ĐT Bắc Ireland hướng tới EURO: Sự lạ lùng của một nền bóng đá

Thứ hai, 23/05/2016, 08:56
Tại Bắc Ireland, nhiều người chẳng vui vẻ gì khi thấy đội tuyển chiến thắng. Rất nhiều hàng quán cấm khách bước vào với chiếc áo hoặc hình ảnh logo ĐTQG. Được hâm mộ nhất ở Bắc Ireland là Glasgow Rangers, một CLB của... Scotland.

LỤC/TRẮNG LÀ... LỤC/TRẮNG NÀO?

Ngày 8/10/2015, người hâm mộ tại Belfast đổ xô ra đường với chiếc áo màu xanh lục, hoặc cả bộ trang phục lục/trắng để chào đón một chiến thắng huy hoàng. Đấy là ngày Bắc Ireland thắng Hy Lạp và chính thức đoạt vé dự VCK EURO 2016. Một thành tích lịch sử, xứng đáng với màn chào đón chiến thắng suốt đêm?
Hẳn nhiên rồi. Nhưng cánh báo chí nước ngoài hôm ấy phải thận trọng tối đa mỗi khi phỏng vấn. Đấy cũng là ngày mà ĐT Ireland oanh liệt quật ngã những nhà vô địch World Cup Đức, cũng ở vòng loại EURO 2016 (và Ireland sau này cũng có vé dự VCK, qua ngả play-off). Đấy đồng thời lại là lúc mà tại nước Anh, một đội tuyển Ireland hợp nhất vừa vượt qua được vòng bảng World Cup 2015 trong môn rugby.
“Bắc Ireland ư? Mặc kệ. Chúng tôi chỉ chào mừng chiến thắng của đội Ireland”! Một cổ động tại viên Belfast lớn tiếng trước ống kính truyền hình, rồi nói tiếp: “Đội tuyển bóng đá Ireland, và đội tuyển rugby Ireland nữa”.
Vài tuần sau, trường đại học Ulster tổ chức trưng cầu ý kiến và công bố: 54% số người tham gia nói rằng chỉ họ muốn thấy một đội Ireland hợp nhất trong môn bóng đá. Đội tuyển rugby được xem như một điển hình thành công.
Và đâu chỉ có thế. Các VĐV Bắc Ireland dự Olympic trong màu áo đoàn thể thao Ireland. Còn trong môn bóng đá, cầu thủ sinh ra ở Bắc Ireland có quyền chọn màu áo Ireland, vì họ đã sẵn có quốc tịch nước này. James McClean hoặc Darron Gibson ở vòng loại EURO 2016 là những trường hợp như thế.
VÌ SAO HỔ DANH TIỀN BỐI?
Bắc Ireland có giải VĐQG đứng thứ 3 và LĐBĐ đứng thứ 4 trên thế giới, xét về thâm niên. Đội tuyển nước này đã thi đấu quốc tế từ cách nay 134 năm. Ngay cả FIFA cũng không có quyền sửa luật bóng đá. Muốn sửa điều gì, phải được ít nhất 6/8 thành viên của Hội đồng luật bóng đá thông qua.
Và Bắc Ireland luôn có 1 thành viên trong hội đồng ấy. Xem ra, cái mà những nền bóng đá hùng mạnh khác có được và đáng tự hào, mà người ta gọi là “truyền thống”, thì với Bắc Ireland, đấy là cả một “di sản”. Nhưng sức mạnh của bóng đá Bắc Ireland lại quá tương phản với cái di sản đồ sộ ấy.
Khó tưởng tượng hơn, di sản bóng đá của Bắc Ireland chính là cái gai đáng ghét nhất mà phần đông dân số Bắc Ireland chỉ muốn bẻ quách, suốt nhiều thập kỷ qua. Một phần nguyên nhân nằm ở sự phân hóa nêu trên. Đấy là vấn đề chính trị, là lịch sử.
Phần lớn người dân Bắc Ireland muốn họ thuộc về Vương quốc Anh, nhưng những người chỉ xem mình là dân Ireland cũng không phải ít. Lại thêm vấn đề tôn giáo: sự xung khắc giữa hai cộng đồng Tin Lành và Công Giáo ở Bắc Ireland - có mối quan hệ chặt chẽ với sự xung khắc về chính trị vừa nêu - đã dẫn đến không biết bao nhiêu cuộc bạo động, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, suốt nhiều thập kỷ qua. Sân bóng chính là nơi phải chứng kiến những cuộc “đụng độ” thường xuyên nhất.
