Tờ Nhân dân Nhật báo hôm 16/12 chạy dòng tít lớn: "Đừng dùng tiền cầm cố tương lai". Đây giống một lời khẩn xin. Bài viết này được đăng tải sau khi truyền thông râm ran tin đồn đội bóng Hebei China Fortune sẵn sàng chi nửa tỷ euro để có chữ ký siêu sao Lionel Messi.
Bài viết cũng cảnh báo các nhà làm bóng đá Trung Quốc đang mù quáng trên con đường thay đổi bộ mặt nền bóng đá nước nhà. Khoan hãy nói đến phi vụ của Messi, có vẻ đất nước nghìn triệu dân sắp chào đón Oscar và Carlos Tevez. Tổng giá trị chuyển nhượng tầm 100 triệu euro.
Oscar của Chelsea nhiều khả năng sang Trung Quốc vào năm 2017. |
Đó chưa phải tất cả. Ngay cả khi không thành công với Messi, người Trung Quốc sẽ lôi kéo Edinson Cavani và Wayne Rooney. Sau năm 2016, Trung Quốc tiếp tục khiến châu Âu nơm nớp lo âu. Họ nổi lên như một đối thủ nặng ký sẵn sàng cạnh tranh với bất kỳ đối thủ nào trong kỳ mua sắm 2017.
Tờ South China Morning Post không ấn tượng với cách làm bóng đá như vậy. Phóng viên James Porteous phân tích các ông chủ hậu thuẫn tiền bạc cho các đội bóng chỉ đang cố làm hài lòng Chủ tịch Tập Cận Bình, một fan cuồng bóng đá và khao khát biến Trung Quốc thành siêu cường trong làng túc cầu.
Trên ESPN, chuyên gia Gabriele Marcotti mô tả những dự án rồi kế hoạch thực hiện của Trung Quốc giống như đơn phương phục vụ cho một quyền lực tối cao nào đó. Đó còn chưa kể những bí ẩn chính trị đằng sau các thương vụ trị giá hàng chục triệu USD.
Với người Trung Quốc, những bản hợp đồng vài chục triệu bảng không phải vấn đề quá to tát. Ảnh: BBC Sport. |
"Không cần phải là chuyên gia kinh tế để thấy rằng các ông chủ chỉ muốn lấy lòng Chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu ngài Chủ tịch muốn phát triển môn bóng rổ hay rugby, thế là người ta lại thấy một làn sóng đổ xô thực hiện chỉ đạo của nhà lãnh đạo".
Tại vòng loại World Cup 2018, tuyển Trung Quốc xếp chót bảng A với chỉ 2 điểm, kém đội đầu bảng Iran khoảng cách 9 điểm.
Cách vung tiền của người Trung Quốc không hề được truyền thông đánh giá cao. Nhân dân Nhật báo kêu gọi đã tới lúc cơn điên này phải dừng lại. Trong bài viết, họ vạch trần sự thật về giải Vô địch quốc gia Trung Quốc lúc này thiếu chuyên nghiệp trong cấu trúc, tổ chức và cả điều kiện cơ sở vật chất.
Theo đó, thay vì ném tiền vào thị trường chuyển nhượng, các CLB nên có định hướng đào tạo trẻ và kế hoạch dài hạn. Những ngôi sao cập bến Trung Quốc như lữ khách dừng chân để bỏ vào va-li khoản tiền kếch xù sau đó rời đi không chút dấu ấn. Hệ quả của điều đó còn kéo theo những rạn nứt nội bộ.
Messi đang được CLB Trung Quốc nhắm tới. |
"Cuộc đổ xô của những ngôi sao ngoại sẽ khiến tâm lý các cầu thủ Trung Quốc thay đổi. Khi nhìn thấy những đồng đội nước ngoài lãnh mức lương cao ngất ngưởng, điều này tác động đến tư tưởng nội binh. Lúc đó, họ chỉ biết dựa dẫm vào các tên tuổi nước ngoài", James Porteous viết.
Cuối bài viết, Nhân dân Nhật báo cảnh báo nếu bóng đá Trung Quốc tiếp tục mù quáng, họ chỉ tạo ra một giấc mơ ảo tưởng. Nhưng mặc cho điều đó, cơn điên mua sắm của bóng đá Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Gần đây, tiền đạo Carlos Tevez trả lời Tyc Sports rằng có khả năng sẽ rời Boca Juniors.
|
Trong khi đó, hãng tin BBC quả quyết xác suất tiền vệ Oscar của Chelsea sang châu Á thi đấu lên tới 90%. Người Trung Quốc đang dùng tiền để mua tương lai, còn các đội bóng châu Âu và châu Mỹ cũng không cưỡng lại được sự cám dỗ.
Mới đây, đại diện của tiền vệ Lucas Lima người Brazil thừa nhận không thể từ chối lời đề nghị từ Trung Quốc. Lucas Lima là ai? Đó là cầu thủ 26 tuổi khoác áo Santos, có 13 lần khoác áo tuyển Brazil và đang được Hebei quan tâm.
Theo Zing