Nhà đương kim vô địch AFF Cup đang thị uy sức mạnh với chuỗi 5 trận toàn thắng, ghi 12 bàn và để thủng lưới chỉ 2 bàn tại giải năm nay. Trong 4 trận liên tiếp, thầy trò Kiatisak chưa để thua bàn nào. Ngay cả đối thủ Indonesia trong trận chung kết cũng thảm bại 2-4 trước Thái Lan ở vòng bảng.
Lúc 19h00, trận chung kết lượt đi AFF Cup 2016 giữa Indonesia và Thái Lan sẽ diễn ra trên sân Pakansari (Indonesia). Đây là nơi ĐT Indonesia từng hạ Việt Nam 2-1 tại bán kết AFF Cup. |
Sau vòng bán kết AFF Cup, có tới 6 cầu thủ Thái Lan góp mặt trong đội hình tiêu biểu do hãng tin ESPN bình chọn. Điều đó trở thành minh chứng hùng hồn nói lên màn trình diễn của những ngôi sao Thái Lan xuất sắc thế nào.
Thái Lan quá mạnh so với phần còn lại của AFF Cup 2016. |
Chuyên gia PJ Roberts của ESPN tuyên bố không đối thủ nào cản bước được Thái Lan lúc này. "Cách người Thái chơi bóng toát lên điều gì đó rất đẳng cấp. Họ đưa vào trận đấu thứ bóng đá khiến đối phương bị cuốn theo nhịp độ trên sân. Thái Lan cũng sở hữu nhiều nhân tố xuất sắc", PJ Roberts phân tích.
Từ nhân lực đến lối chơi, nhân sự tới HLV, người Thái không có đối thủ. Cách duy nhất để cản bước họ là tự bắn vào chân mình. Nhưng tất cả chỉ là bề nổi. Báo Straitstimes phân tích thành công của giải vô địch quốc gia (Thai Premier League) đang chắp cánh cho ĐTQG vươn xa hơn và có thể “tấn công” châu Á.
Hồi đầu năm, cựu thành viên Therdsak Chaiman của tuyển Thái Lan phân tích sự phát triển của giải Thai Premier League (TPL) trở thành nền tảng phát triển đội tuyển quốc gia. Giải TPL đã soán ngôi của S.League (Singapore) để trở thành sân chơi số 1 khu vực.
Chính sự đầu tư đúng đắn khi tư nhân hóa giải quốc nội từ năm 2009, khuyến khích các đội bóng địa phương tham gia vào giải Thai Premier League và cổ xúy các CLB tuân theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt đã giúp Thái Lan hình thành giải đấu hùng mạnh với khát khao thách thức châu Á.
Thái Lan chỉ bị cản bước nếu tự bắn vào chân mình. |
Nhiều tập đoàn lớn như Toyota, Mazda và bia Chang cũng liên tục bơm tiền tài trợ giải TPL. Điều này giúp các CLB nhận được khoản ăn chia rất hấp dẫn để hoạt động. Tháng trước, một Chiangrai United ít tiếng tăm vẫn chi tới 1,4 triệu USD để mua về hậu vệ 23 tuổi Tanaboon Kesarat từ Muangthong United.
Ngoài ra, các CLB cũng rất tâm lý khi trả lương hậu hĩnh cho cầu thủ. Một cái tên hạng xoàng có thể nhận trung bình 4.000 USD/tháng. Con số này cao hơn ở Singapore 1000 USD. Với những quân bài nằm trong ĐTQG, họ bỏ túi 15.000 USD/tháng.
Thu nhập ổn định, cầu thủ không còn lăn tăn chuyện cuộc sống bấp bênh. Tất cả những gì họ cần là tập trung cho bóng đá.
"Giải TPL giúp các cầu thủ có suy nghĩ chuyên nghiệp hơn. Từ đó, họ cũng cảm thấy bóng đá là nghề an toàn", HLV Kiatisak của tuyển Thái Lan nói với báo The Sunday Times. Ông cũng chỉ ra sức mạnh của giải TPL biểu trưng cho một ĐTQG vượt trội về đẳng cấp so với các quốc gia lân cận.
Thành công của giải TPL tạo ra cho Thái Lan một đội tuyển hùng mạnh. |
Còn theo Chaiman, người Thái có niềm kiêu hãnh về cách làm bóng đá. Họ chú trọng sâu sắc vào giải trong nước, khuyến khích các đội bóng địa phương lên tham gia tranh tài chuyên nghiệp. Hướng đi này khác so với Singapore, từng phạm sai lầm lớn khi gửi đội LionsXII sang Malaysia thi đấu.
Khi các cầu thủ giỏi ở giải quốc nội không còn, người hâm mộ bắt đầu quay lưng. Rồi ngay cả chuyện mời những CLB nước ngoài như Brunei DPMM, Albirex Niigata, Beijing Guoan hay Dalian Shide tới tranh tài ở Singapore cũng không mang đến tín hiệu tích cực.
"Nếu thay một CLB nước ngoài bằng trong nước, bạn sẽ có 40 hoặc hơn những cầu thủ chuyên nghiệp. Cơ hội cho các tài năng trẻ mở ra. Một lượng lớn binh lực dồi dào cung cấp cho ĐTQG cũng xuất hiện", Chaiman phân tích.
Từ thực tế Thái Lan sở hữu giải TPL ổn định và giàu mạnh, rất nhiều những giá trị lớn lao đang ẩn chứa sau đó và chỉ còn chờ khai quật. ĐTQG cũng lột xác và nuôi tham vọng thoát khỏi vùng trũng. Họ đã thành công khi vào tới vòng loại cuối cùng của World Cup 2018.
Theo Zing