Cụ thể, tại TP.HCM các nhà xe đã được phép tăng phụ thu lên đến 60%, còn ở Hà Nội, Hiệp hội Vận tải cũng đang đề nghị được tăng thu 15 – 30% vé xe Tết.
Giá vé giảm, phụ thu không giảm
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội viện dẫn lý do: “Sở GTVT yêu cầu huy động xe hiện đang hoạt động để tăng cường giải tỏa phục vụ khách nhưng có bất cập là trước và sau Tết xe khách đi một chiều, chiều ngược lại xe chạy rỗng, đơn vị vận tải bị lỗ”.
Với lý do đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị Sở Tài chính xem xét cho các đơn vị vận tải khu vực Hà Nội được trợ giá cho tuyến từ 150 – 300km mức 30%, tuyến trên 300km với mức 40% giá vé hiện hành. Thực chất, cái được gọi là “trợ giá” chính là việc tăng giá vé xe đánh vào hành khách.
Thời gian thực hiện mức phụ thu được đề nghị vào trước ngày nghỉ chính thức 3 ngày và sau ngày nghỉ Tết 4 ngày. Ông Bùi Danh Liên cho rằng việc phụ thu tăng giá vé nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi mua vé xe đúng giá niêm yết trong bến, hạn chế xe dù.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết đây là lần đầu tiên có đề nghị này ở các bến xe đầu Hà Nội. Trả lời câu hỏi tại sao năm nay mới đề xuất "trợ giá" nhưng hiện tượng tăng giá vé xe dịp cao điểm Tết Nguyên đán năm nào cũng xảy ra, ông Liên cho rằng: "Đó chủ yếu là xe dù, xe thu tiền vô tội vạ của hành khách ngoài bến. Bây giờ nên trợ giá công khai, rõ ràng để thu hút thêm các xe chạy hợp đồng vào chạy tuyến dịp Tết".
Trong khi đó, tại TP.HCM, tại Bến xe Miền Đông, trong dịp Tết Nguyên đán 2015, các DN vận tải áp dụng mức phụ thu từ 20 -60% giá vé so với ngày thường trên các tuyến: Từ Huế trở ra các tỉnh phía Bắc; các tuyến từ Phú Yên ra đến Quảng Nam, Đà Nẵng và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum; các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng; các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận, Bình Phước.
Còn các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; các tuyến thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, khu vực miền Tây, các DN áp dụng mức phụ thu là 40%.
Ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết là để bù đắp chi phí chiều chạy rỗng chứ không phải tăng giá vé. Việc áp dụng phụ thu trong dịp Tết như trên là được phép. Theo ông Hải, các DN vận tải kê khai giá vé và không được vượt quá 60% so với quy định. Bến xe chỉ đóng vai trò giám sát xem DN thực hiện có đúng hay không.
Còn đại diện Bến xe Miền Tây cho biết các DN vận tải sẽ áp dụng mức phụ thu 40% so với mức giá vé ngày thường. Thời điểm phụ thu được tính là 6 ngày, bao gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết.
Nhà xe hưởng lợi, khách chịu thiệt
Theo tính toán, giá nhiên liệu chiếm khoảng 40 - 50% giá thành vận tải. Do đó, khi xăng dầu giảm khoảng 1/3, cước vận tải cũng phải giảm từ 12 -15% mới hợp lý. Trong đợt đăng ký giảm giá vừa qua tại các địa phương, cũng đã xuất hiện những DN vận tải taxi, vận tải hành khách giảm giá cước khá sâu. Điều này chứng tỏ việc giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, công bằng với hành khách không phải không thực hiện được. Ví dụ, Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại Cần Thơ đã kê khai giảm giá cước taxi lên đến 23,8%.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Điện Biên, Giám đốc Công ty CP Vận tải ôtô Điện Biên cho biết: “Đầu tháng 12 chúng tôi đã giảm cước vận chuyển hành khách từ 4 – 9%. Cụ thể tuyến Điện Biên – Hà Nội giảm từ 375.000 đồng xuống 360.000 đồng/khách, tuyến Lai Châu – Hà Nội giảm 30.000 còn 300.000 đồng/khách”.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Công ty CP TM&DL Hà Lan (Thái Nguyên) cho biết: “Giá cước xe khách tuyến cố định của chúng tôi đã xuống bằng năm 2009, mức giá cước xe taxi thậm chí đã giảm xuống ở thời điểm năm 2005 – 2006”.
Trong khi đó, Ông Trần Văn Sinh- Giám đốc Công ty Vận tải Bình Tâm tại Bến xe Miền Đông cho biết do giá xăng dầu giảm nên hành khách đi lại năm nay được hưởng lợi nhiều. Riêng với Hãng xe Bình Tâm vừa qua đã giảm giá vé xe trên tuyến TP.HCM – Quảng Ngãi từ 390.000 đồng/vé xuống còn 370.000 đồng/vé. Như vậy vào ngày cao điểm Tết năm nay giá vé giá vé cao nhất hãng xe này áp dụng là 510.000 đồng/hành khách, giảm 75.000 đồng/vé (giá vé năm trước là 585.000 đồng/vé). Tuy nhiên ông đang lo ngại tình hình giảm giá vé này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì lượng khách năm nay chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước.
Đại diện một DN vận tải tại chạy tuyến TP.HCM đi các tỉnh Tây Nguyên cho biết việc áp dụng mức phụ thu đến 60% vào mỗi năm đều được áp dụng. Trong các ngày cao điểm một chiều xe thường chạy rỗng, do đó cần áp dụng phụ thu để trừ đi chi phí nhiên liệu đầu vào. Việc áp dụng phụ thu căn cứ vào giá vé đã giảm nên nhìn chung năm nay giá vé xe Tết không cao như những năm trước. Tuy nhiên ông cho biết hiện còn nhiều DN vận tải chưa giảm giá, nếu căn cứ theo giá vé cũ mà áp dụng mức phụ thu đến 60% thì sẽ làm cho hành khách bị thiệt.
Tương tự hiện nhiều DN vận tải cũng cho rằng cần kiểm tra việc kê khai giá trong dịp Tết này để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là để đảm bảo quyền lợi của hành khách. Bởi hiện nay vẫn còn nhiều DN vận tải chưa giảm giá vé, nếu như giá vé xe Tết DN kê khai dựa trên giá vé chưa giảm thì hành khách sẽ chịu thiệt.
Điều này đã được hành khách xác nhận. Chị Bùi Tuyết Hoa, hành khách đi xe giường nằm tuyến Hà Nội- Vinh cho biết, giá vé trước kia là 210.000 đồng thì nay vẫn vậy. “Tới giờ giá chưa giảm thì chắc chắn Tết họ tăng giá dựa trên giá này”- chị Hoa nói.
Tại Hà Nội rất nhiều đơn vị vận tải giảm cước một cách nhỏ giọt, thậm chí hết hạn đăng ký giảm giá cước (ngày 15/1) có nhiều DN vẫn án binh bất động. Cụ thể, 50 DN taxi đăng ký giảm 200 – 500 đồng/km (2 - 5%), 15 đơn vị giảm từ 5 - 8%, chỉ có 3 đơn vị đăng ký giảm trên 10% giá cước. DN vận tải hành khách tuyến cố định cũng chỉ giảm trong khoảng từ 5 - 10%, rất hiếm trường hợp giảm trên 10% giá cước. |
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, cần công bố công khai những DN vận tải nào không chịu giảm giá hay giảm giá cước nhỏ giọt để hành khách tẩy chay dịch vụ. Có như vậy mới lành mạnh hóa được thị trường vận tải ôtô”. |