1/ Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi). Đây chắc chắn là VĐV hay nhất trong năm của thể thao Việt Nam, khi cô trở thành hiện tượng của đường đua xanh nước nhà tại mọi giải đấu mà cô tham dự. Báo chí Singapore gọi Ánh Viên là “cô gái thép”, bởi Ánh Viên gần như là VĐV duy nhất trong vòng nhiều năm qua, trở thành nỗi ám ảnh đối với các kình ngư Singapore – vốn là cường quốc hàng đầu của bơi Đông Nam Á. 8 HCV, 8 kỷ lục SEA Games, 16 HCV giải vô địch quốc gia, 2 HCB, 1 HCĐ cúp thế giới, có cảm giác hễ Ánh Viên lao xuống nước là cô lại bước lên bờ với huy chương, thường là màu vàng.
Ánh Viên xứng đáng là VĐV Việt Nam số 1 trong năm |
2/ Nguyễn Thị Huyền (điền kinh). Nếu như chiến thắng của Ánh Viên trên đường đua xanh là chiến thắng được dự báo từ trước, thì các chiến công của Nguyễn Thị Huyền trên đường chạy điền kinh là một bất ngờ. Giành 3 HCV SEA Games 2015 ở các nội dung 400m, 400m rào và 400m tiếp sức nữ, phá 1 kỷ lục, giành 2 chuẩn dự Olympic Rio 2016, Nguyễn Thị Huyền giúp cho điền kinh Việt Nam có kỳ SEA Games thành công nhất lịch sử, với tổng cộng 11 HCV, tiếp tục giữ được thế mạnh của chúng ta ở môn này.
Nguyễn Thị Huyền có lẽ cũng chỉ xếp sau Ánh Viên về sự xuất sắc |
3/ Lý Hoàng Nam (quần vợt). Không tham dự SEA Games, cũng không có thành tích nổi bật tại đại hội này như hầu hết các VĐV khác, nhưng Lý Hoàng Nam vẫn nổi bật trong năm, với thành tích đáng nói nhất chính là ngôi vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015 (cùng với Sumit Nagal - Ấn Độ). Thành tích của Hoàng Nam là thành tích mà trước đó chưa có VĐV nào của chúng ta thực hiện được, và sau này cũng khó có người khác thực hiện. Cũng từ thời điểm này, Lý Hoàng Nam sẽ gia nhập một cột mốc mới, đó là đánh quần vợt nhà nghề, thay vì chỉ đấu các giải trẻ như trước đây.
Ít người ngờ rằng Lý Hoàng Nam (trái) lại vô địch đôi nam trẻ Wimbledon |
4/ Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ). Dù không thật nổi bật như các năm trước, do không có HCV ở các giải đấu cấp độ thế giới hay châu Á, nhưng Phan Thị Hà Thanh vẫn là cái tên đáng chú ý của thể thao nước nhà. Ở SEA Games 2015 trên đất Singapore, cô gái này giành 3 HCV, trở thành một trong những VĐV Việt Nam thi đấu tốt nhất ở Đại hội thể thao Đông Nam Á.
5/ Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ). Một VĐV khác của môn thể dục dụng cụ tỏa sáng trong năm đó là Đinh Phương Thành. Thậm chí, so với Phan Thị Hà Thanh, Phương Thành còn giành nhiều hơn 1 HCV tại SEA Games 2015 (Phương Thành có 3 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội). Hiếm khi thể dục dụng cụ Việt Nam đồng đều như lúc này, nhờ có sự xuất hiện của một thế hệ VĐV đầy tài năng, đáng chú ý nhất là Phương Thành và Hà Thanh.
6/ Nguyễn Ngọc Trường Sơn (cờ vua). Kỳ thủ hàng đầu Việt Nam bất ngờ đăng quang ở nội dung cờ nhanh, tại giải vô địch cờ vua châu Á 2015 (diễn ra ở UAE). Là hạt giống số 2 của giải (hạt giống số 1 là Lê Quang Liêm), Nguyễn Ngọc Trường Sơn khởi đầu không tốt. Nhưng càng đánh kỳ thủ này càng tỏ rõ sự kiên trì, trước khi đánh bại hàng loạt đối thủ mạnh ở những trận cuối, rồi đăng quang ngôi cao nhất. Thành tích này một lần nữa là sự khích lệ đối với Nguyễn Ngọc Trường Sơn, VĐV gặp khá nhiều trắc trở ở các bước phát triển khác nhau trong sự nghiệp, nhưng càng về sau càng ổn định và càng chững chạc.
Nguyễn Ngọc Trường Sơn vô địch nội dung cờ nhanh giải châu Á |
7/ Nguyễn Công Phượng (bóng đá). Không nổi bật về mặt thành tích, nhưng Công Phượng lại nổi bật ở khía cạnh là người của công chúng. Đây có lẽ là VĐV nổi tiếng nhất của thể thao Việt Nam hiện tại. Cái tên Công Phượng đủ sức hâm nóng các sân bóng trong nước, trong bối cảnh mà trước giờ các sân bóng Việt Nam thưa vắng khán giả. Nếu nhắc đến các VĐV nêu trên là nhắc đến thành tích của hiện tại, thì nhắc đến Công Phượng là nhắc đến niềm hy vọng của tương lai, nhất là hy vọng sẽ mang về HCV cho bóng đá nam Việt Nam ở SEA Games 2017.
Công Phượng (10) không có thành tích nổi trội về mặt chuyên môn, nhưng lại là VĐV có sức thu hút khán giả rất lớn |
8/ Lâm Quang Nhật (bơi). Một gương mặt khác là niềm hy vọng của tương lai chính là Lâm Quang Nhật. Không giành quá nhiều HCV như Ánh Viên, nhưng Quang Nhật nổi bật ở khía cạnh giành vàng ở nội dung cực khó: 1.500m bơi tự do nam, nội dung được đánh giá giống như marathon trong môn điền kinh. Lần thứ 2 liên tiếp Quang Nhật thống trị nội dung này, và lần sau lại phá sâu kỷ lục hơn lần trước.
9/ Nguyễn Thị Thật (xe đạp). Một trong những tấm HCV đáng chú ý nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2015 thuộc về Nguyễn Thị Thật. Số là ban đầu trọng tài chỉ cho VĐV của chúng ta có HCB. Tuy nhiên, ngay ở đích đến, các phóng viên Việt Nam có mặt tại đường đua đã cung cấp video và hình ảnh cho thấy VĐV Thái Lan Jutatip trước khi về đích đầu tiên đã cố tình ép xe Nguyễn Thị Thật, tức là phạm luật rõ ràng. Trước phản ứng mạnh và có lý của chúng ta, BTC phải thay đổi quyết định để công nhận HCV cho Nguyễn Thị Thật. Từ thành tích này, Thật cũng trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên sau những 14 năm, giành HCV ở nội dung xuất phát đồng hàng.
10/ Nguyễn Thị Mộng Quỳnh (Taekwondo). Một cái tên hoàn toàn xa lạ với người hâm mộ thể thao Việt Nam nói chung. Dù vậy, đây được đánh giá là một trong những võ sĩ triển vọng nhất trong tương lai, lặp lại hình ảnh của Hoàng Hà Giang ngày nào. Những ngày cuối năm 2015, Mộng Quỳnh có vinh dự bất ngờ, khi trở thành 1 trong 2 VĐV được đề cử là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2015, bên cạnh ngôi sao cực kỳ nổi tiếng Ánh Viên. Mộng Quỳnh được đề cử nhờ thành tích giành 1 HCV và 1 HCB giải Taekwondo trẻ châu Á.
Theo Dân Trí