1. Thông tin VFF treo thưởng cho thầy trò tướng Phúc tại SEA Games 27 lại một lần nữa khiến nhiều người phải giật mình. Giật mình bởi cái thói quen dễ làm hư người, giờ đây người ta lại phải dùng đến để "đánh thức" lòng tự hào, quyết chiến vì màu cờ sắc áo của những con người trẻ.
Đừng biến việc treo thưởng thành một cuộc ngã giá. Ảnh: SN |
Như một thông lệ, mỗi kỳ SEA Games hay AFF Cup đến, VFF lại rầm rộ lên kế hoạch treo thưởng cho đội tuyển, hay U23 Việt Nam nếu đạt được những danh hiệu này, huy chương kia.
Thói quen chẳng mấy hay ho ấy đã khiến dư luận có cảm giác, dường như đó là sự mặc cả giữa trách nhiệm của một công dân phục vụ Tổ quốc với món hàng được bày bán ngoài chợ.
Và người ta sẵn sàng ra giá đối với lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của một công dân bằng vài tỷ, hay hàng chục tỷ đồng để đổi lấy một danh hiệu nhỏ xíu nào đó.
2. Bóng đá, đơn thuần là một trò chơi, giải trí, nhưng bây giờ đã trở thành một cuộc đua thương mại. Tuy nhiên, bóng đá chưa bao giờ là cứu cánh duy nhất cho một quốc gia nào cả.
Nếu, bóng đá là sự sống, là con đường mở lối thoát cho nghèo đói, cho lạm phát hay hàng loạt vấn đề dân sinh nhức nhối, có lẽ Brazil đã trở thành một cường quốc, chứ không phải là Mỹ, là Nga.
Thành thử ra, dù có như thế nào, có bao nhiêu danh hiệu lớn trên Thế giới đi chăng nữa, đất nước chủ nhà của World Cup 2014 sắp diễn ra vẫn có những câu chuyện rất "đời".
Các chàng trai, hãy chiến đấu bằng lòng nhiệt huyết, tự hào từ trong chính trái tim mình! Ảnh: SN |
Tức nghèo đói, tham nhũng, lạm phát, bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên mà bóng đá không thể giải quyết nổi, ngoại trừ những niềm vui diễn ra trong 90 phút, hoặc hơn một chút nếu có được danh hiệu nào đó.
3. U23 Việt Nam có xứng đáng nhận thưởng, nếu có được những danh hiệu hay không? Câu trả lời là có, rất xứng đáng, nhưng rõ ràng không phải là treo thưởng để chiến đấu, mà ngược lại phải cống hiến để được ghi nhận.
"Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc", có lẽ nên là khẩu hiệu cho các tuyển thủ U23 Việt Nam vào lúc này.
Hoặc những câu chuyện về lính đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 cũng nên lồng ghép vào trong những buổi học chiến thuật, thay cho câu chuyện phải tiểu xảo thế nào, câu giờ ra sao mới đúng.
Nhưng tiếc rằng, câu chuyện về trách nhiệm, hay lòng tự tôn dân tộc đã bị phớt lờ (hoặc là quá ít) trong bóng đá Việt, nên để những đôi chân đi theo cái đầu hơn, họ phải có những cam kết, lời hứa bằng tiền...
Theo VNN