Thời điểm xuống giống thuận lợi để hành tây phát triển tốt nhất thường vào khoảng tháng 10 năm trước, với bao công sức chăm bón, tiền của đầu tư và hy vọng vào mùa thu hoạch. Vậy mà, mùa vụ năm nay, nhiều bà con nông dân Lâm Đồng đang “chết dở” vì hành tây…
Mất giá, mất mùa
Khác với không khí hồ hởi của những mùa thu hoạch hành tây mọi năm, các vườn hành tây tại phường 7, Tp. Đà Lạt đang bao trùm sự uể oải, ngao ngán của chủ vườn. Vụ thu hoạch hành tây năm nay được xem là đến sớm tại phường 7 - nơi có diện tích trồng hành tây lớn nhất Tp.Đà Lạt. Nguyên nhân chủ yếu là do cơn mưa đá vào đầu tháng 4, nhiều diện tích hành tây tại đây bị thiệt hại nặng, mất trắng hoặc phải thu hoạch non nên năng suất giảm xuống gần một nửa.
Thu hoạch hành tây sớm ở Đất Làng, P.7, Đà Lạt |
Ông Mai Văn Thanh (Đất Mới, P.7, Tp. Đà Lạt) ngậm ngùi: “Nhà tôi trồng 8 sào đang vào vụ thu hoạch, dự kiến thu trên 70 tấn nhưng sau trận mưa vừa qua phải thu hoạch sớm, hiện giờ chưa đầy 30 tấn. Buồn hơn là giá hành tây hiện quá thấp, chắc chắn là lỗ nặng”.
Phó Chủ tịch UBND phường 7, TP. Đà Lạt - Lê Minh Huy cho biết: Hiện tổng diện tích trồng hành tây tại phường là khoảng 60ha, số này đã bị thiệt hại gần một nửa sau khi bị mưa đá. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn phải bắt tay vào thu hoạch vì mùa mưa sắp đến, hơn nữa sau thiệt hại mưa đá buộc phải thu hoạch non để “cứu vãn tình thế”.
Theo nhiều vựa buôn hành tây tại Tp. Đà Lạt, giá hành tây hiện tại chỉ dao động từ 1.000 - 1.500/kg là loại 1, củ đẹp, to, đều. Thậm chí, hiện nhiều vựa lớn cũng đã ngừng thu mua hành tây vì giá quá thấp.
Nỗi niềm không mới
Tại huyện Đơn Dương, nơi có diện tích trồng hành tây lớn nhất tỉnh Lâm Đồng cũng không khả quan hơn. Thương lái chỉ thu mua hành loại 1, củ đẹp với giá 1.000 đồng/kg, có ngày xuống chỉ còn 500 đồng/kg.
Theo số liệu của Hội Nông dân huyện Đơn Dương cung cấp, vào đầu mùa vụ, tổng diện tích hành tây toàn huyện là khoảng 700ha, hiện tại có khoảng 400ha đang vào vụ thu hoạch cao điểm. Giá hành quá thấp nhưng bà con vẫn tiến hành thu hoạch vì hành tây vẫn có thể trữ từ 2-3 tháng, hơn nữa, các thương lái cũng chỉ mua chọn lọc những loại đẹp, còn hành tây xấu cũng không ai mua.
Giá hành thấp nhiều nhà buôn mua về trữ chờ giá nhích lên |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nông nghiệp Tp. Đà Lạt, giá một số mặt hàng nông sản tại Đà Lạt hiện tại đều giảm so với đầu năm như: Cải bắp, súp lơ trắng, khoai tây, cà rốt, củ dền, đậu Hà Lan, đậu cô ve, xà lách, dâu tây, atiso, hoa cúc, hoa lay ơn… |
Ông Nguyễn Văn Thắng (Thạnh Mỹ, Đơn Dương) chuyên thu mua hành tây chia sẻ: “Giá hành thấp quá chúng tôi cũng thu mua về để trữ chờ giá lên, chứ xuất đi các thành phố lớn cũng không được. Tại chợ giá đang khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, các chi phí thì nhà buôn cũng lỗ”.
Nhà nông Trần Đình Chung (Nghĩa Đức, Đơn Dương) buồn rầu nói: “Hành giống năm nay đắt nên riêng tiền giống đã phải chi hơn 1 triệu đồng/sào. Công với tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê đất… thì chi phí bình quân phải 3 triệu đồng/sào. Giá thấp thêm chi phí công thu hoạch thì lỗ nặng. Còn nhiều hộ trồng hành tây xung quanh đây, thu hoạch hành sớm hơn nửa tháng, bán giá lúc đó 3.000 đồng/kg, không những không có công mà trừ tiền đầu tư vẫn lỗ”.
Đó là nỗi niềm chung của nhiều hộ nông dân trồng hành tây ở Lâm Đồng. Nỗi niềm không mới, nhưng bà con vẫn loay hoay không lối thoát. Cũng cùng thời điểm này năm trước (tháng 4/2014), hàng ngàn tấn hành tây tại Đà Lạt bị đổ bỏ vì giá quá thấp, bán không ai mua mà trữ thì cũng hư hỏng nặng.
Theo ông Dương Ngọc Đức - Trưởng phòng kinh tế Tp. Đà Lạt phân tích: Chuyện này không mới, năm nào cũng xảy ra, không riêng hành tây, các loại nông sản khác cũng bị đổ bỏ, không ai mua, tuy nhiên định hướng bà con rất khó vì đa số là trồng tự phát, thiếu liên kết với nhà tiêu thụ. Riêng hành tây, vì đây là loại nông sản dễ trồng, vốn đầu tư không nhiều (so với rau công nghệ cao, rau sạch) nên bà con trồng đại trà để quay vòng vốn, đất…
Vẫn biết, câu chuyện mất giá - mất mùa, được mùa - mất giá là câu chuyện không mới với nhiều loại nông sản Lâm Đồng, tuy nhiên, tìm “lối thoát” cho nông sản lại là chuyện không hề dễ. Định hướng cây trồng và liên kết chặt chẽ với nhà tiêu thụ vẫn là bài toán khó giải với những người ở cấp quản lý và cả người nông dân.
Theo Báo Lâm Đồng