Ảnh minh họa |
Phát biểu tại hội nghị, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, sản lượng dưa hấu vụ mùa 2015-2016 ước khoảng 1,5 triệu tấn, giá tiêu thụ ở vùng Nam Bộ từ 5.500-6.000 đồng/kg.
Với giá này, người dân đang có lợi nhuận khoảng 50-60 triệu đồng/hecta.
Về tình hình xuất khẩu, dưa hấu Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh. Trung bình mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 200.000 tấn, dự kiến nhu cầu mặt hàng này năm nay không có biến động lớn.
Lý giải lý do ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu hàng năm, bà Thảo cho hay có hai lý do:
Thứ nhất, tập quán buôn bán giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng ký trước, buôn bán tự phát.
Doanh nghiệp Việt Nam thường làm thủ tục đưa sang biên giới rồi mới tìm đối tác để bán hàng, do đó không chủ động được quá trình tiêu thụ, bị ép giá dẫn đến việc hàng hóa không lưu thông, gây ùn tắc.
Thứ hai, cách thức phân loại, lựa chọn và đóng gói hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc không thống nhất, dẫn đến việc đưa hàng hóa lên đến cửa khẩu để giao hàng rồi mới lại dỡ hàng hóa xuống để lựa chọn, đóng gói lại cho đúng yêu cầu.
"Dù đang là đối tác cung cấp chủ yếu mặt hàng dưa hấu cho Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại tăng thuê đất các nước lân cận để trồng dưa và cung cấp cho thị trường này. Và có thể họ sẽ giảm nhập khẩu từ thị trường Việt Nam", bà Thảo lo lắng.
Trong khi đó, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, với số lượng trên 200.000 tấn xuất khẩu qua Tân Thanh diễn ra từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, trung bình mỗi ngày có khoảng 70-75 xe thông quan. Tình hình ùn tắc tại cửa khẩu chỉ là điểm nghẽn cục bộ 10-15 ngày, không có chuyện đổ bỏ dưa hấu cho bò ăn...
"Thị trường trong nước có hơn 8.000 chợ và hơn 750 Trung tâm thương mại và siêu thị là kênh quan trọng để tiêu thụ dưa hấu. Nhà nước không thể làm thay vai trò của doanh nghiệp mà phải theo dòng chảy của quy luật cung-cầu, tạo ra chuỗi và vùng nguyên liệu sạch để xuất khẩu được giá", ông Quyền nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, việc ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn trong thời gian đầu năm chỉ là cục bộ.
Chính vì vậy, liên bộ Công Thương - Nông nghiệp họp bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này cũng như tăng cường hơn nữa năng lực của chính quyền sở tại, đưa ra các giải pháp để đưa mặt hàng rau củ quả vào sâu thị trường nội địa nước bạn, trong đó nâng cao vấn đề thông quan, kiểm tra an toàn thực phẩm.
"Phải có kênh phân phối nào để mặt hàng dưa hấu có thể tiếp cận sâu vào thị trường Trung Quốc. Việc điều tiết rất cần sự tham gia của tỉnh Lạng Sơn, Công an và Hải quan để đảm bảo năng lực thông quan ở biên giới.
Phía bạn luôn khẳng định nhu cầu hợp tác với Việt Nam trong tiêu thụ mặt hàng nông sản, trái cây. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ ngoại giao để phía Trung Quốc mở thêm điểm giao nhận mới", Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Theo Tri Thức Trẻ