Cảnh báo ‘nóng’ cho những người ‘mê’ điện thoại ‘xách tay’ từ Nhật

Thứ ba, 05/08/2014, 06:29
Điện thoại "xách tay" Nhật Bản với giá chỉ bằng 1/2 so với hàng chính hãng đang là đối tượng "săn lùng" của nhiều người, nhất là những người mê smartphone. Và đây cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho kẻ gian kiếm lời bất chính.

“Mê” vì giá “hạt rẻ”

Vài tháng trở lại đây, khi cơn “sốt” điện thoại xách tay Hàn Quốc bắt đầu hạ nhiệt thì một đợt “nóng” mới lại bùng lên, phong trào “săn” smartphone xách tay từ Nhật Bản đang tạo nên một cơn sóng mới trên thị trường điện thoại di động.

Những trang mua-bán online chuyên bán điện thoại xách tay Nhật Bản nổi lên như “nấm mọc sau mưa” và nhận được sự quan tâm của người dùng.

Anh Thảo, một người chuyên cung cấp smartphone hàng xách tay cho biết: “Năm ngoái, điện thoại xách tay từ Hàn Quốc rất được ưa chuộng, nhưng 4-5 tháng nay, điện thoại xách tay từ Nhật Bản lại bán nhanh hơn, nhiều loại smartphone tuy chưa có trên thị trường nhưng đã được người mua điện thoại đặt hàng”.

Cũng theo anh Thảo, sở dĩ hàng xách tay Nhật Bản được nhiều người ưa chuộng vì giá rẻ. Nếu so với hàng Hàn Quốc thì hàng xách tay từ Nhật Bản rẻ hơn khá nhiều, còn so với hàng chính hãng tại Việt Nam thì chỉ bằng ½ giá. Ví dụ, iphone 4s hàng sản xuất năm 2011 giá chỉ hơn 5 triệu, iPhone 4 tầm 3 triệu, iPhone 5 bản 64G giá 8,6 triệu,... rẻ hơn nhiều so với mua hàng chính hãng.

“Tôi mua một chiếc điện thoại iphone 5 hàng xách tay từ Nhật, giá chỉ có 8 triệu, rẻ hơn nhiều so với hàng công ty, iPad của tôi cũng là đặt mua hàng xách tay Nhật. Dùng có khác gì hàng công ty đâu, giá lại rẻ. Tôi đang nhờ người quen bên Nhật, khi nào iPhone 6 ra lò sẽ “săn” cho 1 chiếc làm quà tặng vợ”, anh Mạnh (Long Biên, HN) cho biết.

Anh Hiên, chủ một công ty chuyên vận chuyển hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản về Việt Nam cho biết, mọi năm, số lượng đồ điện tử chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam rất nhiều, nhưng sang năm nay, hàng Nhật lại chiếm đa số, nhất là hàng điện tử. Điện thoại smartphone mua ở Nhật giá rẻ hơn nhiều nên được nhiều người đặt mua giúp”.

Cảnh báo ‘nóng’ cho những người ‘mê’ điện thoại ‘xách tay’ từ Nhật - Ảnh 1
Điện thoại "xách tay" Nhật Bản được giao bán rất nhiều trên các trang mua bán online.

Cẩn thận mắc bẫy của “thương gia đen”

Với mức giá rẻ chỉ bằng phân nửa so với hàng chính hãng, điện thoại “xách tay” từ Nhật Bản dần trở thành lựa chọn hàng đầu với nhiều người dùng Việt bất chấp những rủi ro có thể xảy ra. Do là hàng xách tay, không phải chịu bất cứ loại thuế nào nên nguồn gốc xuất xứ của máy không hề được đảm bảo. Nguy cơ gặp phải hàng giả là rất cao nếu những "thương gia đen" tận dụng lòng tin của khách hàng mà trục lợi.

Trái ngược với những gì được quảng cáo những chiếc điện thoại được thay vỏ, hàng đóng lại, nhập khẩu từ Trung Quốc lại được bán với giá "hời" cùng với sự cam kết chắc như đinh đóng cột đó là hàng xách tay từ Hàn Quốc, Nhật Bản,... Sau một thời gian mang về sử dụng thì máy lại gặp quá nhiều lỗi, cảm ứng không nhạy, camera mờ, nhanh nóng máy, có thể dẫn đến cháy nổ,... Người tiêu dùng thì tiền mất tật mang còn những nhà phân phối uy tín thì chịu không ít những khó khăn khi khách hàng mất niềm tin vào hàng xách tay.

