Vì sợ rau nhiễm hóa chất nên thời gian gần đây, chị Hoa (quận 5, TP HCM) thường chọn điểm bán rau uy tín có nhãn mác kiểm định chất lượng mỗi khi đi chợ. Mới đây, chị rất bất ngờ khi mua một bó rau muống dù bọc kỹ, có chứng nhận sạch nhưng vì không dùng hết, chỗ còn thừa không những không héo mà còn nảy mầm rất dài.
“Bình thường nếu để ở nhiệt độ không tốt, rau rất dễ bị thối vì để quá 2 ngày, nhưng nay lại nảy mầm cao chứng tỏ dư lượng chất tăng trưởng lớn, khiến tôi sợ hãi và mất niềm tin vào rau sạch", chị Hoa nói.
Tại Metro, chỉ có khoảng một 1/3 số lượng sản phẩm sau có ghi nhãn mác và nơi sản xuất trên bao bì. Ảnh: Hồng Châu. |
Nổi tiếng về cung cấp sản phẩm có chất lượng và đã thí điểm sạp bán rau theo tiêu chuẩn VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), nhưng nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành (quận I) cho biết rất khó có rau sạch. Trước đây, một số loại rau phải đến mùa mới có nhưng nay có quanh năm, nếu không kích thích tăng trưởng thì người trồng sẽ không có rau bán cho các cơ sở kinh doanh. Ngay cả những cơ sở đạt chất lượng, nếu rau không bóng đẹp thì cũng khó tiêu thụ. Do vậy, rau không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trên thị trường rất hiếm.
“Dù rau có đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng khó kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón. Hiện nay mỗi ngày tôi chỉ lấy 10kg rau loại này nhưng rất ít người mua, có hôm còn ế ẩm vì giá cao. Trước đây, chợ Bến Thành kêu gọi 32 hộ đưa rau VietGAP vào kinh doanh nhưng vì người tiêu dùng không mặn mà nên nay chỉ có 2 đơn vị bán sản phẩm này", chị Thủy, một tiểu thương tại đây nói. Chị cũng cho biết thêm, hiện rất nhiều đơn vị rao bán sản phẩm này nên không biết đâu là sản phẩm đạt chuẩn thật.
Được kiểm tra khắt khe hơn so với chợ, song tại các hệ thống siêu thị TP HCM, khảo sát cũng cho thấy, rất nhiều loại rau không có nhãn mác rõ ràng vẫn được xếp vào khu vực chất lượng.
Cụ thể tại Metro (quận 2), khu rau “từ nông trại đến bàn ăn” của đơn vị này có hàng trăm loại, nhưng chỉ có khoảng một 1/3 số lượng có ghi nhãn mác và nơi sản xuất. Còn tại Big C, Aeon Mall, Co.opmart ngoài những loại rau không đề cơ sở sản xuất thì rau mang nhãn mác VietGAP cũng khá hỗn loạn.
Một số loại rau ăn lá như cải bắp, rau dền, cải xanh… trên bao bì có ghi nguồn gốc sản xuất, tiêu chuẩn chứng nhận, số đăng ký và hạn sử dụng. Một số loại khác thì không hề ghi các thông số trên mà chỉ in dòng chữ "sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP"… nên rất khó phân biệt đâu là sản phẩm đạt chuẩn. Tại Co.opmart, sản phẩm được chứng nhận của nhiều cơ sở được in chung trên một bao bì nên rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Giải thích việc sử dụng chung một bao bì cho sản phẩm của 4 đơn vị có chứng nhận VietGAP, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, các cơ sở Anh Đào, Phước An, Tân Trung, Hồng Phong là những đơn vị nằm trong dự án FAPQDCP do Tổ chức Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) tài trợ. Do vậy, các quy trình từ gieo trồng cho tới sản xuất đều tuân theo quy chuẩn chung, cho nên đơn vị thiết kế một bao bì cho dễ nhận diện.
Ông Nhân còn trấn an thêm, để giảm tình trạng hàng kém chất lượng trà trộn, siêu thị vẫn theo dõi và kiểm tra đột xuất các cơ sở, đồng thời có ký hiệu mã số trên bao bì để dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác, khi lấy sản phẩm từ những đơn vị này, siêu thị không lấy với số lượng lớn mà chỉ lấy 20% trên tổng số nguồn hàng mà các cơ sở này sản xuất.
