Dzeko và các đồng đội vẫn chỉ là "học việc" tại Champions League.
Khó có thể thấy tội nghiệp cho một đội bóng có nguồn lực tài chính gần như số 1 thế giới bóng đá, đã chi tiêu một cách thoải mái, một hành động mà những nhà quản lý bóng đá nghĩ là khó chấp nhận, tới mức họ đã bị UEFA áp đặt án phạt 75 triệu bảng.
Hình phạt dành cho Man City là một sự trớ trêu của bóng đá hiện đại: nếu họ dám chi quá nhiều tiền để mua cầu thủ, UEFA sẽ còn bắt họ chi thêm nữa để đóng phạt. Nhưng đó là một thực tế với bóng đá châu Âu ở thời điểm này. Mọi thứ có thể thay đổi và sửa chữa bằng tiền, và dù cho UEFA có nỗ lực tới đâu, các đại gia vẫn sẽ cố thủ trong công sự bằng những đồng bảng, hay những đồng euro của họ.
Tuy nhiên, tiền không mua được tất cả, một câu sáo ngữ quen thuộc mà Man City lại phải nghe sau thất bại 0-1 của họ trước Bayern Munich sáng nay. 5 năm Man City mua sắm cầu thủ điên cuồng nhờ tiền dầu mỏ của những ông chủ thuộc gia đình hoàng gia Abu Dhabi đã giúp mang về 2 chức vô địch Premier League và một đội hình tràn ngập ngôi sao. Có điều, Man City vẫn chưa ở đẳng cấp cao nhất của châu Âu.
Joe Hart thất vọng khi Man City thất bại trước Bayern Munich đêm qua.
Dù Man City vô địch Premier League mùa trước và ghi tới 102 bàn, nhiều hơn 34 bàn so với đội đứng thứ tư là Arsenal, nhưng chính Arsenal chứ không phải Man City mới được xếp vào nhóm hạt giống của Champions League mùa này, dựa trên thành tích quá khứ. Đó là lý do tại sao đội bóng áo xanh lại rơi vào bảng tử thần của giải thêm một lần nữa, với Bayern, nhà cựu vô địch 2013, cùng Roma và CSKA Moscow. Arsenal ở cùng bảng với Borussia Dortmund (họ vừa thua 0-2 hôm thứ Ba), Anderlecht và Galatasaray.
Rủi ro chờ đợi Man City ở mỗi lượt đấu. Arsenal, trong khi đó, chỉ thua do tự bắn vào chân mình. Quá trình phân loại hạt giống vòng bảng Champions League của UEFA đã hứng chịu nhiều chỉ trích trước kia, và với Man City, kẻ đã dùng tiền để tạo ra sự bất công chưa từng có về tài chính ở bóng đá châu Âu, thì về khía cạnh này họ lại đang cảm thấy bị đối xử bất công.
Lẽ ra, UEFA phải chọn những nhà vô địch quốc gia là hạt giống. Xét cho cùng, đây là giải đấu với tên gọi “Giải của những nhà vô địch”, nhưng rồi sức mạnh tiền bạc đã khiến họ phải đảm bảo những đội quen mặt của giải được đối xử tốt hơn, và những ai muốn gia nhập tầng lớp quý tộc sẽ phải trải qua giai đoạn phấn đấu đầy khó khăn, thật ra gần như là không thể.
Dàn sao Man City sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để khẳng định mình.
Đó là lý do tại sao chúng ta có tới 32 đội dự Champions League hiện giờ, và 28 trong số đó đã góp mặt ít nhất 9 lần trong cả lịch sử giải đấu theo thể thức mới. Cũng đã xuất hiện tin đồn về việc thay đổi hệ thống phân loại hạt giống, nhưng không có gì chắc chắn. Sự bất công vốn dĩ là bản chất của bóng đá.
Hệ thống chia thưởng của Champions League cũng dẫn tới hố phân cách giàu nghèo và đẳng cấp ngày càng lớn, khi các đội tiến xa sẽ có nhiều tiền hơn để trở lại đó, để rồi tiến xa hơn. Hết năm này tới năm khác, sự tích tụ lợi thế của những đại gia khiến cho ngay cả sức mạnh tài chính của Man City cũng không giúp họ chen chân được vào đẳng cấp cao nhất, chứ đừng nói những kẻ góp mặt cho vui như BATE, Basel hay APOEL.
Thật ra, mối quan hệ tiền bạc-bóng đá không có gì phức tạp. Bóng đá do tiền bạc quyết định, ngay cả ở quy mô toàn cầu. World Cup, vốn cố tỏ ra là giải đấu mang tính quốc tế, hòa hợp và dân chủ nhất, cũng chứng kiến 31 trong 32 đội ở Brazil 2014 từng góp mặt tại Nam Phi năm 2010.
Bạn không thể mua bán cầu thủ ở các ĐTQG, nhưng bạn có thể “mua bán” quyền đăng cai giải đấu, khiến nhiều tranh cãi đã xảy ra trong việc trao quyền tổ chức World Cup cho Qatar. Vì thế, Man City có lẽ cũng không phải than phiền quá nhiều. Họ đã không mua được đẳng cấp ở Champions League bằng tiền, hay đúng hơn, họ vẫn chưa bỏ đủ tiền.
Theo Bóng Đá Plus