Từ "tiến vua" đến... tiến dân
Anh Vũ Xuân Hòa ở thôn Lang Gia, xã Tân Trào (Thanh Miện) đang sở hữu gần chục loại gia cầm, chim quý hiếm. Ở đây có những loại thời trước thường dùng để "tiến vua" như chim trĩ đỏ, gà Đông Tảo, gà chín cựa.
Cuối năm 2009, anh bỏ ra nhiều tháng "tầm sư học đạo" kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ ở trong Nam, ngoài Bắc. Khi đã nắm vững kỹ thuật, đầu năm 2010, anh bỏ 40 triệu đồng mua 100 con chim bố mẹ về nuôi thử.
Trong năm đầu, từ những con chim trĩ đỏ bố mẹ, anh Hòa tự nhân và bán được 3.000 con giống, nuôi gần 800 con thương phẩm. Hiện nay, gia đình anh Hòa có 2 khu chuồng trại. Anh còn đầu tư xây dựng chuồng, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho 6 hộ khác nuôi thuê, chủ yếu là người thân gia đình, anh em họ hàng. Mỗi năm, anh Hòa xuất bán gần 10.000 con chim trĩ đỏ thương phẩm và hàng nghìn con giống.
Anh Vũ Xuân Hòa (Thanh Miện) đang nuôi hơn 500 con gà Đông Tảo thương phẩm. |
Tiếp đà thành công, cách đây 3 năm, anh Hòa nuôi thêm giống gà Đông Tảo trên quy mô nhỏ. Mỗi năm, anh bán được 500 - 600 con gà Đông Tảo thương phẩm. Ngoài ra, anh đang nuôi thử 12 con gà chín cựa bố mẹ. Anh dự định sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi vì đây là giống gà hiếm trên thị trường.
Gia đình ông Phạm Văn Dũng ở thôn Nội, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) làm nghề ấp nở trứng gia cầm đã hơn 20 năm nay.
Hai năm gần đây, thấy chim trĩ đỏ được nhiều hộ nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, ông Dũng đã đầu tư xây dựng chuồng, mua con giống về nuôi. Do có kinh nghiệm ấp trứng, ông mua gần 200 con bố mẹ vừa nhân giống bán, vừa nuôi thương phẩm. Mỗi năm, gia đình ông Dũng bán 400 - 500 con chim thương phẩm. Thời gian tới, ông sẽ tập trung nhân giống để cung cấp cho thị trường.
Hiện nay, trong những con đặc sản "tiến vua", chim trĩ đỏ ngày càng được nhiều gia đình nuôi, còn gà Đông Tảo, gà chín cựa ít hộ nuôi, quy mô cũng nhỏ lẻ do chi phí cao, kỹ thuật nuôi phức tạp. Mỗi năm, các hộ nuôi chim trĩ đỏ trong tỉnh cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 con.
Hiệu quả kinh tế
Trong 3 con đặc sản "tiến vua" nói trên, chim trĩ đỏ dễ nuôi và dễ tiêu thụ hơn. Ông Phạm Văn Kiên ở thôn Hậu Bổng, xã Quang Minh (Gia Lộc) cho biết: làm chuồng cho chim trĩ đỏ đơn giản, chỉ cần quây kín để chim không bay đi, thoáng, dựng cột, giàn để chim bay nhảy.
Chim tiêu tốn thức ăn chỉ bằng 1/3 so với gà, lại dễ kiếm, chỉ là ngô, thóc, cám, gạo, rau xanh. Hiện nay, một con chim giống giá từ 20.000 - 40.000 đồng. Sau 6 tháng chăm sóc, mỗi con chim đạt trọng lượng 1,2 - 1,5 kg, trừ chi phí lãi hơn 100 nghìn đồng.
