Xăng dầu trước đồn đoán tăng giá

Thứ tư, 04/03/2015, 11:40
Hiện đang có nhiều đồn đoán về giá xăng có khả năng tăng trong chu kỳ tới do giá xăng dầu thế giới đang có chiều hướng nhích lên cũng như việc Chính phủ vừa có tờ trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ là yếu tố tăng chi phí đầu vào.

Liên bộ Công Thương - Tài chính ngày 24/2 có văn bản đề nghị các DN đầu mối xăng dầu phải ổn định giá bán, không tăng giá vào thời điểm này. Đồng thời, liên bộ quyết định chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố cao hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề. Đại diện Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) khi được hỏi về khả năng tăng giá xăng dầu trong thời điểm này đã xin miễn bình luận.

Xăng dầu đang được đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường.

Với 15 lần giảm giá liên tiếp theo giá xăng dầu thế giới, tính đến hết quý IV/2014, tập đoàn này đã báo cáo lỗ lên đến 1.145 tỉ đồng. Với số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết 31/1/2015 do Petrolimex công bố, riêng tập đoàn này có số dư 2.598 nghìn tỉ đồng (chiếm 50% số dư của cả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu) cũng chỉ bù lỗ tối đa được 2 tháng với mức tiêu thụ khoảng trên 20 triệu lít xăng dầu/ngày.

Mới đây, Chính phủ vừa có tờ trình số 52 lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu. Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định, mức thuế trần cho bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng là 4.000đ/lít, dầu diesel là 3.000đ/lít. Trước đó, từ năm 2012 đến nay, xăng A92 đang phải gánh 1.000đ/lít thuế bảo vệ môi trường, dầu diesel gánh 500đ/lít, dầu hoả và madut chịu mức thấp hơn là 300đ/lít,kg.

Như vậy, áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường, sẽ chỉ quy định một mức thuế trần đối với mặt hàng xăng là 4.000đ/lít, dầu diesel là 3.000đ/lít, dầu hoả và madut, có mức thuế trần 2.000đ/lít,kg.

Lý do được Chính phủ đề nghị áp dụng vào thời điểm này là do giá dầu thô thế giới đang giảm sâu. Bên cạnh đó, VN đã bắt đầu phải thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ 1.1.2015. Trong đó, mức thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ là 20%, xăng máy bay là 10%, nhiên liệu bay, dầu diesel và dầu hỏa là 35%.

Vì vậy theo tính toán, việc phải tăng thuế để nâng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trên mức sàn là cần thiết, đồng thời, tạo sự chênh lệch hợp lý giữa xăng sinh học E5 và xăng truyền thống nhằm khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học.

Tại thời điểm này, một số người cho rằng DN kinh doanh xăng dầu đang chờ phản ứng của thị trường xăng dầu thế giới trong tuần này và tuần tới. Theo dự báo kể từ thời điểm 24/2 đến 10/3 là chu kỳ tính giá, căn cứ vào diễn biến giá dầu bình quân 15 ngày liên tiếp, khả năng tăng giá hay xả quỹ sẽ được liên bộ đưa ra.

Theo Lao Động

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn