Quán cơm Nụ Cười 4 tại quận 4, TP.HCM vẫn còn nghỉ Tết. |
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Chính - thành viên Ban chủ nhiệm quán Nụ Cười 4 cho biết, lượng người ăn quá lớn và nhà hảo tâm đóng góp ít là hai nguyên nhân chính làm quán Nụ Cười 4 “hết gạo”. Mặc dù quán đã khởi động nhiều chương trình vận động kinh phí nhưng vẫn chưa tìm kiếm được nguồn thu đáng kể. Ngoài một số mạnh thường quân cố định đã đóng góp cho quán trên 50% chi phí hàng tháng từ khi mở ra chưa có nhiều nhà hảo tâm mới có khả năng đóng góp lớn trong khi lượng người tới ăn tại đây quá lớn.
Từ việc đang phục vụ khoảng 800-900 suất ăn/ngày, 6 bữa trưa/tuần, Nụ Cười 4 vừa quyết định giảm số bữa ăn xuống còn 3 bữa/tuần từ ngày 18/2.
“Chúng tôi giảm số bữa ăn xuống còn 3 bữa 1 tuần, hy vọng sẽ không phải giảm quá lâu”, ông Chính nói, “Làm từ thiện về nguyên tắc càng nhiều người đóng góp tâm sức, càng nhiều tấm lòng bá tánh càng bền vững. Nhưng voi thì quá đông mà cỏ kiếm không ra”.
Theo thông tin được công bố trên trang web của Quỹ Từ thiện tình thương, Nụ Cười 4 ra đời ngày 9/9/2013 với ngân sách khởi đầu khoảng 700 triệu đồng. Điều bất ngờ mà ban chủ nhiệm quán không dự liệu là lượng người vào ăn quá đông (800 đến 900 suất mỗi ngày, suốt 6 ngày trong tuần), nguồn đóng góp lại rất ít, các kênh truyền thông gần như không có đã đẩy quán vào tình trạng khó khăn sau hơn 3 tháng hoạt động.
“Các quán cơm Nụ Cười khác tồn quỹ vài trăm triệu đồng, chỉ riêng Nụ Cười 4 tồn quỹ chỉ còn vài chục triệu đồng”, ông Chính cho hay, “Công tác truyền thông kém nên nguồn đóng góp ít. Các hoạt động tạo nguồn thu cho quán do Quỹ Từ thiện Tình thương đã và đang nỗ lực đưa ra như chạy bộ, dự án văn nghệ gây quỹ, hát rong đường phố, bán tranh, bán bánh mì và mới đây nhất là “cơm treo"... chưa có hiệu quả”.
Chuỗi quán cơm Nụ Cười thuộc dự án hỗ trợ suất ăn giá rẻ cho sinh viên và người lao động nghèo của Quỹ từ thiện tình thương TP.HCM. Về nguyên tắc, các quán cơm Nụ Cười hoạt động độc lập với nhau về tài chính. Khi nhà hảo tâm đóng góp cho các dự án suất ăn 2.000 đồng họ có quyền chỉ định đóng góp cho quán cơm nào. Ban chủ nhiệm mỗi quán cơm đều nỗ lực vận động tài chính dựa và các kênh thông tin, các mối quan hệ riêng của mình; Tuy nhiên khi cần thiết các quán cơm vẫn hỗ trợ nhau để chia sẻ nguồn đóng góp.
Khi có quán gặp khó khăn, Quỹ mẹ (Quỹ Từ thiện Tình thương) sẽ hỗ trợ thêm một thời gian nữa cho đến khi nguồn ngân sách duy trì quán đó tiến về số 0. Quán khó khăn sẽ được đưa vào "diện cảnh báo" và bắt đầu "chế độ đếm ngược" để công khai khó khăn tài chính cho mọi người cùng chia sẻ.
Thông báo thời gian hoạt động sau Tết tại quán cơm Nụ Cười 4. |
Ngày 5/11/2013, Nụ Cười 4 lần đầu tiên bị đưa vào diện cảnh báo sắp hết tiền và bắt đầu chế độ đếm ngược chỉ còn hoạt động 29 ngày. Ngày 21/11/2013, Nụ Cười 4 được Quỹ mẹ chi viện thêm và đồng hồ đếm ngược thông báo quán còn 33 ngày. Lộ trình đóng cửa của Nụ Cười 4 nếu có, sẽ diễn ra theo thứ tự cung cấp suất ăn từ 6 ngày/tuần giảm còn 3 ngày/tuần, rồi từ từ 2 ngày 1 tuần cho đến khi dừng hẳn.
Tham khảo mô hình các quán cơm Nụ Cười hiện nay, chúng tôi được biết Nụ Cười 4 cũng khác các quán Nụ Cười khác ở cách làm. Các quán Nụ Cười 1, 2, 3, 6 ngay từ đầu đã tổ chức theo mô hình tự nấu ăn, huy động sức lao động gần như miễn phí từ các tình nguyện viên, các nguồn thực phẩm được đóng góp từ nhiều nhà hảo tâm nên giảm thiểu được chi phí cho suất ăn. Trong khi đó, Nụ Cười 4 thuê công ty ngoài nấu theo kiểu suất ăn công nghiệp và chở về quán, tổ chức bán cho người dân.
Ông Chính giải thích rằng việc tổ chức nấu ăn ở quán Nụ Cười 4 gặp khó khăn vì mặt bằng được nhà hảo tâm cho mượn thuộc một kho hàng điện tử có giá trị lớn tới hàng chục tỉ đồng nên không được nấu nướng vì đề phòng nguy cơ cháy nổ. Chi phí cho một suất ăn tại Nụ Cười 4 khoảng 15.000 đồng, với giá bán 2.000 đồng, mỗi suất ăn phải bù lỗ 12.000 - 13.000 đồng.
Trong khi đó, theo một người tham gia tổ chức nấu ăn ở một quán Nụ Cười khác, khi tổ chức nấu ăn và huy động nhân lực, thực phẩm từ nhiều nguồn thì chi phí cho mỗi suất ăn sẽ thấp hơn khá nhiều nhờ tận dụng được kênh cung ứng thực phẩm, nước mắm, nước tương, dầu ăn, gạo… từ nhà hảo tâm. Đặc biệt, với 500-800 suất ăn mỗi ngày, việc nấu một nơi và chở đến một nơi để phân phối rất phức tạp và giá thành sẽ cao hơn nấu và phân phối suất ăn tại chỗ.
Nụ Cười 4 và Ban điều hành Quỹ Từ thiện tình thương đang nỗ lực vượt qua khó khăn và kêu gọi sự đóng góp của những nhà hảo tâm. Nhưng về lâu dài, những người đang tham gia vận hành chuỗi quán cơm vẫn đang tìm cách tổ chức hiệu quả nhất để làm sao với nguồn lực ít nhất mà giúp đỡ được nhiều người nhất.
Hơn thế nữa, cần làm sao để mô hình từ thiện này không bị phá sản, được kéo dài nhiều năm và nhân rộng tại Việt Nam.
Các quán cơm Nụ Cười lần lượt mở tại TP.HCM từ 10/2012 và tính tới nay đã cung cấp khoảng 350.000 suất ăn trưa cho người gặp khó khăn.
Theo TBKTSG