Anh Duy, chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, HN) cho biết: "Một số khách hàng mang điện thoại đến showroom nhờ sửa phần cứng do bị lỗi. Nhưng sau khi bộ phận kỹ thuật của cửa hàng kiểm tra thì khách mới biết mình mua phải hàng nhái. Tính chi phí sửa điện thoại thì cũng gần bằng với giá lúc ban đầu khách mua nên đành ngậm ngùi mang điện thoại về "

Cùng với đó, chế độ bảo hành chắc chắn sẽ không thể được đảm bảo như khi mua hàng được phân phối chính hãng. Nhiều cửa hàng đưa ra chính sách bảo hành mập mờ, đến khi máy gặp lỗi liền đổ thừa do người dùng sử dụng sai quy cách dẫn đến hỏng máy. Ngoài ra, việc thay thế linh kiện cũng khó có thể đảm bảo khi nguồn gốc linh kiện cũng không rõ ràng, nếu thay thế những linh kiện kém chất lượng, tuổi thọ và độ bền của máy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng có trường hợp các chủ cửa hàng khi nhập máy về đã thay thế linh kiện như pin, sạc… bằng những linh kiện kém chất lượng khiến máy nhanh hỏng.

Ngoài ra, những smartphone khóa mạng được các thương gia chuyển về Việt Nam theo đường xách tay và mua code mở mạng để sử dụng như các phiên bản quốc tế. Thế nhưng những sản phẩm này thường gặp tình trạng sóng điện thoại chập chờn không ổn định và hệ điều hành cài sẵn không tương thích với nhu cầu sử dụng ở Việt Nam.

Mặc dù các lập trình viên tại các cửa hàng hoặc trên các diễn đàn công nghệ đã chỉnh sửa và cho ra những phiên bản hệ điều hành phù hợp với nhu cầu người dùng Việt nhưng đa phần vẫn không thể ổn định như hệ điều hành do nhà sản xuất cung cấp. Nhưng với mức giá chỉ bằng phân nửa so với hàng chính hãng mà cấu hình và ngoại hình vẫn tương tự khiến smartphone xách tay trở thành sự lựa chọn của nhiều người có thu nhập thấp, đa phần là sinh viên và học sinh.

Những người dùng không có kinh nghiệm kiểm tra máy sẽ rất dễ mắc bẫy của những "thương gia đen". Do đó, mỗi người trước khi quyết định mua một sản phẩm xách tay cần tham khảo kỹ những phương pháp kiểm tra xuất xứ và tình trạng của máy. Các smartphone xách tay từ Nhật Bản gần đây thường mắc lỗi loạn hoặc hỏng cảm ứng, nên người dùng cần tìm hiểu kỹ chế độ bảo hành của cửa hàng bán ra.

Đã có những trường hợp cửa hàng nhận bảo hành 12 tháng cả nguồn và màn hình nhưng lại không nói rõ về việc không bảo hành lỗi cảm ứng. Chỉ đến khi người dùng gặp lỗi đem máy đến bảo hành mới biết và đành chấp nhận mất thêm chi phí sửa chữa dù vẫn còn thời hạn bảo hành. Nhìn chung, chẳng có mấy sản phẩm công nghệ giá hời trên thị trường hiện nay, vì thế trước khi mua những chiếc smartphone "trong mơ", người mua nên tỉnh "giấc mơ" để sáng suốt kiểm tra sản phẩm, hoặc tốt nhất là chọn cửa hàng bán sản phẩm uy tín để an tâm về chất lượng, hạn chế tối thiểu những rủi ro có thể gặp phải.

Một kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại di động trên đường Cầu Giấy bật mí: “Khi mua điện thoại xách tay nên yêu cầu mở máy ra xem mainboard, kiểm tra xem mainboard có bị đục lỗ nào không, trên mainboard máy còn quả pin không (quả pin nhỏ như pin bios của máy tính), kiểm tra lồng của flash xem có còn nguyên “xi” không, kiểm tra xem trên mainboard có chỗ nào bị câu dây đồng hay có dấu hiệu bị hàn gắn chưa. Nếu có dấu hiệu bất thường thì chắc chắn máy dựng”.

Theo NĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích