Chuyên gia vàng: Việt Nam khó tiêu thụ hết 69,1 tấn vàng

Chủ nhật, 15/03/2015, 09:04
Trong khi Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố năm 2014 Việt Nam tiêu thụ hết 69,1 tấn vàng thì đa phần ý kiến của những người trong ngành đều bác bỏ con số này.

Con số không tưởng

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry cho rằng con số này rất huyễn hoặc. Thống kê của WGC không biết được dựa vào đâu nhưng với doanh số của tất cả doanh nghiệp vàng Việt Nam cộng lại cũng thể  lên tới con số này.

Đi sâu vào phân tích, ông Trọng cho biết, một tháng, nhu cầu nguyên liệu của mỗi doanh nghiệp nữ trang lớn vào khoảng 200kg, và vì số lượng doanh nghiệp nữ trang lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay nên thực chất lượng vàng dùng để chế tác nữ trang không nhiều. Còn ở các tiệm vàng việc chế tác chủ yếu là mua lại sản phẩm đã bán ra trước đó, rồi nấu lại, không mua vàng nguyên liệu nhiều.

Vàng nhập lậu nay đã không thể dập thành vàng miếng SJC. Vì vậy mức lãi của những người nhập lậu không phải mức chênh lệch 5,5 triệu đồng/lượng của vàng miếng SJC so với giá thế giới. Ảnh: Thành Hoa

“Con số 12,7 tấn vàng nữ trang tiêu thụ trong năm 2014 có thể là hợp lý, nếu tính cả sản phẩm nữ trang vàng đã chế tác ở Trung Quốc nhập lậu về. Vì thị trường nữ trang năm qua rất trầm lắng. Số còn lại lên đến 56,4 tấn vàng được xem là vàng đầu tư, lại được thống kê riêng biệt với nữ trang thì không hiểu về Việt Nam rồi, lượng vàng này đã trở thành gì”.

Theo ông Trọng, cho dù là nhập lậu thì lượng vàng trên khi đã vào Việt Nam sẽ chỉ có mấy lối ra như sau: Một là làm nguyên liệu cho vàng nữ trang, nhẫn tròn trơn, nhưng như đã thống kê, vàng nữ trang đã nằm trong con số 12,7 tấn nói trên. Hai là làm nguyên liệu để chế tác vàng mỹ nghệ, thường làm lớp áo bên ngoài sản phẩm nên cũng không cần quá nhiều vàng cho hoạt động này. Ba là phục vụ công nghiệp sản xuất hàng công nghệ, nhưng lượng vàng cần cho hoạt động này cũng rất ít. Còn lối đi lớn nhất của vàng lậu trong nhiều năm trước là để dập thành vàng miếng bán ra thị trường giờ đã bị chặn.

Cả năm 2014, xưởng gia công vàng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ làm một việc duy nhất là dập lại vàng móp méo đang lưu hành trên thị trường, không có đợt dập vàng mới nào, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM, đơn vị giám sát hoạt động sản xuất vàng miếng tại SJC. Từ khi Nghị định 24/2013/NĐ-CP có hiệu lực, vàng miếng do chính NHNN quản lý, chỉ gia công tại SJC (có thể sau này NHNN sẽ trực tiếp sản xuất như tuyên bố của cơ quan này trước đó).

“Với nhu cầu nguyên liệu cho vàng nữ trang cùng lắm chỉ bằng con số nói trên, vàng miếng mới dập lại cũng không có thì khả năng sai sót của con số này rất cao”, ông Trọng nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ, kim hoàn đá quý TPHCM, trong năm 2014, hoạt động kinh doanh vàng rất ế ẩm. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đã không còn tồn tại được vì không còn được kinh doanh vàng miếng, nữ trang thì nhu cầu không lớn. Chưa kể thông tư 22 về kiểm soát chất lượng vàng trang sức đã khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì sản phẩm không đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, ông Dưng cho rằng nhu cầu mua vàng nguyên liệu không nhiều. Ông Dưng cũng cho biết “không hiểu vì đâu Việt Nam lại tiêu thụ đến 69,1 tấn vàng như WGC nói”.

Một đại diện của SJC cũng cho biết ông ngạc nhiên về con số thống kê nói trên. Vì chuyện vàng lậu thì xưa nay vẫn có, ở miền Nam chủ yếu nhập qua biên giới các tỉnh như An Giang, Kiên Giang... do chênh lệch giá trong nước và thế giới, nhưng với mãi lực hiện tại thì không có lý do gì để Việt Nam nhập đến 69,1 tấn vàng trong năm 2014.

Nhập lậu vàng đẩy giá đô la Mỹ tăng

Chuyện giá đô la Mỹ trên thị trường tự do lên đến trên 21.730 đồng/đô la là chuyện cả năm rồi mới thấy. Thường thì mức chênh của thị trường tự do và trong ngân hàng chỉ cách nhau khoảng vài chục đồng/đô la.

Như hiện tại các ngân hàng bán ra 21.375 đồng/đô la thì ngoài thị trường tự do một đô la sẽ được bán với giá chừng 21.430 đồng.

Việc giá ngoại tệ trên thị trường tự do tăng ít khi là do nhu cầu từ doanh nghiệp, vì hiện tại ngân hàng không thiếu ngoại tệ này, doanh nghiệp không khó để mua. Vì vậy, thường thì lý do chính vẫn là yếu tố tâm lý do các tin đồn tăng tỷ giá, và cá nhân gom ngoại tệ để nhập lậu vàng.

Phó Tổng giám đốc phụ trách ngoại hối một ngân hàng TMCP lớn cho rằng, mỗi khi giá vàng trong nước giảm không kịp so với giá thế giới, đẩy khoảng chênh lệch giá cao hơn, thì giá đô la Mỹ ngoài thị trường tự do lại tăng. Điều này lặp lại rất thường xuyên trong nhiều năm nay. Vì vậy, ông này cho rằng đợt này giá vàng SJC cao hơn thế giới đến 5,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch vàng nguyên liệu vì thế cũng tăng theo, dẫn đến nhu cầu nhập vàng lậu khi giá xuống có tăng lên, đẩy tỷ giá tăng theo.

Thừa nhận điều này, ông Trọng nói, trong những ngày gần đây, giá vàng nguyên liệu đã cao hơn giá thế giới trên 500.000 đồng/chỉ, một mức phù hợp để nhập lậu vàng. Tuy vậy, ông Trọng cho rằng với nhu cầu tiêu thụ nữ trang trong nước kém, chuyện nhập ồ ạt vàng lậu là không có. Việc tỷ giá tăng chỉ do nhu cầu nhập lậu tăng sau một thời gian im ắng vì mức chênh lệch quá ít.

Đại diện một cơ quan có thẩm quyền khẳng định có chuyện nhập lậu vàng trong những ngày gần đây, do giá vàng trong nước lên cao hơn giá thế giới, vì vậy có tác động đến tỷ giá trên thị trường tự do. Tuy vậy, số lượng không nhiều. Cơ quan này cũng đang phối hợp với các ban ngành để kiểm soát việc nhập lậu qua biên giới.

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn