Hiện nay, ở Kiên Giang, cua biển chưa có giống nhân tạo, nên nguồn con giống đa phần phải dựa vào các tay thợ săn. Tại bãi biển Ba Hòn, lúc sương sớm còn bao phủ cả một khu rừng mắm thì hàng trăm người đã sẵn sàng đồ nghề chờ nước lên ra biển săn cua. Đồ nghề gồm cái vợt lưới có đường kính chừng 6 cm và một keo nhựa để đựng cua con. Trẻ em thì dùng chiếc rổ nhựa thay cho vợt.
Khi thủy triều vừa lên, tất cả đổ xô ra mép biển hoặc tìm những vũng nước giữa rừng, mạnh ai nấy xúc, cào hoặc đảo đi đảo lại nhiều vòng để tìm kiếm từng con cua bé bằng đầu tăm, con lớn hơn bằng ngón tay. Thông thường, vào những ngày nghỉ học, một học sinh ra biển có thể kiếm khoảng 50.000-55.000 đồng. Người bắt giỏi có thể kiếm trên 100.000 đồng. Nếu giăng lưới thu nhập sẽ cao hơn gấp mấy lần.
Người lớn, trẻ em bắt cua biển giống ở bãi biển Kiên Lương - Kiên Giang.
Dân biển có nhiều cách bắt cua con, nhưng phổ biến nhất là bắt bằng vợt hoặc rổ. Chỉ có người chuyên nghiệp mới dùng lưới loại dày, và cần 3-4 người theo trợ giúp, cách làm đó sẽ đánh bắt được nhiều cua hơn.
Em Ngô Văn Sáng, 14 tuổi, ở ấp Hòa Lộc, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương cầm chiếc vợt đảo cả chục vòng mới moi được một con cua bằng hạt tiêu nằm lẫn lộn trong mớ rác. Em nói: "Vào mùa xúc cua, em tranh thủ học một buổi còn một buổi theo cha mẹ ra biển. Trung bình một ngày em kiếm cũng được 30.000 đồng".
Vào mùa, trẻ em cũng tranh thủ đi bắt cua con.
Dân trong nghề chia cua giống ra làm nhiều loại. Loại nhỏ nhất là cua nhí, kế đến là cua tiêu, cua hạt dưa, cua me và lớn nhất là cua mít (con bằng hạt mít). Giá bình quân mỗi con nhí từ 500 đến 2.500 đồng tùy lớn nhỏ. Còn cua tiêu là 2.000 đồng/con. Đắt nhất là cua hạt mít, từ 5.000 đến 7.000 đồng/con.
Chị Thạch Thị Sển, sống gần bãi biển Ba Hòn cho biết, cua trúng nhất là vào lúc nước ròng, còn những lúc mưa gió bất thường, người bắt suốt cả buổi cũng chỉ đủ tiền đong gạo mỗi ngày. Vào chính vụ (từ tháng 8 đến tháng 10) nhiều nơi còn đốt đèn bắt cả ban đêm. Dân săn cua khi lên bờ giao hàng xong, họ ăn cơm và nghỉ luôn tại chỗ chờ con nước lên lại tiếp tục hành trình.
Anh Cao Hồng Phát, chủ một đại lý thu mua cua giống ở xã Bình An, Kiên Lương cho biết, vào chính vụ, mỗi ngày anh thu từ 3.000 đến 5.000 con, ngày nào nhiều số lượng tăng lên cả vài chục ngàn.
Các cơ sở thu mua cua của người dân đánh bắt.
Theo anh Phạm Văn Tiến, một ngư dân ở xã Bình An, Kiên Lương, chuyên sống với nghề săn cua, trước đây, dân biển gặp cua con, nghêu con đều trả lại, chờ lớn lên mới bắt. Bây giờ cả cua lớn, cua con đều bị gom hết, bởi cua con đưa về ao hồ nuôi có tỷ lệ sống khá cao và mau lớn nên người nuôi chuộng, giá cao.
Ông Vươn Minh Mẫn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kiên Lương cho biết, năm nay lượng cua biển giống ngoài thiên nhiên xuất hiện nhiều gấp 5 lần so với năm trước. Vào vụ, có nhiều nhà kéo hết ra biển bắt cua. Toàn huyện có trên 300 ha nuôi cua công nghiệp, đa phần con giống được người dân săn bắt ngoài thiên nhiên bán lại.
Theo Zing