Trong chuyến về nước nghỉ ngơi, Học viện huấn luyện viên bóng đá Nhật Bản đã mời ông Miura chia sẻ với đồng nghiệp quê nhà về những thử thách, khó khăn khi làm việc tại dải đất hình chữ S. Những năm gần đây, một số huấn luyện viên (HLV) người Nhật Bản tới làm việc tại các nền bóng đá ở khu vực châu Á, trong đó ông Miura được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội U23 và tuyển Việt Nam từ tháng 5/2014.
Mở đầu buổi chia sẻ, HLV Miura nhắn nhủ tới các đồng nghiệp: "Làm bóng đá ở Việt Nam khó hơn các bạn nghĩ, vì mục tiêu của bóng đá Đông Nam Á rất khác Nhật Bản".
HLV Miura cùng giảng viên bóng đá - ông Shinya Fukutomi (phải) chia sẻ tại Học viện các huấn luyện viên. Sau buổi nói chuyện, ông cùng các đồng nghiệp thống nhất về quan điểm "Việt Nam phải hướng tới sân chơi lớn châu Á, Olympic và World Cup thay vì tranh đua cấp độ khu vực Đông Nam Á". Ảnh: C.U.A |
Sau khi nhậm chức, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) giao cho chiến lược gia sinh năm 1963 nhiệm vụ đưa đội tuyển vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, cụ thể là giành chức vô địch AFF Cup và SEA Games. Tuy nhiên, theo quan điểm riêng của HLV người Nhật Bản, Việt Nam đủ sức để cạnh tranh tại Vòng loại World Cup và Thế vận hội (Olympic).
"Thắng hoặc hòa các đội hàng đầu châu lục mới là cách để Việt Nam nâng tầm của mình trên bản đồ bóng đá thế giới, bởi các giải AFF Cup và SEA Games chỉ được tính như các trận giao hữu trên hệ thống của FIFA", ông Miura giải thích.
"Tôi đánh giá cầu thủ Việt Nam có tố chất tốt. Cụ thể, chúng tôi đã có cơ hội giành chiến thắng trước các đội bóng hàng đầu châu Á như Iran, Iraq và UAE... Tôi nghĩ Việt Nam nên tự tin để đối mặt với các đội bóng mạnh hơn tại châu lục, chứ không nên lấy đội hàng đầu Đông Nam Á Thái Lan làm thước đo", ông Miura thẳng thắn nhận xét.
Các đồng nghiệp của ông Miura tại Học viện huấn luyện viên cũng cho rằng, các nước hàng đầu châu Á như Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều muốn cạnh tranh ở đấu trường World Cup. Việt Nam cần tiếp cận sự phát triển của bóng đá thế giới để thăng tiến.
Sau hơn 1 năm dẫn dắt bóng đá Việt Nam, HLV Miura thất bại trong cả 4 lần chạm trán Thái Lan. Tuy nhiên, ông cùng các học trò từng gây chấn động tại ASIAD 2014 khi thắng Iran với tỷ số 4-1. Sau đó, HLV từng dẫn dắt 6 câu lạc bộ ở Nhật Bản lần đầu tiên đưa bóng đá nam Việt Nam vào tứ kết giải châu Á. Mới đây, ĐT Việt Nam có trận hòa trên thế thắng trước Iraq ở Vòng loại World Cup 2018.
"Để giành chiến thắng trước các nước châu Á có trình độ cao hơn, chúng tôi cần cải thiện và nỗ lực để giải quyết những điểm yếu. Thời gian tới, tôi muốn tìm thêm những ý tưởng để thay đổi lối chơi của tuyển Việt Nam", ông Miura chia sẻ.
Tháng 12 tới, U23 Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị cho Vòng chung kết U23 châu Á 2016. Thầy trò HLV Miura nằm ở bảng D gồm Jordan, Australia và UAE.
Vòng chung kết U23 châu Á 2016 diễn ra từ 12 đến 30/1/2016, tại Qatar. AFC sẽ chọn 3 đội bóng mạnh nhất đại diện cho châu Á tham dự Olympic 2016 diễn ra tại Brazil.
Một số khó khăn, trải nghiệm mà HLV Miura chia sẻ với các đồng nghiệp Nhật Bản khi làm việc tại Việt Nam:
- Tôi không thể gọi tên chính các cầu thủ, vì vậy gặp khó khăn trong việc chỉ đạo trên sân.
- Bất đồng ngôn ngữ và phải dùng phiên dịch cũng là khó khăn không nhỏ. Đôi khi cầu thủ không hiểu hết được ý tưởng nên tôi phải nhắc lại nhiều lần.
- Ở Việt Nam cũng ăn cơm và có nền nông nghiệp khá giống Nhật Bản. Tại thủ đô Hà Nội, có khoảng 10.000 người Nhật đang sinh sống và làm việc. Bởi vậy, nhà hàng và các món ăn Nhật Bản khá phổ biến.
Theo Zing