Europa League 2012 : Chung kết thời khủng hoảng

Thứ tư, 09/05/2012, 10:38
Một chân lý đã được Aziz Nesin đúc kết trong truyện Vua bóng đá, khi kinh tế khó khăn thì nhà nước sẽ chỉ đạo các báo đưa bóng đá lên trang nhất để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân, nhằm che giấu sự điều hành kém cỏi của chính phủ.

>>Đề xuất khai tử Europa League: Ít tiền, ai muốn đá
>>Lượt về Bán kết Europa League: Chung kết toàn Tây Ban Nha
>>La Liga áp đảo ở bán kết Europa League

 

Năm 2002, Argentina từng trải qua cuộc khủng hoảng nợ công còn kinh khủng hơn Hy Lạp bây giờ. Mùa hè năm đó, người Argentina cũng tạm quên đi những khó khăn thường nhật để dõi theo đội nhà tại World Cup 2002.

Nhưng khốn thay, dù được kỳ vọng lớn lao sau khi vượt qua vòng loại một cách đầy ấn tượng, song đội tuyển Argentina đã thi đấu thất vọng và thậm chí bật bãi ngay từ vòng bảng.

 

Các cầu thủ Athletic Bilbao đang dồn sức cho chiến thắng ở Europa League vì
khoản tiền đáng kể ở thời khó khăn.

 

Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, liên đoàn bóng đá không có tiền đền bù hợp đồng nên HLV Marcelo Bielsa đã may mắn không bị mất việc. Nhưng đó cũng là điều may mắn cho bóng đá Argentina, bởi nhờ tiếp tục được tín nhiệm mà hai năm sau, Bielsa đã đoái công chuộc tội bằng việc đưa đội nhà giành huy chương vàng ở Olympic Athens tại… Hy Lạp.

Và giờ, Bielsa lại đang làm nên lịch sử khi đưa Athletic Bilbao lọt vào một trận chung kết cúp châu Âu đầu tiên sau 35 năm. Còn người đối đầu với Bielsa trong trận chung kết Europa League đêm nay thì chính là học trò cũ của ông trong đội tuyển Argentina hồi World Cup 2002, cựu tiền vệ Diego Simeone.

Điều đáng nói là Bielsa cùng Simeone đã góp phần làm nên một trận chung kết toàn Tây Ban Nha, trong bối cảnh người dân nước này cũng đang muốn tạm quên đi cuộc sống khắc nghiệt khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nợ công cũng đến mức báo động gần giống như Hy Lạp hay Argentina trước đây.

Cuộc khủng hoảng đó đã khiến cựu Thủ tướng Luis Zapatero, một cổ động viên của Barcelona, mất ghế. Người lên thay, Mariano Rajoy là một cổ động viên Real Madrid, song tình hình kinh tế ảm đạm vẫn chưa được cải thiện. Nên điều an ủi duy nhất cho người Tây Ban Nha hiện giờ lại đến từ hai đội bóng cùng mặc màu áo đỏ – trắng, chứ không phải hai ông lớn giàu có Real hay Barca.

Bản thân Athletic và Atletico cũng đang gặp khó khăn về tài chính, đến nỗi đội bóng xứ Basque phải phá lệ cho phép quảng cáo trên áo đấu, còn đội bóng thủ đô thì từng vận động những nhà tài phiệt từ Việt Nam để xây sân vận động mới (tờ AS từng đưa tin ông bầu Đỗ Quang Hiển của Hà Nội T&T từng có ý định mua tên sân mới La Peineta của Atletico).

Thế nên, trận chung kết Europa League vừa có ý nghĩa về chuyên môn, danh dự này nọ, lại vừa giúp hai đội bóng có thêm một khoản kha khá để điều hành đội bóng trong cảnh nợ nần.

Và chắc chắn, trong thời điểm Athletic và Atletico tranh nhau chức vô địch thì sẽ những cuộc biểu tình đòi tăng lương, tăng mức trợ cấp sẽ tạm dừng bởi ai nấy cũng sẽ dán mắt vào màn hình truyền trực tiếp từ trận đấu ở Bucharest. Vì bóng đá luôn được coi là liều thuốc tốt nhất xoa dịu những cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế.

Nói đến đây mới sực nhớ cuối năm nay sẽ diễn ra giải vô địch bóng đá vùng trũng gọi là AFF cup. Chỉ có điều là đến giờ này đội tuyển quốc gia của ông bầu muốn mua tên sân Atletico vẫn chưa có huấn luyện viên trưởng. Thế thì còn hy vọng gì vào liều thuốc bóng đá trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhất là khi các ông bầu đã hết thích cãi nhau?

 

Theo SGTT

Các tin cũ hơn