Sản phẩm được chứng nhận VietGAP của 4 cơ sở được in chung trên một bao bì. Ảnh: Hồng Châu. |
Là một trong những đơn vị cung cấp rau cho các siêu thị theo mô hình VietGAP, ông Phan Minh Khải, Kế toán trưởng Hợp tác xã Phước An cho biết, hiện ở TP HCM có tổng cộng 124 hộ nông dân và 4 cơ sở được cấp chứng chỉ rau VietGAP. Đây là chứng chỉ do Cục quản lý Nông Lâm sản và Thủy sản (trực thuộc Bộ Nông nghiệp) cấp với 65 tiêu chí.
Tuy nhiên, theo ông Khải trên thị trường hiện có rất nhiều chứng nhận do nhiều đơn vị cấp, thậm chí có cả loại 13 tiêu chí nên gây ra nhiều hiểu nhầm trong phân phối cũng như sản xuất sản phẩm này. Mặt khác, ngoài chứng nhận trên, thị trường còn khá nhiều loại chứng nhận khác về rau an toàn như chứng nhận rau hữu cơ...
Cũng chính sự nhập nhằng trên khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ lợi dụng tung ra những sản phẩm kém chất lượng. Ông Khải đưa ra dẫn chứng, mỗi tháng hợp tác xã của ông cung cấp ra thị trường 160 tấn rau các loại, trong đó 80% cung cấp cho hệ thống siêu thị ở TP HCM, 20% còn lại xuất khẩu và bán cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, bệnh viện, trường học…
“Vì cam kết đủ số lượng cho các hệ thống siêu thị và doanh nghiệp xuất khẩu nên mỗi tháng lượng rau cung cấp cho các đơn vị nhỏ lẻ rất ít. Chính vì vậy, nhiều nơi đã mua thêm rau bên ngoài không được kiểm định để bán”, ông Khải nói.
Cụ thể, một đơn vị kinh doanh nhận đơn đặt hàng của các bệnh viện, trường học với hợp đồng là 300kg, nhưng khi mua rau ở các cơ sở sản xuất VietGAP họ chỉ được cung cấp 100kg, nên để đủ số lượng họ mua thêm 200kg ở bên ngoài. “Chuyện này rất khó kiểm soát vì họ là những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, việc kiểm tra sản phẩm bán ra thị trường thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý”, ông Khải nhấn mạnh.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt cho biết hiện có rất nhiều chứng nhận rau an toàn. Riêng đối với chứng chỉ VietGAP, đây là chứng chỉ phổ biến mang tầm quốc gia và Bộ Nông nghiệp sẽ có quyền chỉ định đơn vị được quyền cấp chứng nhận. Trong đó, Cục Trồng trọt chịu trách nhiệm giám sát các cơ sở trồng trọt, cơ sở sơ chế gắn liền với trồng trọt. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thuỷ sản giám sát chợ đầu mối; truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn; kiểm tra tận gốc tại nước xuất khẩu; thẩm tra công nhận nước xuất khẩu.
Tuy nhiên, cả nước hiện có tới 20 tổ chức được Bộ Nông nghiệp chỉ định chứng nhận VietGAP, dẫn đến việc khảo sát quy trình sản xuất tại các đơn vị đăng ký xin cấp giấy chứng nhận không được chặt chẽ một cách đồng bộ. Trong khi khâu quản lý, thanh tra kiểm soát chất lượng sản phẩm do Sở Nông nghiệp và Chi cục bảo vệ thực vật các địa phương đảm nhận.
Một nhân viên tại hệ thống siêu thị ở TP HCM tiết lộ, mặc dù các siêu thị cam kết hàng chất lượng. Tuy nhiên, cũng rất khó xử lý hết vì khi kiểm định cũng chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên. Mặt khác, áp lực sức mua cũng khiến nhiều đơn vị lỏng lẻo hơn trong quản lý.
VietGAP - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, là tập hợp các tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động. |
Theo VnExpress