HLV Miura giống như đang chơi trò “oẳn tù tì” ở U23 Việt Nam để tìm ra gương mặt sẽ thay thế Quế Ngọc Hải đeo băng đội trưởng.
Sáu trận đấu, 9 cầu thủ lần lượt được thử nghiệm ở cương vị này. Thế nên, cũng không lạ nếu có ý kiến cho rằng, nhà cầm quân người Nhật đang bối rối ở khâu tưởng chừng như đơn giản nhất đối với bất cứ đội bóng nào.
Hoặc, nếu mượn lời của HLV Lê Thụy Hải thì: “Thế giới không ai làm như ông Miura cả”.
Dường như phong thái “bí ẩn và ngày càng tỏ ra nguy hiểm” trong cách huấn luyện của chiến lược gia sinh năm 1963 đang đi đến đoạn cao trào, sau khi ông từng khiến tất cả bị việt vị rất nhiều lần với ý đồ phán đoán mình đang làm gì.
Cũng có thể hiểu động thái của HLV Miura theo nghĩa tích cực hơn, rằng ông lần lượt trao băng thủ quân cho 9 cầu thủ để khuyến khích tinh thần và sự nỗ lực của họ.
Nhưng bất luận thế nào, sự thật là đến lúc này U23 Việt Nam vẫn chưa có ai đủ tầm để lấp vào khoảng trống của Quế Ngọc Hải, cả theo ý nghĩa của một trung vệ giỏi lẫn một thủ quân cừ.
Dù sắp bước vào VCK U23 châu Á nhưng HLV Miura vẫn chưa chọn ra cầu thủ sẽ thay thế vai trò của Quế Ngọc Hải. |
Và HLV Miura cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải so “bó đũa” trong tay ông để chọn lấy “cột cờ”.
Từng có rất nhiều phán đoán về việc ai sẽ là tân đội trưởng của U23 Việt Nam, từ Thanh Hiền, Mạnh Hùng đến Thanh Bình, Hữu Dũng và mới nhất là Duy Khánh.
Nhưng nếu nhìn lại hành trình chuẩn bị của thầy trò HLV Miura, không ai khá hơn Công Phượng.
Ở lần đầu tiên đeo băng đội trưởng U23 Việt Nam, Công Phượng cùng đồng đội đã cầm hòa CLB Cerezo Osaka. Đó cũng là màn thể hiện tốt nhất của các học trò HLV Miura tính đến thời điểm này.
Xét theo phương diện cá nhân, đấy còn là 90 phút mà Công Phượng đã thể hiện khá tốt hình ảnh của một thủ lĩnh, tương tự những gì NHM chứng kiến ở anh trong màu áo U19 Việt Nam.
Với bàn tay bị quấn băng vì vết đau chưa lành, nhưng tiền đạo của HAGL đã hoạt động rất xông xáo. Hầu như mọi đợt lên bóng của U23 Việt Nam đều qua chân Công Phượng.
Một lần, anh nằm sân đau đớn vì pha vào bóng của đối phương trong hiệp 2, nhưng Công Phượng vẫn đứng dậy để dẫn dắt đồng đội tìm kiếm bàn gỡ hòa 2-2 trước CLB Nhật Bản.
Công Phượng đã đảm nhiệm khá tốt vai trò đội trưởng trong trận giao hữu U23 Việt Nam - CLB Cerezo Osaka. |
Bằng chứng thuyết phục nhất tô điểm cho vai trò quan trọng của Công Phượng chính là những nhận xét của HLV CLB Cerezo Osaka sau trận đấu:
“Cậu ta có bước chạy rất vững vàng, kỹ thuật khéo léo và biết đánh trúng vào điểm yếu nơi hàng phòng ngự của chúng tôi.
Thông qua cách các cầu thủ U23 Việt Nam giao tiếp trên sân và tập trung bóng cho cậu ta, tôi còn thấy rằng Công Phượng nhận được sự nể trọng từ phía đồng đội”.
Chưa cầu thủ nào trong tay HLV Miura nhận được những lời khen như vậy.
Và nếu nhìn lại sự tiến bộ vượt bậc, những màn thể hiện ấn tượng của Công Phượng thời gian qua, kèm theo danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, sẽ không khó trả lời cho câu hỏi: “Ai xứng đáng đeo băng đội trưởng của U23 Việt Nam lúc này?”.
Trừ phi HLV Miura vẫn tỏ ra “bí ẩn và nguy hiểm”!
Một tiêu chí rất quan trọng của cầu thủ đeo băng đội trưởng trong các trận đấu quốc tế là phải sử dụng được ngoại ngữ và có những kỹ năng nhất định để giao tiếp với giới truyền thông.
Đây cũng là khía cạnh Công Phượng vượt trội so với nhiều đồng đội ở U23 Việt Nam, nhờ phông văn hóa được hình thành qua quá trình giáo dục bài bản ở Học viện HAGL Arsenal JMG.
Theo Soha