Với mức này, giá vàng thế giới hiện tương đương 33,15 triệu đồng một lượng (chưa tính thuế, phí, gia công). Hôm qua, thị trường vàng trong nước đóng cửa tại 36,49-36,61 triệu đồng mỗi lượng.
Dù vậy, sau ba phiên giảm liên tiếp, giá vàng tuần này vẫn mất 1%. Đây là tuần thứ 3 kim loại quý đi xuống. Hôm thứ Năm, giá vàng chạm đáy 5 tuần do số liệu lạc quan về GDP và chi phí lương của Mỹ.
Giá vàng thế giới đã giảm 1% trong tuần. Ảnh: Reuters |
Thị trường hôm qua đi lên sau số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy nước này chỉ tạo ra 209.000 việc làm tháng trước, thấp hơn nhiều dự đoán của giới phân tích là 233.000. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 6,2%, từ 6,1% trước đó, do ngày càng nhiều người tham gia thị trường lao động.
Hai yếu tố này cho thấy thị trường việc làm vẫn còn yếu và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vì vậy có thể giữ lãi suất thấp thêm một thời gian nữa. "Mọi người muốn thấy những con số lạc quan hơn nữa, nhưng không có. Vì thế, họ lại tìm đến vàng", Matthew Turner - nhà phân tích tại Macquarie cho biết. Giá các hợp đồng vàng giao tháng 12 cũng tăng 12 USD lên 1.294 USD mỗi ounce.
Dù vậy, giới phân tích cho biết đà tăng của kim loại quý đã bị kiềm chế khi không thể phá ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng tại mốc trung bình trượt 100 ngày - 1.298 USD.
Nhu cầu vàng vật chất tại châu Á yếu cũng không tăng, bất chấp giá vàng hôm thứ Năm giảm mạnh. Hãng tư vấn kim loại GFMS cảnh báo lực mua từ hai thị trường chính – Trung Quốc và Ấn Độ có thể không đủ mạnh để đặt giá sàn cho vàng trong năm nay. Bên cạnh đó, doanh số bán vàng xu của Sở đúc tiền Mỹ cũng giảm 40% trong tháng 7 so với năm ngoái.
Từ đầu năm, giá kim loại quý đã tăng 7%. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu đạt được trong quý I. Tháng 7, giá vàng mất 3,4%, mạnh nhất năm nay.
Thông tin về số liệu việc làm Mỹ, cùng rủi ro từ hệ thống tài chính Bồ Đào Nha và Argentina đã đẩy chứng khoán Mỹ đi xuống ngày thứ 2 liên tiếp trong hôm qua. S&P 500 giảm 2,7% trong tuần, mạnh nhất kể từ năm 2012. Tháng 7 cũng là tháng đầu tiên chỉ số này mất điểm trong năm nay.
7 trên 10 nhóm cổ phiếu trong S&P 500 đã đi xuống, dẫn đầu là các công ty điện thoại và tài chính với 0,8%. Chỉ số Nasdaq hôm qua giảm 0,4%, còn Dow Jones mất 0,42%.
"Dù là thông tin từ Bồ Đào Nha, Argentina hay bất ổn tại Trung Đông, tất cả đều có vẻ đang có tác động lớn hơn đến nhà đầu tư. Vấn đề địa chính trị vốn không ảnh hưởng vài tuần trước thì giờ cũng thành mối lo cận kề. Đó là lý do nhà đầu tư bán cổ phiếu. Họ đang ngày càng sợ rủi ro", Matt McCormick - Giám đốc quỹ đầu tư Bahl & Gaynor cho biết.
Theo VnExpress