Dưa hấu rẻ bèo, nông dân xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) buồn chán bỏ mặc cho trâu ăn. Ảnh: Trí Tín. |
Chưa kịp vui mừng thoát đợt mưa lũ bất thường tháng trước, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Hội (ngụ xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) lại lo giá dưa hấu giảm mạnh. Năm nay, gia đình anh đầu tư 60 triệu đồng trồng 20 sào dưa.
"Dưa của tôi đang đơm trái thì lũ tràn về tàn phá. Suốt nhiều ngày bơm nước, cứu sống được nửa diện tích, ai ngờ đến ngày thu hoạch thì giá chỉ còn 500 đồng mỗi ký. Nản quá nên tôi bỏ mặc dưa ngoài đồng cho trâu ăn", anh Hội nói.
Đứng bên bờ ruộng chứng kiến đàn trâu ngoạm từng quả dưa hấu ăn ngon lành mà anh Hội xót xa. Ba tháng thức khuya dậy sớm chăm sóc dưa cần mẫn trên đồng, công sức của vợ chồng anh giờ thành số 0.
Nông dân Quảng Ngãi đang điêu đứng vì mỗi kg dưa hấu chỉ còn 500 đồng. Ảnh:Trí Tín. |
Theo nhiều nông dân huyện Sơn Tịnh, ruộng dưa đã đến ngày thu hoạch, nếu thương lái không mua thì đành để chín rục ngoài đồng hoặc cho trâu, bò ăn.
Dọc theo các cánh đồng từ xã Tịnh Hiệp sang Tịnh Trà, đến nơi đâu cũng nghe người dân than thở vì giá rẻ bèo. Ôm từng quả dưa lớn nặng hơn 4kg chuyển lên xe tải mà ông Phạm Văn Trung buồn rũ rượi. Năm nay, gia đình ông trồng ba sào, thế nhưng lũ ập đến tháng trước gây hư hại hết nửa diện tích. Số còn lại cho thu hoạch 3,5 tấn, gia đình ông bán tháo chỉ có 2 triệu đồng.
"Thương lái cho rằng những ngày qua dưa bị kẹt ở cửa khẩu Tân Thanh úng thối hết. Họ lấy cớ ép bà con giảm giá liên tục, giờ chỉ còn 500 đồng mỗi ký. Thôi thì bán đổ, bán tháo gỡ gạc chừng nào hay chừng ấy chứ biết làm sao", ông Trung trần tình.
Hàng nghìn người trồng dưa Quảng Ngãi hy vọng sau đợt mưa lũ bất thường vừa qua giá sẽ trở nên đắt đỏ, nhưng giờ đây đều thất vọng.
Đợt lũ thất thường tháng trước khiến nhiều quả trên ruộng dưa đến ngày thu hoạch của gia đình ông Trung bị úng thối. Ảnh: Trí Tín. |
Ông Đào Minh Hường - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi - cho biết, nguyên nhân khiến dưa hấu rớt giá là do lượng tiêu thụ phía Trung Quốc giảm mạnh.
"Nhiều xe tải chở dưa ùn ứ, ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh vài ngày qua. Nếu tình hình này kéo dài, bà con trồng dưa sẽ còn gặp khó khăn. Nhiều lần ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không nên trồng dưa hấu tự phát tràn lan, thế nhưng họ cứ lặp đi, lặp lại tình trạng này ", ông Hường nói.
Trong khi đó, trước thông tin nông dân miền Trung đang phải bán tháo dưa hấu với giá chỉ 1.000 đồng mỗi kg, ngày 10/4, đại diện Bộ Công Thương khẳng định “việc tiêu thụ vẫn diễn ra bình thường với mức giá tương đối khả quan”.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, theo Sở Công Thương các tỉnh, lượng dưa hấu thu hoạch ở nhiều nơi đã bán gần hết. “Dưa chủ yếu tập trung 4 tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, với sản lượng khoảng 100.000 tấn, trong đó Bình Định đã bán gần hết, các tỉnh khác được 70-80%. Quảng Nam khó khăn nhất do trúng đợt lũ nhưng tình hình cũng đã khả quan”, ông Quyền nói.
Đối với dưa hấu xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương thừa nhận vì lượng hàng đổ về qua cửa khẩu Tân Thanh khá lớn, dẫn đến ùn tắc trong mấy ngày qua nhưng tình trạng này đã nhanh chóng giảm xuống. Giá dưa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng một kg, tùy chất lượng quả.
Vụ trưởng cho biết thêm, trong những ngày qua, phía Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận với Trung Quốc và đạt được thỏa thuận có một kho bãi riêng cho mặt hàng dưa ở bên kia biên giới. Ngoài ra, số liệu về khả năng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh cũng được cơ quan chức năng thông tin liên tục đến doanh nghiệp, địa phương để giảm thiểu tình trạng thương lái ồ ạt đưa dưa hấu lên cửa khẩu.
Đối với kênh phân phối lớn trong nước, đại diện Bộ Công Thương khẳng định các siêu thị như Co.opmart, Hapro, Metro, Big C... vừa qua cũng đã tích cực thu mua. "Điều này cho thấy, những giải pháp kết nối cung cầu đã thu được những kết quả khả quan”, ông Quyền nhận định.
Theo VnExpress