Khốn khổ nhìn dưa nứt toác, 1.000 đồng/kg không ai mua

Thứ bảy, 05/04/2014, 15:22
Người trồng dưa ở Quảng Ngãi đang khốn khổ khi giá dưa rớt xuống còn 1.000 đồng/kg chẳng có người mua. Ruộng dưa quá ngày gặp phải mưa lớn đã nứt toác trong nỗi xót xa của người nông dân.

Chiều 4/4, dọc cánh đồng dưa Cây Tẻ, Gò Đá... thuộc các xã Tịnh Trà, Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) hàng đống dưa to nằm khắp các tuyến đường liên xã. Bên cạnh đó còn rất nhiều dưa chín chưa thu hoạch nằm ngổn ngang dưới ruộng. Theo ước tính của UBND xã Tịnh Hiệp, hiện trên địa bàn xã còn khoảng 170 hecta dưa chưa được thu hoạch.

Chỉ trong hai ngày số dưa dưới ruộng của bà Thu đã nứt quá nửa - Ảnh: Trần Mai

Đứng nhìn ruộng dưa hơn 4 sào nứt quá nửa, bà Đinh Thị Thu (thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh) thở dài: “Sáng hôm qua tôi ra kiểm tra dưa vẫn chưa nứt, vậy mà đến trưa nay đã nứt quá nửa. Do dưa chín quá, gặp mưa dư nước nên thành ra thế này”.

Bà Thu cùng với người nhà đã thu hoạch số dưa còn lại đem để dọc đường rồi dùng bạt phủ lại mong kiếm được đồng nào hay đồng đó. Cũng giống như bà Thu, rất nhiều hộ dân trong chiều 4/4 đang khẩn trương “giải cứu” số dưa nằm dưới ruộng có nguy cơ mất trắng vì gặp mưa lớn bất ngờ.

Phần lớn hộ dân còn dưa đến thời điểm này, một phần không bán được trong thời gian qua, số khác chờ giá dưa tăng lên khi cửa khẩu Tân Thanh bớt ùn ứ. Thế nhưng, cho đến hiện tại giá dưa vẫn rất thấp. Thậm chí thương lái vẫn tiếp tục ép giá. Hiện giá dưa tại ruộng mà thương lái mua của nhà vườn vẫn giữ mức 1.000đồng/kg.

Lý giải cho việc không thể tăng giá mua, một thương lái cho biết: “Hiện tại giá cước vận chuyển đã tăng lên gần gấp đôi so với trước ngày 1/4 nhưng xe vẫn khan hiếm. Chúng tôi không thể mua giá cao vì như thế sẽ lỗ”.

Dưa hỏng, người dân đành bất lực tìm người mua dù giá chỉ 1.000 đồng/kg- Ảnh: Trần Mai

Bán dưa không được đành bỏ dưa cho bò ăn - Ảnh: Trần Mai

Dưa ùn ứ tại ruộng nhiều, thế nhưng qua quan sát vào chiều 4/4 chỉ có 3 xe tải chở dưa đi Trung Quốc có mặt tại vựa dưa này. Nhiều hộ dân như đứng trên lửa khi không thấy thương lái đã đặt cọc tiền nhưng không thấy đến chất dưa, dù đã hai ngày trôi qua.

Anh Đặng Quang Anh, thôn Mỹ Trung, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, cùng với 5 hộ dân khác đi tìm thương lái tên Cúc để bán số dưa gần 40 tấn đã được bà Cúc đặt tiền cọc nhưng không thấy bóng dáng thương lái này ở đâu.

“Hôm kia bà Cúc đến đặt tiền cọc cho vợ tôi 2,5 triệu đồng, nói chiều sẽ đến chất 15 tấn dưa với giá 1.200 đồng/kg. Vậy mà hai ngày rồi không thấy bà đến. Cả ngày nay nghe ở đâu có xe dưa là tôi lại đi tìm xem có bà Cúc không nhưng vẫn không thấy”, anh Quang Anh nói.

Hiện tại, anh Anh mang dưa cho bò ăn, dù biết bò ăn nhiều sẽ đau bụng tiêu chảy, tốn tiền mua thuốc. Thế nhưng, vì xót của anh vẫn cho ăn mỗi ngày.

Một số hộ dân khác mặc dù đã được thương lái đặt cọc tiền nhưng sốt ruột vì dưa thối rữa từng ngày đã quyết định bán dưa cho các tiểu thương ở các chợ với giá 700 - 1.000 đồng/kg. Nhiều hộ dựng trại bán dưa ngay bên đường. “Bán cho vui thôi chứ có mấy người mua, may mắn thì có vài giáo viên vùng cao cuối tuần chạy về sẵn tiện mua cho vài quả” - chị Lê Thị Bình, xã Tịnh Hiệp, than thở.

Anh Đặng Quang Anh đang chờ số dưa này được chuyển đi để mong lỗ ít, nếu không bán được vụ này anh lỗ nặng - Ảnh: Trần Mai

Anh Mai Anh Tuấn, lái xe (quê Núi Thành, Quảng Nam), cho biết tại cửa khẩu Tân Thanh, cán bộ giải quyết cho xe dưa qua trước nên hiện tại không còn ùn ứ dưa. Tuy nhiên, theo anh Tuấn, nguyên nhân nhiều lái xe không đến chở dưa là vì chưa thống nhất với thương lái về giá cước vận chuyển.

Theo anh Tuấn, xe đầu kéo trước ngày 1/4 chở 40 tấn thì nay chỉ chở đúng tải 27 tấn. “Giờ mỗi chuyến đi một tấn dưa cước vận chuyển phải là 2,8 - 3 triệu đồng/tấn, chứ không như ngày trước chỉ 2,3 triệu/tấn. Nếu đồng ý thì chúng tôi chở, không thì thôi chứ giá như trước anh em tôi không sống nổi”.

Cũng theo anh Tuấn, việc cân đo tải trọng là cần thiết, nhưng do rơi đúng thời điểm vào mùa thu hoạch dưa của nông dân, thương lái dựa vào lý do cước vận chuyển tăng để ép giá khiến nông dân điêu đứng.

Theo Tuổi trẻ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn