Mở cửa sáng nay, Tập đoàn Doji và Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý ở Hà Nội có chung niêm yết 35,51 - 35,56 triệu đồng (mua vào - bán ra). Còn Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có giá cao hơn lần lượt 10.000 đồng - 20.000 đồng.
So với cùng thời điểm ngày 11/2, giá hầu như không thay đổi. Thậm chí nếu so với chiều qua, thị trường còn thụt lùi 40.000 đến 50.000 đồng một lượng. Điều này trái ngược với diễn biến tăng trên thị trường thế giới (giá vàng tại New York lên cao nhất trong vòng 3 tháng).
Nhịp điệu doanh vàng đã lặng sóng trở lại sau một ngày sôi động hôm Chủ nhật vừa rồi. |
Quy ra tiền Việt, hiện mỗi lượng vàng quốc tế có giá 32,75 triệu đồng. Mức giá này thấp hơn 2,8 triệu đồng so với niêm yết bán vàng SJC. Như vậy, chênh lệch giữa vàng "nội" và "ngoại" đã giảm đáng kể từ mức 3,6 triệu đồng cách đây một tuần.
Kể từ phiên đấu thầu lần thứ 76 ngày 31/12 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức thêm lần chào bán vàng nào. Chênh lệch giá vàng từ đầu năm 2014 dao động trong khoảng 2,8 - 3,6 triệu đồng mỗi lượng. Trước đó, trong năm 2013 cơ quan này đã bơm ra thị trường 69,9 tấn thông qua hình thức đấu thầu.
Sau khi giao dịch tăng đột biến trong ngày Thần Tài, lượng người đi mua - bán vàng trên thị trường đột ngột giảm hẳn trong hai ngày gần đây. Hôm Mồng 10/1 Âm lịch, các doanh nghiệp lớn bán được hàng nghìn lượng vàng. Tuy nhiên, ví dụ tại PNJ ngày hôm qua, lượng vàng bán ra cho khách còn 300 lượng, thay cho 5.700 lượng hôm Chủ nhật. Khách mang vàng tới bán đầu năm còn ít hơn, hàng chục cửa hàng của PNJ cả nước chỉ thu mua vào 100 lượng trong một ngày.
"Ngoại trừ dịp Thần Tài, nhìn chung nhu cầu mua bán vàng của người dân vẫn ở mức yếu. So với cuối năm 2014, lượng giao dịch hiện thấp hơn 10 đến 20%", đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Theo VnExpress