Làm văn… lạc đề
Như chúng tôi từng đề cập, quyết định của VFF đưa đoàn thanh tra về quê của Công Phượng để xác minh tuổi thật của cầu thủ này là quyết định… không cần thiết.
Thứ nhất, với một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF, họ không có chức năng điều tra về nhân thân của một con người, càng không có chức năng kết luận giấy tờ liên quan đến nhân thân của con người ấy đúng hay sai.
Thứ hai, công tác thanh tra của VFF vô ích ở chỗ nó không có gì mới. Tất cả quá trình tìm hiểu của họ đều đã được đoán trước, những giấy tờ mà họ tiếp cận cũng đã được công bố trước đó rồi. Nói chung, VFF trong quá trình thanh tra chỉ làm lại những cái việc mà người khác đã làm và đã biết trước kết quả.
Điều quan trọng nhất mà người ta cần ở một cuộc thanh tra, và nếu VFF đã vào cuộc thì phải làm cho ra ngô ra khoai điều ấy, cần tìm câu trả lời cho con số 1995 ghi là năm sinh của Công Phượng trên các loại giấy tờ mà thanh tra VFF nhìn thấy có chính xác hay không?
Công Phượng đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất của sự nghiệp.
Riêng chi tiết này lại không thấy đoàn thanh tra VFF đề cập, cũng không thấy họ đi tìm hiểu con số 1995 này. Thế nên, công tác thanh tra của VFF có lẽ không khác những cậu học sinh làm văn lạc đề.
Đề tài mà người ta cần được đề cập, cần được nhắc đến thì lại không thấy nhắc, trong khi cái chuyện mà người ta cần được biết nơi một đoàn mang tiếng là đi thanh tra thì lại bị VFF ngớ lơ, hoặc không nắm hết tính chất của sự việc, trước khi không làm rõ.
Và như đã nói, VFF không có chức năng và cũng không có đủ công cụ để điều tra nhân thân của một con người. Thành ra, ngay từ đầu, tổ chức này đừng lập nên cái đoàn thanh tra ấy. Lẽ ra, họ phải nhờ cơ quan có thẩm quyền vào cuộc bằng một động thái quyết liệt theo cách khác, rồi chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền, trước khi báo cáo lên cấp trên, công bố ra dư luận dựa theo kết luận ấy. Đằng này, VFF tự làm hết, trước khi càng làm càng… lố.
Rốt cuộc thì Công Phượng sinh năm bao nhiêu?
Cho đến giờ cũng không có câu trả lời. Rốt cuộc thì tất cả những giấy tờ đã được công bố liên quan đến Công Phượng, có giấy nào đáng tin không? Hiện tại cũng không ai có câu trả lời chính xác.
Và một khi giấy tờ của mình chưa có gì đáng tin, chưa chắc chứng minh được tuổi của mình, Công Phượng là thủ phạm hay là nạn nhân?
Tự Công Phượng có tạo nên những giấy tờ ấy hay không? – Câu này xem ra dễ trả lời hơn. Thành ra, có lẽ cũng không có mấy người trách Công Phượng trong chuyện này. Có trách, nên trách những người lớn đã đẩy tài năng trẻ (dù Công Phượng có 19 hay 21 tuổi thì vẫn là trẻ) của bóng đá Việt Nam vào hoàn cảnh hiện tại.
Có quá nhiều người muốn mượn Công Phượng và lứa U19 (tạm gọi vậy đi, dù cho bây giờ có thể cũng đã có ý kiến khác nhau về chuyện tuổi 19 của lứa ấy) để nổi tiếng, mượn cái mác “con ngoan, trò giỏi” của lứa ấy làm bàn đạp để đánh bóng chính mình, để che mờ đi những yếu kém trong toàn bộ hoạt động của mình ở các khâu khác. Thành ra, cũng đừng trách dư luận khi họ đang cố chứng minh Công Phượng và các cầu thủ đồng trang lứa chẳng hoàn mỹ như người ta đang cố tô vẽ.
Người lớn đã hố to khi tập trung toàn bộ kỳ vọng của cả nền bóng đá vào một lứa cầu thủ, vào một học viện duy nhất – điều có lẽ chỉ tồn tại ở Việt Nam. Chẳng ở đâu trên cả thế giới này, tương lai của cả nền bóng đá nằm trong đôi chân của những cầu thủ U19, cũng chẳng ở đâu người ta tôn thờ một cầu thủ trẻ như một tượng đài bóng đá như ở Việt Nam. Người ta quên (hay cố tình quên) rằng một cầu thủ chỉ được đánh giá là giỏi khi nào cầu thủ ấy tỏa sáng ở những sân chơi không kể tuổi.
Nếu người lớn làm đúng quy trình ấy, đừng đốt cháy giai đoạn, để cho Công Phượng và các cầu thủ cùng trang lứa phát triển một cách bình thường, có lẽ câu chuyện Công Phượng sinh năm nào không bị đẩy đi xa đến vậy!
Giờ này, người thiệt thòi nhất vẫn là Công Phượng, đặc biệt thiệt thòi về mặt tâm lý, trong một câu chuyện mà lỗi xuất phát không phải từ em!
Theo Dân trí