Hàng triệu con gián đất Trung Quốc tiệt đường sống ở Bắc Ninh

Thứ sáu, 14/03/2014, 08:19
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay có hai hộ dân tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất với số lượng lên đến cả vạn con. Đây là việc làm bị nghiêm cấm do gián đất chưa có trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh.

Giống gián đất nhập khẩu từ Trung Quốc

Gián đất có hai loại với tên khoa học là kim biền (người dài) và địa miết trùng (người tròn tròn), được nuôi nhiều ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tô của Trung Quốc. Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xuất hiện hai hộ gia đình nuôi giống gián này đã gây ra nhiều thắc mắc cho người dân.

gián đất
Những con gián đất lúc nhúc bò trong đống thức ăn toàn cám gạo và bí ngô xay nhỏ.

Gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên (Quảng Phú - Lương Tài), là hộ gia đình đầu tiên nuôi thử giống gián đất này cho biết "Sau khi được người bạn đi Đài Loan về giới thiệu về mô hình nuôi gián đất đang rất thịnh ở Trung Quốc, gia đình tôi đã lặn lội sang bên đó tiền trạm và quyết định lấy xưởng cơ khí để làm nơi nuôi loài con trùng này. Đến tháng 8/2013, gia đình tôi giành gần 200m2 đất để nuôi hơn 1 tạ trứng giống tương ứng với cả triệu con, hiện nay chúng đã nở thành con và đang trong giai đoạn phát triển".

Do nuôi thử nghiệm nên gia đình ông Nguyên chọn mua giống địa miết trùng có giá rẻ hơn giống kim biền để gây dựng mô hình đầu tiên. Với hơn 1 tạ trứng giống gia đình ông đã tiêu tốn khoảng gần 100 triệu đồng còn nếu mua giống kim biền thì chi phí đắt gấp đôi, gấp ba.

Theo chuyên gia nuôi gián đất, người Trung Quốc gốc Việt - Giang Triệu Vinh (58 tuổi), hiện đang giúp gia đình ông Nguyên chăm sóc loài gián này cho biết: "Gián đất là loại dễ nuôi, ban đầu chỉ cần một ít vôi trộn lẫn với đất, cám ngô, cám gạo cho vào khay hoặc chậu nhựa để ươm trứng (trứng nhỏ màu đen giống hình hạt dưa hấu); sau vài tháng trứng sẽ nở thành con và phát triển dần trong vòng 6-7 tháng và trải qua 11 lần lột xác là có thể thu hoạch được. Gián đất là loài ăn tạp nên có thể kết hợp giữa các loại cám ngô, gạo, rau xanh và bí ngô xay nhỏ vài ngày loại cho ăn một lần nên không tiêu tốn nhiều tiền của".

Ông Vinh còn cho biết thêm, loài gián này có nguồn gốc từ Trung Quốc, do một người thanh niên do bị tại nạn không làm gì được nên ở nhà tự nghiên cứu và nuôi, trong quá trình nuôi gián bò sang nhà hàng xóm nên người dân biết sau đó hỏi kinh nghiệm và nuôi rồi phát triển khắp mọi nơi. Còn con giống này có nguồn gốc như thế nào thì ông Vinh cũng không được rõ.

Nhân rộng giống biến thành hàng Việt Nam... xuất sang Trung Quốc

Gia đình ông Nguyên bắt đầu nuôi đến nay đã gần 7 tháng nhưng con gián mới chỉ bé như con ruồi. Trước đó, sau khi sáng Trung Quốc nghiên cứu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi gián đất và kiếm tìm đầu ra của loại côn trùng này. Khi về nước ông Nguyên đã được 3 người Trung Quốc sang ăn - ngủ - nghỉ với gián ở xưởng nuôi của nhà ông Nguyên để giúp ông cách chăm sóc.

gián đất
Những con gián khô - thành quả của việc nuôi gián đất của gia đình ông Nguyên sẽ được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Sau gần 5 tháng, hai người Trung Quốc đã về nước và không thấy quay trở lại, hiện chỉ còn một mình ông Giang Triệu Vinh là còn ở lại tiếp tục giám sát việc phát triển của những con gián ở đây. Lí giải cho việc chậm trễ phát triển như lúc ban đầu đã nói ông Vinh cho biết, gián đất phát triển tốt nhất là vào thời điểm mùa hè, khoảng tháng 5, tháng 6 nên phát triển đúng thời gian. Gia đình ông Nguyên bắt đầu nuôi vào đúng dịp rét nên gián phát triển chậm hơn.

