Trong vai một người cần mua bò khô số lượng lớn để mở quán bán gần trường học, phóng viên tìm đến một cơ sở sản xuất bò khô có thương hiệu 12 năm trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau khi được "người mua" trình bày lấy nguồn hàng để mở quán bán cho sinh viên, học sinh, chủ cơ sở này không hề giấu giếm: “Muốn bao nhiêu cũng có, mà giá ở đây là rẻ nhất. Hàng tự sản xuất, loại nào cũng có, tùy theo giá tiền. Với đối tượng khách của chị là học sinh, sinh viên chỉ nên lấy loại rẻ nhất là 150 nghìn/kg. Thực chất, loại này nhà tôi bán rất chạy, hầu như các cửa hàng ăn uống đều nhập loại này”.
Sau đó, anh T., chủ cơ sở gọi nhân viên mang đến một thùng caton 5 kg bò khô với giá rẻ nhất. Theo quan sát, bò khô được làm đẹp mắt, hấp dẫn không khác những loại đang được bán trên thị trường. Thịt bò khô được đựng trong túi nilon. Người mua về chỉ việc đóng thành từng gói tùy ý. Khi tôi tỏ ý thắc mắc tại sao thịt bò khô chỉ có giá 150 nghìn/kg trong khi giá thịt bò tươi trên thị trường loại bình thường cũng đã lên tới 150 nghìn đồng/kg.
Anh T. giải thích: “Loại này được làm từ thịt đông lạnh và thịt lợn chứ làm gì có thịt bò với giá đó. Chúng tôi làm nhiều đều biết, nếu muốn ăn thịt bò thật phải đặt riêng và có giá không dưới 600-700 nghìn/kg. Muốn loại rẻ hơn, có thể thay đổi số lượng thịt bò thật và giả bò. Dân mình cứ muốn ăn đồ xịn với giá rẻ là điều hoang đường. Các cửa hàng ăn uống không ai mua thịt bò thật cho khách ăn bởi như thế sẽ không có lãi. Thậm chí, siêu thị cũng nhập loại này của nhà tôi rất nhiều”.
Theo đó, để làm 1 kg bò khô cần tới gần 3 kg bò tươi. Đáng lo ngại khi chính chủ cơ sở này thừa nhận nguyên liệu được lấy từ các nguồn đông lạnh được bán với giá siêu rẻ, trong đó không loại trừ nguồn lợn chết bệnh, ôi thiu. Điều đó đồng nghĩa với việc, người ta sẽ phải dùng rất nhiều hóa chất, phụ gia để “hóa phép” thành bò khô “xịn”.
Thịt bò khô làm từ thịt lợn đông lạnh giống hệt thịt bò xịn. Ảnh: HQ.
Phổi lợn “hóa phép” thành bò khô
Thừa nhận đa số thịt bò khô được bán ra thị trường được làm từ thịt lợn đông lạnh nhưng anh T. phủ nhận việc dùng phổi bò để sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế, hồi cuối tháng 10, tại huyện Bình Chánh, cơ quan chức năng đã phát hiện một cơ sở sản xuất bò khô bằng phổi lợn. Tại thời điểm này, có tới 31 kg phổi heo đang luộc và 27 kg bốc mùi.
Theo mô tả của chủ cơ sở này, phổi heo sau khi luộc được nhúng vào nồi nước gồm màu, hương bò và chất bảo quản để thơm mùi bò và sử dụng được lâu. Khô bò thành phẩm được bỏ mối cho với giá khoảng 30.000 đồng/kg.
Làm thế nào để nhận biết?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, bò khô được làm bằng thịt lợn hay thịt bò cũng đều là nguồn cung cấp chất đạm, tuy nhiên chúng gây khó tiêu hơn thịt tươi. Việc đánh tráo giữa hai loại thịt này đã đánh lừa người tiêu dùng. Đặc biệt, nếu sử dụng nguồn thịt không đảm bảo sẽ gây hại cho người ăn. Hiện, danh mục các chất phụ gia cho phép sử dụng trong thực phẩm có một số loại hương liệu tạo mùi bò, song nếu người sử dụng không kiểm soát được mặt liều lượng sẽ gây nguy hiểm cho người ăn.
Về phân biệt, PGS Lâm thừa nhận rất khó, chủ yếu vẫn là việc tìm những địa chỉ tin cậy, uy tín.
Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, các chiêu trò sử dụng nguyên liệu làm thịt bò khô có rất nhiều. Trước đây cũng có một vài cơ sở sử dụng thịt lợn chất lượng kém rồi thực hiện tẩm ướp, ép để bán với mác thịt bò khô. Thậm chí nhiều nơi còn cho dây sắn lẫn vào thịt bò. Quy trình tẩm ướp tinh vi đến nỗi người ăn cũng không thể nào phát hiện ra, nhất là khi xé sợi nhỏ để sử dụng. Chiêu trò làm giả thịt bò khô từ phổi lợn chỉ mới xuất hiện. Phổi rất giàu cholesterol nên ăn nhiều không tốt. Đặc biệt, phổi đã để thối, vi khuẩn đã xâm nhập phải bỏ đi, không được làm thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nhận biết thịt bò khô thật giả không khó.
- Thịt bò khô thật sẽ có màu vàng sẫm, sợi dài, to... Thịt giả thường có màu đỏ vừa đến đỏ thẫm nhờ phẩm màu.
- Thịt bò khô thật rất dai và dẻo, khi dùng tay xé sợi hoặc miếng khô bò, phải dùng lực khá mạnh. Dùng tay miết sợi hoặc miếng thịt, nếu thấy có màu đỏ thôi ra tay, chắc chắn bò ấy là giả.
- Thịt bò khô thật có mùi nồng rất đặc trưng của thịt bò, nhai vào sẽ có vị cay, ngọt, mặn vừa phải... Thịt bò khô giả có rất ít mùi bò, mùi nồng để lấn át mùi lợn nhưng khi ăn vẫn có thể nhận biết vì mùi lợn rất đặc trưng. Với thịt bò khô từ phổi lợn, thớ thịt sẽ không rõ mà dính kết lại với nhau, có lẫn mùi hôi, có thể dễ dàng nhận biết.
- Thịt bò thật không thể có giá siêu rẻ nên nếu muốn mua rẻ, hãy tin, bạn đang mua thịt lợn giả bò.
Theo Zing