Thực phẩm Tết: Nỗi lo của người nội trợ

Thứ tư, 11/02/2015, 09:59
Lo sợ mua phải thực phẩm trôi nổi không an toàn, nhiều bà nội trợ đã không ngại bỏ thời gian, chịu phí tiền bạc đắt đỏ hơn để tìm mối, đặt hàng handmade hay các sản phẩm có xuất xứ từ các vùng quê phục vụ Tết.

Vừa qua Đội quản lý thị trường số 17 (Hà Nội) bắt quả tang một cơ sở đang
bơm chất lạ vào tôm để tăng trọng lượng.

Được biết đến là khéo tay, hay làm nên Tết này chị Lưu Thị Hạnh ở Văn Quán, Hà Đông đã làm gần 1 tạ mứt các loại gồm: mứt dừa, mứt bí, mứt hạt sen… chỉ để phục vụ đơn đặt hàng của người quen. Chị Hạnh cho hay, ban đầu, chị chỉ mày mò làm cho vài người quen, sau đó, cứ người này giới thiệu người khác, đơn đặt hàng ngày cứ chồng chất, chị lại gắng làm. Có đêm chị phải thức trắng để nạo dừa, xào mứt để kịp ngày ship hàng cho khách. Chị Hạnh giới thiệu, có thể làm được 7 loại mứt dừa với các vị socola, chanh leo, lá dứa, trà xanh, cacao, gấc, mít hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên nên được nhiều người ưa chuộng.

Để làm thủ công được các sản phẩm này đòi hỏi người làm phải rất kỳ công từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến công đoạn gọt tỉa, ngâm tẩm. Vì thế giá mỗi kg mứt chị Hạnh bán tận tay người tiêu dùng khoảng 200.000 đồng, trong khi giá tại các siêu thị mứt dừa cùng loại cũng chỉ có giá 130.000 đồng/kg, 110.000 đồng/kg ở chợ.

“Đắt xắt ra miếng, ăn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng bao giờ mình cũng yên tâm nên thấy ngon hơn”, chị Lê Thu Hà, nhân viên ngân hàng Vietcombank chia sẻ. Chị Hà cho hay, hàng đặt làm bằng tay bao giờ cũng đắt gấp rưỡi giá thị trường nhưng để cả nhà yên tâm có thực phẩm ngon, chị nhờ người quen mua hoặc làm giúp từ mua gà, làm giò, bánh kẹo. Đến hoa quả để nhà chị cũng đặt mua ở quê như chuối, bưởi…

Anh Nguyễn Quang Đại ở Láng Hạ chuyên kinh doanh thực phẩm quê Nghệ An, Hà Tĩnh cho hay, cách đây cả tháng cửa hàng bắt đầu nhộn nhịp khách đặt hàng ăn Tết. Trong đó, các mặt hàng như cam Vinh, gà, bưởi Phúc Trạch, tôm sú, cá thu, bánh đa nem, giò bê Nghệ An, nấm… được khách đặt khá nhiều.

Báo cáo mới đây của Cục An toàn thực phẩm trong năm 2014, kiểm tra hơn 466.000 tấn hoa quả nhập khẩu, chỉ duy phát hiện một mẫu nho tươi có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, riêng 210 mẫu hoa quả táo, lê đều không phát hiện mẫu nào vượt ngưỡng. Các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết cũng được lấy mẫu kiểm nghiệm đa phần đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, cuối năm 2014, Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành lập hàng trăm đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhưng kết quả rất ít phát hiện các sai phạm. Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội lấy 18 mẫu thực phẩm test nhanh thì cả 18 mẫu đều đạt chuẩn, đoàn thanh tra Bộ Y tế test nhanh 3 mẫu tại siêu thị Metro cả 3 mẫu đều đạt chuẩn, Sở NN&PTNT cũng báo cáo đã kiểm tra 614 cơ sở sản xuất kinh doanh, lấy 165 mẫu nông lâm, thủy hải sản để kiểm nghiệm chỉ phát hiện 7 mẫu chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Liệu có phải công tác thanh kiểm tra đang chỉ tập trung ở một số siêu thị, cửa hàng lớn và tình trạng thanh kiểm tra vẫn đang “cưỡi ngựa xem hoa”?

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, năm 2014 cả nước có gần 40.000 đoàn thanh, kiểm tra từ T.Ư đến cơ sở. Trong đó, các đoàn được yêu cầu tập trung kiểm tra các thực phẩm người tiêu dùng dùng nhiều dịp Tết như: bánh kẹo, sữa, nước uống đóng chai, phụ gia thực phẩm, bếp ăn tập thể… và phát hiện 5.567 cơ sở vi phạm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều cơ sở vi phạm lần đầu, đang được nhắc nhở mà chưa xử phạt.

Ông Phong cũng khẳng định, “lực lượng chức năng vẫn còn phát hiện ra các vụ thực phẩm bẩn cho thấy vẫn chưa kiểm soát được hết thực phẩm bẩn trên thị trường”, “các đoàn thanh, kiểm tra sẽ vẫn tiếp tục làm việc, khi phát hiện đơn vị, sản phẩm nào vi phạm đều lập tức công bố. Các kết quả kiểm nghiệm cũng được công bố để người tiêu dùng biết”.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn