng hưởng cho những sản phẩm giàu sáng tạo.
Cạnh 789, cà phê Tem Phiếu cũng là một địa điểm thú vị. Với rất nhiều món đồ cũ được trưng bày, Tem Phiếu đưa lại cho khách hàng của mình cảm giác khi ngồi trong một cửa hàng giải khát quốc doanh một thuở, bên những chiếc bàn dán giấy báo. Gần đó, MStudio gây ấn tượng với những dây xích sắt trên cánh cổng và một cặp đôi ma nơ canh đứng bên nhau như thể đang tỏ tình.
Ở khu vực gần cổng ra vào, quán bar Fuse rõ ràng đang trong quá trình sửa chữa với bề bộn vật liệu. Nhưng gần đó, các quán cà phê và điểm giải trí khác vẫn hoạt động nhộn nhịp. Một minh chứng là bãi trông xe hầu như luôn đầy ắp cả ôtô và xe máy, dưới sự quản lý của khoảng 10 nhân viên bảo vệ.
Tất cả những điều đó khiến cho Zone 9 mang đến cảm nhận về một sự gắn kết đầy thú vị, giữa kinh doanh và nghệ thuật.
Zone 9 thuộc quyền sở hữu của Công ty Dược phẩm Trung ương 2. Một nguồn tin nói rằng khu đất rộng tới hơn 11 ngàn m2 này đã nằm trong một kế hoạch chuyển đổi thành một khu phức hợp bất động sản trong tương lai.
Nhưng trước mắt, kế hoạch này chưa thực hiện được vì nhiều lý do, và Dược phẩm Trung ương 2 đã cho Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thành Đạt thuê lại, để từ đó cho các khách hàng lẻ thuê kinh doanh. Trước đó, trang thiết bị, máy móc của Dược phẩm Trung ương 2 đã được chuyển đi theo kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội thành.
Cho dù hạ tầng của Zone 9, gồm các tòa nhà cũ đã xuống cấp khá nhiều, có thể thấy rằng về kết cấu xây dựng chung vẫn còn khá ổn, thậm chí còn tốt hơn nhiều khu tập thể đang được sử dụng khác tại Hà Nội. Khai thác tạm thời một khu vực như vậy trong khi chưa xây dựng dự án mới là một giải pháp có thể chấp nhận được thay vì… bỏ hoang.
Đây là câu chuyện không mới của thế giới. Rất nhiều khu bỏ hoang đã được khai thác để xây dựng nên các khu nghệ thuật (art district) để giới nghệ sỹ và công chúng có được một không gian “giá rẻ” để hoạt động.
Nhưng, điều bất ngờ là có những khu nghệ thuật như vậy đã hình thành, phát triển và chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài vì chính quyền ở đó chấp nhận nó như một phần không thể thiếu của thành phố, như trường hợp khu 798 tại Bắc Kinh, SoHo ở Mỹ hay Shoreditch ở Anh.
Trong ý nghĩa đó, việc Viện Goethe mới đây đã cùng Đại sứ quán Đức tổ chức sự kiện “Berlin trong lòng Hà Nội” với nhiều tiết mục nghệ thuật, chiếu phim và nghênh đón Thị trưởng Berlin tại Zone 9 là một điểm nhấn đặc biệt. Không chỉ vậy, Zone 9 cũng đã và đang nhận được sự quan tâm của các sứ quán và tổ chức nước ngoài khác từ sự kiện này.
Một số hoạt động có tính chất ngoại giao thậm chí đã được lên kế hoạch tại đây, như tiệc của sứ quán Pháp nghênh đón các cựu sinh viên du học và làm việc tại Pháp, tiệc cuối năm của Đại sứ quán Đức, buổi họp thường kỳ của hiệp hội những người nói tiếng Đức…
Ứng xử trước thảm kịch
6 người chết trong một tai nạn lao động là một con số đau đớn, giữa thời điểm Zone 9 đang đi những bước đầu tiên đáng chú ý để có thể hình thành nên một “art district” của Hà Nội, dẫu chỉ là tạm thời.