Riết rồi dân chúng ngán ngẩm, chỉ muốn bỏ quách khái niệm “bóng đá Bắc Ireland” cho xong. Vì suy cho cùng, cuộc sống đâu phải chỉ có bóng đá. Dân số ít (1,8 triệu, lại bị phân hóa nặng nề) và sự phổ biến của môn rugby là những nguyên nhân khác làm cho bóng đá Bắc Ireland không khá nổi.
NÀO TA CÙNG XEM... RANGERS - CELTIC
Mỗi khi các đội bóng nổi tiếng nhất ở Bắc Ireland - như Glentoran, Linfield, Portadown - ra sân, khán giả cũng chỉ lèo tèo xấp xỉ 1.000. Các đội khác còn thảm hơn: vài trăm người đến sân, xem đấy như một cơ hội gặp gỡ hơn là xem bóng đá và cổ vũ đội nhà. “Đội nhà” thật sự của giới hâm mộ Bắc Ireland là Celtic (đại diện cho cộng đồng Công Giáo) và Rangers (thuộc phe Tin Lành) ở Scotland.
Mọi người đều biết, cặp Rangers - Celtic với tên riêng “Old Firm” một thời luôn được xếp vào danh sách các trận derby khét tiếng nhất thế giới (phải nói “một thời” vì Rangers lừng lẫy với hơn 100 danh hiệu đã phá sản cách đây vài năm, giờ chỉ thi đấu ở giải hạng Nhì Scotland).
Kỳ thực, sự thù hằn giữa hai nhóm cổ động viên Rangers và Celtic ở Bắc Ireland lại được thể hiện mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn ở Scotland. Hệ lụy: với dân ghiền bóng đá ở Bắc Ireland thì bóng đá Scotland đáng xem hơn cả.
Đã thế, cũng không nhất thiết cứ phải chờ trận “Old Firm” (cặp đấu này đã không còn nữa, kể từ khi Rangers bị xử rớt hạng vì vỡ nợ). Giới hâm mộ bóng đá ở Bắc Ireland có khi lại chọn Liverpool hoặc M.U “cho lành”.
Bóng đá Bắc Ireland mà không chết yểu mới lạ. Cầu thủ Bắc Ireland chủ yếu chơi bóng tại Anh, nhưng phần lớn chỉ được khoác áo các đội bóng nhỏ hoặc ở đẳng cấp thấp. Ngoài chuyện sinh ở Belfast, huyền thoại George Best đâu có bất kỳ mối liên quan nào để được xem là một sản phẩm của bóng đá Bắc Ireland!
CẤM MẶC ÁO ĐTQG NƠI CÔNG CỘNG
Toàn bộ các quán bar ở khu vực trung tâm Belfast, cùng rất nhiều chốn công cộng khác, có quy định cấm người ta mặc áo đội tuyển Bắc Ireland. Từng có chuyện ông bố Stuart Meikle phải ngồi trong xe chờ con, khi ông ta chở hai đứa con nhỏ đến một khu vui chơi cho trẻ em và bị nhân viên bảo vệ bắt thay áo.
Đấy là vì chiếc áo đội Bắc Ireland bị xem là một biểu tượng tôn giáo và chính trị. Người mặc áo muốn cổ súy Tin Lành, chống Công Giáo? Muốn cổ súy Vương Quốc Anh, chống lại Cộng hòa Ireland? Tất nhiên, có rất nhiều người kịch liệt chỉ trích sự quy kết này. Dù sao đi nữa, luật vẫn là luật. Và không phải tự nhiên người ta phải đặt hẳn cái luật... kỳ cục như vậy ở Belfast.
VÀI NÉT VỀ ĐỘI TUYỂN BẮC IRELAND:
- Vị thứ trong bảng xếp hạng FIFA: 28 (cao nhất: 27, tháng 4/2009. Thấp  nhất: 129, tháng 9/2012).
- Trận đấu đầu tiên: Ireland 0 - 13 Anh (18/2/1882).
- Trận thắng đậm nhất: Ireland 7 - 0 Xứ Wales (1/2/1930).
- Trận thua đậm nhất: Ireland 0 - Anh 13 (18/2/1882).
- HLV trưởng: Michael O’Neill.
- Thủ quân: Steven Davis.
- Cầu thủ được tuyển nhiều nhất: Pat Jennings (119 lần, 1964-1986).
- Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất: David Healy (36 bàn, 2000-2013).

Theo Bóng Đá

Các tin cũ hơn