Sau 2 tuần trở về trung tâm Hàm Rồng (Gia Lai) tập luyện, chấn thương của Tuấn Anh chưa có dấu hiệu bình phục. Đầu gối phải của tiền vệ quê Thái Bình vẫn đau mỗi khi cử động.
Theo phác đồ điều trị của bác sĩ từ Thái Lan, sau 1 tháng tập luyện, nếu chấn thương của Tuấn Anh không thuyên giảm sẽ phải phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
"Hai tuần nữa Tuấn Anh sẽ quay lại Thái Lan để kiểm tra. Nhiều khả năng, cậu ấy phải tiến hành phẫu thuật để trị dứt điểm chấn thương", lãnh đạo CLB HAGL chia sẻ.
Thống kê về những cống hiến của Tuấn Anh trong màu áo đội tuyển Việt Nam năm 2016. Đồ họa: Trí Mai. |
Trước đó, trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2016, tiền vệ người Thái Bình đã được chữa trị bằng hàng loạt biện pháp khác nhau. Đầu tiên, anh được tiêm huyết tương giàu tiểu cầu để đẩy nhanh tiến trình hồi phục. Khi tới Myanmar, Tuấn Anh phải hút dịch. Sau đó, vì phản ứng thuốc, chân anh bị phù và phải tiêm kháng sinh.
Ngày 24/11 vừa qua, Tuấn Anh được CLB HAGL đưa sang Thái Lan để khám và điều trị chấn thương gối.
Hiện tại, Tuấn Anh vẫn nuôi hy vọng không phải phẫu thuật, bởi nếu lên bàn mổ, tiền vệ của HAGL sẽ phải nghỉ thi đấu từ 3 đến 6 tháng mới có thể trở lại tập luyện.
Tuấn Anh từng bị vỡ sụn chêm mức độ 25% và đứt dây chằng trước trong một buổi tập cận Tết Nguyên đán 2012.
Tiền vệ sinh năm 1996 mất 6 tháng điều trị trước khi trở lại sân cỏ. Chính vì chấn thương này, Tuấn Anh phải bỏ lỡ cơ hội thử việc tại CLB Olympiakos (Hy Lạp), theo lời giới thiệu của HLV Wenger.
Trước thềm SEA Games 28 ở Singapore, Tuấn Anh tái phát chấn thương đầu gối (viêm cơ nhị đầu đùi) từ ngày 12/5. Sau gần 1 tuần điều trị theo giáo án riêng, Tuấn Anh xin rời đội tuyển vì chấn thương không kịp phục hồi.
Theo Zing