Lúc đó ông Hải đang ở thời đỉnh cao với Bình Dương chứ chẳng lận đận như bây giờ.
Ngồi trong căn phòng đầu hồi cửa mở toang, ông chỉ ra hành lang nói: “Đấy, làm huấn luyện viên là phải kiêm làm bảo vệ, mình mở cửa thế này để đứa nào đi chơi về trễ cũng ngại. Lại còn làm cả công việc tính toán chia tiền thế nào cho công bằng, chia cho những ai. Phải biết cách phân tích sao cho lãnh đạo hiểu khi cần. Cầu thủ nó buồn mình phải làm bác sĩ tâm lý, nó giận mình phải thỏ thẻ… khổ hơn chó ấy chứ oách gì”.
Đó cũng là lý do mà ông Hải khẳng định rằng, các huấn luyện viên ngoại rất khó làm được ở môi trường V-League bởi họ quá Tây trong công việc lẫn mối quan hệ.
HLV Lê Thụy Hải
Chuyện xưa lơ xưa lắc thời bóng đá chập chững lên chuyên nghiệp, sau hơn chục năm giờ phải gọi bằng “cụ” của chuyên nghiệp, ấy thế mà huấn luyện viên vẫn khổ.
Danh sách huấn luyện viên bị ra đi ngày càng dài, Lê Thuỵ Hải “dính chưởng” rời Bình Dương khi mùa giải 2012 chưa bắt đầu, Đặng Trần Chỉnh rời Bình Dương khi giai đoạn 1 kết thúc, Lư Đình Tuấn mất chức ở Sài Gòn FC, Trần Kim Đức từ chức khỏi Bình Định và ông Nguyễn Thành Vinh phải rời khỏi Hà Nội…
Và như mọi lần, chuyện ra đi của các huấn luyện viên ở giải đấu quốc nội luôn được ông bầu lý giải bằng thành tích, còn người hâm mộ thừa hiểu rằng, họ ra đi bởi bị “lật” là chính. Thầy có tài mấy mà cầu thủ không chịu đá thì cũng chết.
Mà chuyện không chịu đá vì cho rằng chiến thuật của huấn luyện viên không phù hợp với mình, có mà đầy. Cách dễ nhất là báo chấn thương. Thế mới có chuyện, cách đây vài năm lãnh đạo đội Nghệ An ức quá khi hàng loạt cầu thủ chủ chốt báo đau, họ cho xe chở các cầu thủ ra tận Hà Nội, vào viện để khám cho ra bệnh gì. Cuối cùng chỉ có một bệnh duy nhất: “đau đầu”.
Ngay như khi đánh giá về thành công của ông Calisto, ngoài chuyện chuyên môn, chính các cầu thủ cũng thừa nhận rằng họ rất quý ông Calisto nên chơi hết mình.
Những Việt Thắng, Tài Em, Minh Phương hay Thành Lương sẵn lòng chịu đau để vào sân dưới thời ông Calisto, nhưng với ông Goezt lại khác. Việt Thắng xin rút, Minh Phương xin thôi, Tài Em chơi chả thấy lửa đâu cả… Đương nhiên, cái gì cũng có qua có lại, ông Calisto cũng nổi tiếng là biết “chơi” với cầu thủ.
Hiện nay, hàng loạt đội bóng đang chơi ở giải quốc nội không có huấn luyện viên thực thụ, các trợ lý được đưa lên làm “thuyền trưởng”, thậm chí như ở Sài Gòn FC thì nhà môi giới kiêm giám đốc điều hành cũng được dùng đến, miễn là người có quyền thích, chuyên môn, tài năng tính sau.
Chả sao, cần gì đến nền tảng, đến chất lượng hay sự trung thực. Thấy vậy, vài huấn luyện viên lại cám cảnh rồi chợt cảm thán chả khác gì ông Hải “lơ” ngày xưa.
Ngẫm cho cùng, các huấn luyện viên buồn “hơi quá” ấy chứ, nào phải chỉ có bóng đá mới có chuyện, chả cần bằng cấp chuyên môn vẫn có thể làm quản lý được. Nói thế hoá ra...
Theo SGTT