Gần như ngay lập tức, xuất hiện hai luồng dư luận: luồng thứ nhất đòi dẹp bỏ, đóng cửa ngay lập tức Zone 9 vì đó là một nơi tiềm ẩn thảm họa; luồng thứ hai ủng hộ sự tồn tại của Zone 9, nơi mà cuộc chơi nghệ thuật và kinh doanh còn đang ở giai đoạn khởi đầu.
Có lẽ, nhiều người trong giới chức chính quyền đã nghĩ đến chuyện đóng cửa Zone 9 như một giải pháp an toàn trước công luận.
Ở chiều ngược lại, những tiếng nói tỉnh táo hơn cho dù cũng… yếu thế hơn, đã và đang liên tục đưa ra trong một tuần qua. Họ cho rằng xóa sổ Zone 9 thì dễ, xóa bỏ thành quả của bao người đã và đang xây dựng nên Zone 9 là một bất công. Lập luận của họ là không thể vì 10.000 người chết mỗi năm mà đóng cửa những con đường quốc lộ, hay không thể vì những công nhân bị rơi từ tòa nhà Kengnam mà bỏ hoang tòa nhà cao nhất Hà Nội.
Trên mạng, những người đã và đang hoạt động tại Zone 9 gọi nhau là “anh em khu 9”. Họ bày tỏ sự đoàn kết và mong muốn cùng nhau đưa ra thông điệp để bảo vệ Zone 9. Chiều tối ngày thảm họa 19/11, rất đông các thành viên Zone 9 đã có mặt tại trụ sở công an để mong ngóng quyết định của nhà chức trách và cùng nhau bàn bạc kế hoạch khắc phục sự cố. Một cuộc họp khẩn được tổ chức sáng hôm sau và khoản tiền ban đầu 20 triệu đồng đã được quyên góp để hỗ trợ các nạn nhân.
Cũng đúng với tinh thần nghệ thuật, một buổi hòa nhạc với chủ đề “Vững tin khu 9” để tưởng niệm các nạn nhân và gây quỹ nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng với gia đình những người bị tai nạn đã được tổ chức tại Viện Goethe cuối tuần qua với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ.
Một thông cáo của nhóm các “anh em khu 9” mới được phát đi cho rằng vụ hỏa hoạn “đã đưa đến quyết tâm của từng hộ sinh hoạt văn hóa và kinh doanh trong Zone 9 là phải cẩn trọng hơn nữa trong mọi dự án và công trình thi công”. Thông cáo cũng nói rằng, Zone 9 không chỉ quy tụ quán ăn hay cà phê, mà còn là văn phòng và cơ sở của nhiều nhà thiết kế thời trang, các nghệ sĩ, giới hoạt động văn hóa và nhiều kiến trúc sư và nhà kết cấu xây dựng.
“Họ am tường về kết cấu của các tòa nhà, và biết rằng tuy cũ nhưng Zone 9 là một địa điểm có thể được tái tạo an toàn cho những hoạt động văn hóa, giáo dục và giải trí cộng đồng thú vị. Việc quan trọng là nhìn nhận đúng nguyên nhân của tai nạn là do con người để không còn có trường hợp nào như thế nữa”, thông cáo nhấn mạnh.
Zone 9 đã bắt đầu mở cửa trở lại vào sáng 24/11, cho dù trước đó từng có những kiến nghị “đóng cửa toàn bộ”. Nhiều nghệ sỹ hy vọng, các giá trị văn hóa của Zone 9 sẽ được giới chức chính quyền xem xét một cách nghiêm túc, thay vì chỉ nhìn về Zone 9 như là một khu kinh doanh thuần túy, trước khi lô đất này có thể chính thức về tay một nhà đầu tư tư nhân trong thời gian tới.
Theo VnEconomy