Ông Vinh còn khẳng định nếu gián phát triển chậm như thế này sẽ thuận lợi cho việc xuất ra ngoài thị trường vì gián càng phát triển chậm càng có giá trị. Cũng chính vì điều này nên gia đình ông Nguyên rất tin tưởng và hàng ngày vẫn chăm sóc cả triệu con gián đến khi nào có kết quả mới dừng lại.

Ông Nguyên còn cho biết, nếu mô hình lần này thành công gia đình sẽ giành 3 trang trại lớn vài héc-ta sẵn có để nuôi và phát triển giống gián đất này sau đó sẽ nhân rộng giống ra khắp nơi biến thành giống của Việt Nam và sẽ xuất sang chính đất Trung Quốc. Bởi theo ông, sau khi tìm hiểu về giống gián này được biết đây là loại côn trùng có nhiều lợi nhuận. Gián đất khi lớn có thể sấy khô hoặc để cả con còn sống bán ra nước ngoài, thị trường chính và duy nhất hiện giờ vẫn là Trung Quốc. Theo thông tin trên mạng của Trung Quốc được biết giá gián đất trên thị trường khi trưởng thành có giá từ 70 tệ đến trên 70 tệ một ki-lô-gam.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, ở bên Trung Quốc người ta dùng gián đất để làm thuốc có thể giúp chữa được gần 100 loại bệnh khác nhau như ngăn ngừa ung thư, chống đau bụng, đầy hơi. Ông cũng khẳng định nuôi loại gián này chỉ có lợi vì gián không độc, không ô nhiễm và có thể ăn được. Tuy nhiên, hiện nay gia đình ông Nguyên cũng chưa chắc chắn về đầu ra, "gia đình chúng tôi nuôi thì vẫn chỉ biết là nuôi, còn đầu ra thì tất cả đều nhờ vào ông Vinh và các thương lái của Trung Quốc, khi nào những con giống lớn lên thì mới biết được. Nhưng nếu thành công", bà Ngô Thị Thời - vợ ông Nguyên cho hay.

Cấm nhập khẩu, nuôi gián đất

Hiện nay, trong tỉnh chỉ có hai xã là Xuân Lai và Quảng Phú đang nuôi loại gián đất này nên hiện tại các cơ quan chức năng của địa phương chưa có nhiều thông tin về loại gián đất có xuất sứ từ Trung Quốc. Đây là loài giống mới ở trên địa bàn - khi phát hiện ra một số người dân đã phản ánh lên chính quyền xã vì lo sợ những nguy hại mầm bệnh về hàng tạ gián lạ này.

gián đất
Mô hình nuôi gián đất có nguồn gốc từ Trung Quốc của gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên do ông Giang Triệu Vinh người Trung Quốc, gốc Việt chăm sóc. Nếu mô hình này thành công gia đình ông Nguyên sẽ nhân rộng với quy mô lớn. Tuy nhiên việc nuôi gián đất đã bị Bộ NN&PTNT "tuýt còi".

Trao đổi với chính quyền hai xã, ông Trần Văn Hoa - Phó chủ tịch xã Xuân Lai cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân xã đã cử người xuống cơ sở xem xét và có văn bản báo cáo lên cấp trên; trên địa bàn xã Xuân Lai có hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Đại và chị Nguyễn Thị Lương hiện giờ nuôi với mô hình nhà xưởng có diện tích lớn nhất khoảng 200-300m2; còn xã Quảng Phú, chỉ có có gia đình Nguyễn Đinh Nguyên đang nuôi và đã mở tên công ty riêng (Công ty Cơ khí Thương mại Hoàng Hiệp) kết hợp giữa kinh doanh sản xuất cơ khí và dành riêng diện tích 170m2 cho việc nuôi gián.

Anh Phạm Văn Dần, chủ tịch xã Quảng Phú cho biết, ngày 31/12/2013, đoàn xã cùng với huyện, tỉnh và Bộ NN&PTNN đã về kiểm tra và nhiều lần nhắc nhở hai đình hạn chế nhân giống và phát triển khi chưa có kết quả rõ ràng về nguồn giống gián đất này.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ra văn bản gửi tới tỉnh Bắc Ninh đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc tự ý nhập khẩu và nuôi gián đất trên địa bàn, đồng thời kiểm điểm để rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Tuyên truyền cho người dân hiểu rằng việc tự ý nuôi gián đất là việc có tiềm ẩn nhiều rủi ro; không được tự ý gây nuôi khi chưa được phép của Bộ NN&PTNT.

Theo đó, hàng triệu con gián đất đang được nuôi ở Bắc sẽ tiệt đường sinh sôi nảy nở và sẽ được xử lý theo văn bản quy định của Bộ NN&PTNT.

Theo Lao Động

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn