Với giới trẻ, hào quang hấp dẫn của bóng đá làm họ phát sinh ảo tưởng ngang bằng với những người hùng khi tham dự cuộc chơi. Với nhiều người, máu đỏ đen đã thấm vào huyết quản và giấc mơ làm giàu nhanh bằng cách lấy tiền từ túi người khác bỏ vào túi mình đã thành cơn lốc xoáy cuốn họ vào đường banh xoáy. Hơn thế nữa, các tổ chức, đường dây cá cược như vòi bạch tuộc có đủ chiêu trò để thu hút, lừa đảo người chơi…
Sinh viên nghèo cũng “đua”
Dạo quanh các con phố cầm đồ ở Hà Nội, những người xuất hiện nơi đây hầu hết là những thanh niên và rất nhiều sinh viên (SV) của các trường đại học trên địa bàn Thủ đô. Một SV Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tên Thế cho biết, mùa bóng đá này trong giới SV chỗ nào cũng có cá độ với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Trường hợp như Minh Hoan – SV năm thứ hai Trường Thương Mại, đầu tiên chỉ cá nhau những bữa ăn đêm, bốn người mỗi lần chỉ mất khoảng hơn 100 ngàn đồng, nhưng thua liên tiếp vài lần là hết veo số tiền đóng trọ, tiền ăn cả tháng. Hoan lại vay bạn bè để “phục thù”, rồi bắt đầu tập tọe cá độ online qua các hàng quán ở cổng trường. Ăn được trận đầu tưởng “ngon”, cậu lao vào chơi tiếp tới hôm thua sạch, còn con xe Wave cũ bố mẹ tích cóp mua cho để đi học và đi làm cũng “bay” nốt ra hàng cầm đồ.
Còn có những trường hợp cả đời không cờ bạc đỏ đen, rủ nhau đi xem bóng đá tại những quán cà phê bóng đá đêm, thấy không khí cá độ ở đó cũng tặc lưỡi làm “vui vui” 1 – 2 triệu đồng, không ngờ sau đó lao luôn vào vòng cá độ vì tính hiếu thắng. Như trường hợp của Toàn và Huy, hai anh em làm cùng công sở, rủ nhau vào một quán cà phê trên đường Đê La Thành xem bóng đá, thấy nhiều người đang rôm rả bàn bạc về tỉ lệ kèo, độ bóng chấp nên cũng lân la đánh vui tại quán. Ngay lần đầu đã thua nên họ ấm ức muốn “phục thù”, từ đó trở thành khách hàng thường xuyên của quán. Mỗi giờ bóng lăn, những đồng tiền đi làm vất vả đều từ túi chui hết ra quán cà phê.
Những ai muốn đổi đời bằng trò may - rủi này cần có một phút suy ngẫm, cân nhắc, đấu tranh trong bản thân rằng: Có nên hay không trong việc đổi đời mà không tốn một giọt mồ hôi hay nước mắt nào?
Giấc mơ hoang tưởng “mang nhà người xây WC nhà mình”
Mỗi con bạc thâm niên luôn có một ước mơ là “mang nhà người khác về xây WC nhà mình”. Cuộc chơi không có lúc nào ngừng, đã thắng lại muốn thắng thêm, thua thì lao vào “cày kéo” gỡ lại. Chung, sinh năm 1982, nhà ở trong con hẻm trên phố Khâm Thiên, bố mất sớm, từ nhỏ đã ngỗ ngược theo chúng bạn đánh nhau, dần dần cũng có số má, chẳng môn cờ bạc nào mà chưa sa ngã vào. Làm được bao nhiêu tiền, Chung đặt cho chủ bóng cá độ. Tới khi có được tài khoản riêng trên mạng, gã vừa tự chơi cá cược vừa xem đây là phương tiện kiếm tiền trở thành một “chủ bóng” cấp 2.
Mỗi khi nhận tiền cược của khách, gã không bao giờ vào “độ” ngay mà thường lì lợm chờ đến khi tỉ lệ chấp tiền có lợi nhất mới nhập số tiền cho khách. Như thế, ngoài khoản “cài cắm” ban đầu, gã đã chặn tiền cược của con bạc, nhờ thế mà mua được ô tô, sắm nhiều vật dụng đắt tiền và thỏa sức ăn chơi nhảy múa. Con bạc chơi bao nhiêu, chọn cửa nào gã cũng nhận. Số tiền đó gã chỉ vào “độ” trong tài khoản một phần, còn lại phần lớn gã trực tiếp ăn thua với người chơi. Không ít lần Chung vừa hể hả thắng cược vừa tự sướng, tin tưởng khả năng dự đoán trận đấu của mình.
Nhưng tiền cờ bạc dễ đến cũng dễ đi, chẳng mấy chốc “xe pháo” của Chung cũng tan theo mây khói. Đánh đâu chết đấy, nhiều thua nhiều, ít thua ít, rồi những gì mua sắm được cũng lần lượt “đội nón” ra đi, Chung sa vào nợ nần, vay mượn khắp nơi, lấy của người này đập cho người khác.
Trận chung kết cup C1 mùa giải 2012 – 2013 cũng chính là trận đặt dấu chấm hết cho cuộc đời cá độ của Chung. Thời điểm này gã đã bán hết những gì mình có và nợ thêm gần 1 tỷ đồng. Sau đêm thua toàn bộ cửa trên, Chung luôn bị chủ nợ truy tìm đòi thanh toán, dọa nạt mẹ già, thậm chí đổ cả chất thải vào nhà để đe dọa. Gã phải chốn chui lủi, nhà có mà không dám về. Mẹ già phải bán căn nhà 3 tầng hơn 100m2 trả nợ cho con.
Tiền “đè chết người” cũng ra đê
Nhiều người có dư tiền thì xem cá độ bóng đá là thứ tiêu khiển thể hiện đẳng cấp dân chơi, khoe “trình” của mình là dân độ chuyên nghiệp. Điều này dễ mà khó! Đầu tiên, phải có thời gian tạo dựng niềm tin với nhà cái một “bóng sáng” (nghĩa là nhà cao cửa rộng, tiền nhiều không phải nghĩ). Không ngờ, vòng xoáy của những trận bóng lại dễ cuốn đi cả nhà cửa, xe cộ.
Hùng Cọt (sinh năm 1984, con một đại gia bất động sản Hà Nội) là dân độ có tiếng tăm và “pro” (chuyên nghiệp) bậc nhất Hà thành. Gia đình từng có hàng chục căn nhà mặt phố lớn cho ngân hàng thuê, 20 tuổi đã lấy vợ, Hùng được bố mẹ chu cấp, mua cho căn biệt thự nằm trên con phố chính giữa nội đô, xe hơi đầy đủ. Không trò cờ bạc nào chưa trải qua nhưng Hùng lại khoái nhất cá độ bóng đá. Theo tỷ lệ, đánh lô 1 chọi 4, đánh đề 1 chọi 70, đánh xóc đĩa tỷ lệ cũng như đánh bóng đá nhưng phải ngồi đánh ở chỗ đông người. Theo Hùng, cá độ bóng đá vừa an toàn, không sợ công an “sờ gáy”.
Các chủ bạc cưng chiều Hùng như VIP bởi cái “bóng sáng” tiền “đè chết người” và cách chơi ngông. Với Hùng chỉ cần một cái chứng minh nhân dân cũng có thể vay được vài trăm triệu đồng. Từ năm 2006 khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, Hùng đã mải mê chơi bời cá độ mỗi ngày lên tới hàng trăm triệu đồng. Chơi cá độ bóng đá theo kiểu đại gia, Hùng mang bóng từ các chủ bóng lớn, lúc nào cũng cầm sẵn hai mạng bóng khác nhau, tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng nhưng Hùng chỉ chơi cho chính mình chứ không phải vừa chơi vừa kiếm tiền như Chung nói trên.
Hùng đánh lớn tới mức chủ bóng chỉ cần ngồi ăn tiền “phế” (là tiền chênh lệch chủ bóng cắt lại từ các kèo độ bóng) một tuần kiếm được từ mạng bóng của Hùng cũng đủ để mua một chiếc xe máy đẹp. Số tiền Hùng thua cược ngày càng nhiều nên ô tô, hai cửa hàng mua bán hàng hiệu được bố mẹ đầu tư cho cứ lần lượt vút theo những trái bóng đỏ đen. Lúc đầu chỉ đánh những trận bóng của những giải lớn như Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha nhưng càng đánh càng thua, Hùng ngồi mạng cày gỡ tới những trận bóng đá nữ không tên tuổi. Lắt nhắt mỗi nơi một ít, cửa nào có thể vay mượn được Hùng đều vay hết, chịu lãi cao mấy cũng mượn. Không xoay được ở đâu, Hùng bắt đầu quay sang nã bố mẹ trả nợ cho mình.
Thương con, bao lần mẹ Hùng giấu tiền cho con đi trả nợ nhưng rồi bao nhiêu cũng hết. Vợ Hùng cũng chỉ quen ăn sung mặc sướng, chỉ nghĩ tới chơi bời và làm đẹp, sau thời gian Hùng hết tiền, bê bết, cô vợ trẻ cũng chạy về nhà ngoại, tới năm 2011 thì chính thức ly hôn. Kết cục mấy năm của dân độ “pro” như Hùng là mất nhà cửa, mất ô tô, xe máy, cửa hàng, gia đình tan nát, vợ bỏ đi mang theo cả con trai bé bỏng. Bố mẹ Hùng hiện tại vẫn mạnh về tiền nhưng với cậu con trai “phá gia chi tử” thì không cho một xu.
Theo Báo Pháp luật