Chim trĩ đỏ tuy được nuôi nhưng còn giữ được nguồn gien hoang dã nên khả năng phòng, chống bệnh rất cao. Từ ngày nuôi đến nay, ông Kiên chưa phải mất tiền chữa bệnh cho chim. Nuôi chim trĩ đỏ cũng không mất vệ sinh môi trường, một năm chỉ cần một lần thay lớp cát hoặc lớp trấu dưới nền.
Những người nuôi chim trĩ đỏ có quy mô lớn trong tỉnh cùng một số tỉnh bạn đã tập hợp nhau thành lập HTX Liên Minh Phát và đăng ký nhãn hiệu độc quyền "Chim trĩ đỏ tiến vua". 8 thành viên của HTX thường xuyên gặp mặt trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau tìm đầu ra và bảo nhau giữ vững chất lượng sản phẩm. Sản phẩm của HTX được xuất đi nhiều nơi trong khắp cả nước.
Vốn giống hoang dã lại được chăn nuôi sạch nên chim trĩ đỏ thịt chắc, mềm, ngọt. Thịt chim trĩ đỏ rất bổ dưỡng, tốt cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, tuy nhiên số lượng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Anh Vũ Anh Tú, quản lý Nhà hàng Bình Sơn quán (TP Hải Dương) cho biết: Nhà hàng đưa sản phẩm chim trĩ đỏ phục vụ khách được 2 năm nay. Thực khách đều khen thịt chim trĩ đỏ ngon. Nhà hàng thường chế biến cho khách với giá 450.000 - 500.000 đồng/con, rẻ hơn vịt trời 50.000 đồng/con nhưng còn ít khách dùng. Một phần vì nhiều thực khách chưa biết đến đặc sản này, một phần vì chim nhốt lâu bị gầy nên không dám nhập nhiều.
Do có ít hộ chăn nuôi gà Đông Tảo nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn nhiều so với nuôi các loại gia cầm thông thường.
Theo anh Hòa, sau một năm nuôi, gà đạt trọng lượng 3,5 - 4,5 kg/con, với giá bán khoảng 300.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 350.000 - 500.000 đồng/con. Gà Đông Tảo khó nuôi hơn các loại khác bởi sức đề kháng kém, hay bị mắc bệnh, chi phí tiêm vắc - xin tốn hơn.
Các loại khác chỉ cần 5 lần tiêm thì gà Đông Tảo phải cần đến 9 lần. Ngoài ra, giá gà bố mẹ đắt, trước đây anh Hòa mua 6 con mái, 2 con trống mất 42 triệu đồng. Gà đẻ ít, thường 40 trứng/con/năm nhưng tỷ lệ ấp thành công thấp, chỉ đạt 30 - 50%. Trong đó, số lượng gà nở ra có hình thức giống hệt bố mẹ chỉ đạt 20% và khi nuôi hay bị bệnh bại chân.
Hiện nay, khó khăn nhất cho người nuôi các con đặc sản là tìm đầu ra cho sản phẩm. Các hộ chăn nuôi cũng mong muốn các ngành chuyên môn giúp họ có quy trình sản xuất con đặc sản "tiến vua" cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chim trĩ đỏ (tên khác là trĩ đỏ, trĩ đỏ khoang cổ) nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Chim trĩ đỏ sống ở vùng đồi, núi thấp, nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, rừng thông. Ở nước ta, chim trĩ đỏ sống tập trung ở các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái…
Gà chín cựa là giống gà có nhiều cựa được nuôi nhiều ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Gà chín cựa thông thường chỉ nặng 1,5kg. Tuy được gọi là gà chín cựa nhưng ít con có chín cựa, thường chỉ có 6 - 8 cựa.
Gà Đông Tảo (gà Đông Cảo) là giống gà cực kỳ quý hiếm chỉ nước ta mới có. Đây là loài gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Trước đây, người dân dùng gà để cúng tế thần linh, tiến vua. Đặc điểm nổi bật của gà là cặp chân to, thô, màu đỏ tía.
Theo BaoHaiDuong